Năm Cam.
Cũng chỉ vì… chuyện viết lách
Trong suốt những năm làm việc ở báo TT, tôi có tiến cử vào làm việc một số người, trong đó đáng kể là hai cây bút Huy Đức và Hoàng Linh. Lúc ấy là năm 1987, tôi đang làm thư ký tòa soạn báo TTC. Huy Đức đi bộ đội về, làm bản tin huyện Nhà Bè, thỉnh thoảng gởi bài cộng tác, bút danh Trương Ngộ. Hoàng Linh là giáo viên ở Hóc Môn, ra làm báo Ấp Bắc và cộng tác viên báo Công An TP.HCM, cũng thường ghé gởi bài. Hai bạn cùng viết khá tốt và tôi nhìn thấy khả năng tiến xa hơn của cả hai. Đúng lúc TT tăng kỳ, cần người. Tôi giới thiệu hai người và cùng được Ban biên tập chấp nhận vào làm phóng viên tập sự, mảng thời sự chính trị – xã hội. Chỉ sau một thời gian ngắn, đặc biệt là sau loạt bài phóng sự điều tra về Đường Sơn quán, với sự xông xáo không ngại đụng chạm, nguy hiểm, lối viết hấp dẫn, cả hai sớm được tuyển chính thức và chỉ sau một thời gian ngắn đã trở thành hai cây bút chủ lực mảnh nội chính của Ban chính trị – xã hội, được nhiều bạn đọc biết tên.
Hoàng Linh đặc biệt tỏ ra rất thuận tay với những đề tài liên quan đến tòa án, công an, xã hội đen… Linh am tường lãnh vực, viết sắc sảo. Tôi lúc ấy đã trở lại tòa soạn báo ngày phụ trách mảng văn hóa văn nghệ, nên không còn gặp nhau thường xuyên. Nhưng nhờ có chút “công”, thỉnh thoảng tôi vẫn được Huy Đức mời ăn sáng và Hoàng Linh rủ nhậu.
Một hôm, Linh hỏi tôi:
- Anh có nghe tiếng Năm Cam?
Từ lâu tôi đã nghe đồn về ông trùm mafia này, nên gật đầu. Linh nói:
- Ổng ở tù về, đã giải nghệ, về mở nhà hàng quán nhậu. Quán Cánh Buồm ở Pasteur và Ra Khơi ở Công trường Mê Linh là của ổng. Nay ổng mới mở khách sạn – nhà hàng Cam bên đường Nguyễn Tất Thành quận Tư, làm tiệc khai trương. Ổng nhờ em mời vài anh em ở các báo đến dự làm quen, mai mốt có tiệc tùng đến ủng hộ, ông sẽ tính giá hữu nghị. Anh đi không?
Với tôi, đi nhậu là “chuyện thường ngày ở huyện”, đó còn là nơi cung cấp không ít đề tài cho tôi viết. Tôi cũng thích giao thiệp với đủ loại người, để có thêm vốn sống và hiểu biết tâm lý các loại nhân vật. Hồi trẻ, tôi có đọc Điệu ru nước mắt của Duyên Anh, viết về trùm xã hội đen Đại Cathay, người đứng đầu trong “tứ đại thiên vương” Đại – Tỳ – Cái – Thế. Rồi Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long, cũng về cuộc sống của dân anh chị. Cả hai đều được đưa lên phim, khá rùm beng. Nghe Linh rủ, tôi nghĩ ngay đến chuyện biết đâu mình sẽ viết được gì về ông trùm này, hoặc tối thiểu cũng có thêm kiến thức về một mảng đề tài còn mù tịt. Nghe Linh kể tên thêm vài đồng nghiệp có cỡ trong làng báo sẽ cùng tham dự, lại tin tưởng Năm Cam đã “rửa tay gác kiếm”, tôi gật đầu ngay.
Lần đầu gặp, tôi hơi ngạc nhiên. So với danh tiếng thì Năm Cam có vẻ tầm thường: thấp bé, lưng hơi gù về một bên, mái tóc bum-bê kiểu Minh Vương, ăn mặc xuề xòa, áo sơmi trắng cụt tay bỏ ngoài quần. Nổi trội có cặp mắt lanh lợi, giảo hoạt và đôi tay dài so với vóc người. Ông xưng “em” với tôi dù Linh đã cho tôi biết ông tuổi hợi, lớn hơn tôi bốn tuổi. Tiệc nhậu không có gì đáng nói, trong phòng riêng, uống Hennessy XO, vừa khách vừa chủ khoảng bảy, tám người. Sự việc gây ấn tượng xảy ra sau đó, khi ông mời chúng tôi đi tiếp tăng 2, vào một tiệm massage ở đường Nguyễn Thần Hiến để… giải rượu. Ông nói: “Các anh yên tâm, chỉ là đấm bóp cho thư giãn, hết mệt mỏi, hoàn toàn lành mạnh!”.
Có vẻ đúng như vậy. Phòng massage chính của tiệm – Linh nói nhỏ, chủ cũng là dân có số má – là một phòng tập thể không vách ngăn, khách nằm dài sắp lớp trên nệm cho các cô nhân viên đấm bóp điệu nghệ, đúng bài bản. Tình cờ ông trùm nằm sát bên tôi, chỉ cách chừng một mét. Đang nằm lim dim tận hưởng cảm giác sảng khoái, tôi bỗng nghe cô nhân viên thì thào:
- Anh là bạn của anh Năm?
Tôi chọn giải pháp hỏi ngược lại đúng kiểu dân gốc Quảng:
- Có gì không em?
- Hôm kia em đi làm về khuya, trên đường Trần Xuân Soạn gần cư xá Ngân hàng thì bị tụi nó giựt mất sợi dây chuyền. Tài sản em chỉ có chừng đó phòng thân. Em nhờ anh nói với anh Năm lấy nó lại giùm em.
Tôi ngạc nhiên nhìn cô:
- Hôm kia? Hai ngày rồi? Mà ở tận khu đó? Chắc giờ này sợi dây chuyền của em tiêu rồi…
Cô gái năn nỉ:
- Anh cứ nói với anh Năm đi.
Nghe lào xào, ông trùm quay qua:
- Có chuyện gì vậy?
Cô gái kể lại sự việc. Ông trùm nhìn tôi hỏi:
- Anh muốn giúp con nhỏ này không?
Tôi biết ông muốn lấy uy cho tôi với cô bé. Sau khi tôi gật đầu, ông trùm móc điện thoại ra gọi cho ai đó, rồi quay qua:
- Chừng ba chục phút nữa nó đem tới.
Y như lời! Khoảng nửa tiếng sau, đúng sợi dây chuyền đó được đem đến trả tận tay khổ chủ! Cô gái cảm ơn “anh Năm” rối rít, trong khi tôi nhìn sững ông ta. Quả là đáng nể! (Về sau tôi mới biết là trừ những tay làm ăn lẻ, khó thọ, giang hồ thường hoạt động theo địa bàn, chỉ cần gõ vào tay trùm mỗi khu là sẽ ra mọi thông tin. Thỉnh thoảng Năm Cam cũng “lập công” với công an khi tìm giúp các vật dụng du khách nước ngoài bị cướp giật ở thành phố, và sau mỗi vụ ông đều xuất tiền trả lại đàn em đúng mức để vừa đền bù công ăn hàng vừa thưởng cho việc biết nghe lời. Cũng nhờ chiêu này mà Năm Cam làm quen được với sếp một tờ báo ngành, khi tìm được con chó cưng của gia đình ông bị bọn trộm chó bắt…).
(còn tiếp)
PV (Báo Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.