Hai loại trái cây bổ dưỡng của Việt Nam sắp chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

P.V Thứ sáu, ngày 26/01/2024 10:59 AM (GMT+7)
Sau chuyến làm việc của Bộ NNPTNT với Bộ Nông nghiệp, Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thêm hai loại trái cây của Việt Nam là bơ và chanh leo sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư sẽ được ký giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong thời gian tới.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên sau chuyến làm việc với Bộ Nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Trung Quốc đồng ý sẽ mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt là xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam.

"Sau khi làm việc tại chợ đầu mối Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy sản phẩm trái cây của nước ta có lợi thế vào thị trường này, đặc biệt là sầu riêng. Song, bạn cũng cảnh báo, nếu không chú trọng vào chất lượng hàng hóa, mẫu mã thì có thể đánh mất tiềm năng vì sắp tới Trung Quốc sẽ cho phép một số nước xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này", Thứ trưởng Nam nói.

Được biết, tháng 7/2022, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc. Ngày 27/11/2022, lô hàng chanh leo đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với khối lượng 18,4 tấn đã được vận chuyển đến khu chợ biên giới Pò Chài để tiến hành kiểm nghiệm, kiểm dịch. Sau khi đạt yêu cầu, lô hàng đã được vận chuyển trực tiếp đến nhà máy để đưa vào chế biến.

Đây là lô hàng chanh leo đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận việc thí điểm nhập khẩu chanh leo Việt Nam qua địa bàn Quảng Tây.

Để bảo đảm việc nhập khẩu và chế biến chanh leo Việt Nam ngay tại khu vực chợ biên giới, cơ quan chức năng Trung Quốc đã xây dựng phương án giám sát, quản lý chuyên biệt cho việc thông quan chanh leo, để bảo đảm các thủ tục được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

Hai loại trái cây bổ dưỡng của Việt Nam sắp chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc- Ảnh 1.

Trung Quốc đồng ý sẽ xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), cây chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 9.500 ha với sản lượng 300.000-400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.

Ngoài ăn tươi, các sản phẩm chế biến từ chanh leo cũng được người tiêu dùng các thị trường ưa chuộng. Châu Âu đang là đối tác lớn nhất nhập khẩu chanh leo của Việt Nam.

Từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong những năm qua, hai bên đã phối hợp tích cực để xúc tiến quá trình phân tích nguy cơ dịch hại và trao đổi thông tin, đi đến thống nhất về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo nhập khẩu vào Trung Quốc.

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên là vùng chanh leo chủ lực của cả nước với khoảng 8.200 ha, chiếm hơn 86% diện tích cả nước. Trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh leo lớn nhất với hơn 4.263ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn. Đây cũng là địa phương thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến tiêu thụ chanh leo lớn nhất cả nước.

Tại Việt Nam, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Kể từ đầu năm 2022, bơ Việt Nam cũng đã bắt đầu được xuất khẩu sang Australia. Đắk Nông được coi là "thủ phủ bơ" với diện tích gần 2.600 ha, năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 408,2 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng 11/2023 và tăng 31,5% so với tháng 12/2022, tính chung năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 5,6 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số Nghị định thư ký với Trung Quốc trong năm 2022. Do đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc năm 2023 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm 2022.

Ngoài ra còn có nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký với các nước, điều này đã hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, trong đó có hàng rau quả. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu của ngành hàng rau quả sang các thị trường khác cũng tăng trưởng đáng kể. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 dự báo tiếp tục khởi sắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem