Hai nghệ nhân đắm đuối cả đời với điệu múa Khmer

Chúc Ly Thứ ba, ngày 01/03/2016 08:39 AM (GMT+7)
Tuy xuất thân cũng như gia cảnh khác nhau nhưng hai nghệ nhân Đào Thị Riêng (58 tuổi) và Lý Tha (54 tuổi, đều ngụ tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) lại có cùng một niềm đam mê là gìn giữ những điệu múa truyền thống của dân tộc Khmer.
Bình luận 0

 Nuôi dưỡng đam mê

Ôn lại quá khứ tuy cực khổ nhưng huy hoàng, ông Lý Tha bồi hồi nhớ lại: “Từ khi còn là một cậu thanh niên mới lớn, do nhà nghèo nên tôi phải làm thuê kiếm sống mỗi ngày. Lúc đó tôi đã xin vào các đoàn nghệ thuật Khmer, dù chỉ giữ vai anh hề trong nhiều năm liền tôi cũng thấy rất vui. Cũng trong thời gian đó, tôi theo học hỏi các thầy, các anh chị lớn hơn về các điệu múa của dân tộc mình. Sau đó tôi trở thành diễn viên múa của các đoàn nghệ thuật lớn như Minh Hải, Ánh Bình Minh, đi diễn khắp nơi”.

img

 Ông Tha và bà Riêng thường xuyên luyện tập múa để phục vụ cho bà con.  ảnh:CHÚC LY

Còn bà Riêng cũng có thời là diễn viên của các đoàn nghệ thuật Khmer. Năm 21 tuổi, bà đã là diễn viên chính của đoàn Dù kê ở Cờ Đỏ, do cố nghệ nhân Lâm Tồn gầy dựng. “Ngày trước, khi nghệ thuật Dù kê còn phát triển, mỗi dịp lễ hội của dân tộc Khmer, đoàn hát sáng đêm ở chùa, có khi phải đi nhiều ngày để phục vụ bà con” – bà Riêng nhớ lại.

 Đối với những nghệ nhân như ông Tha, bà Riêng, dù được đi diễn nhiều nơi, thỏa được đam mê của mình nhưng có lẽ ước nguyện lớn nhất của họ vẫn là tìm ra được thế hệ kế thừa, góp phần giữ gìn và truyền bá nghệ thuật múa của người Khmer đến nhiều người.

Sau khi những đoàn nghệ thuật tan rã, những người như ông Tha và bà Riêng phải quay lại cuộc sống mưu sinh. Từ khi có chồng, bà Riêng ở nhà chăm sóc chồng con; còn ông Tha thì phải chạy xe ôm kiếm tiền nuôi gia đình 4 miệng ăn, dù vậy tình yêu với những điệu múa dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong họ. “Tuy không còn được thường xuyên diễn trên những sân khấu lớn, nhưng chúng tôi vẫn thường đi hát phục vụ bà con ở những đám cưới, lễ hội tại địa phương. Nhiều khi chỉ là vì quá yêu thích nên mình đi hát phục vụ bà con, chứ không cần tiền bạc gì” – ông Tha bộc bạch.

Mong sẽ có thế hệ kế thừa

Vài năm trở lại đây, bà Riêng và ông Tha được ngành văn hóa thành phố mời đi trình diễn văn nghệ ở nhiều nơi, truyền bá và gìn giữ nét truyền thống của dân tộc Khmer. Niềm vui được sống với nghệ thuật lại bừng dậy ở ông Tha, bà Riêng.

Tuy vậy, bà Riêng vẫn đau đáu một nỗi niềm, mong sẽ có thêm nhiều người, nhất là những người trẻ say mê và yêu thích những điệu múa dân tộc mình. Bà Riêng ngậm ngùi: “Ngày trước, khi những điệu múa dân tộc còn hấp dẫn với khán giả thì mới có nhiều người theo học hát học múa, nhưng càng về sau thì càng ít đi. Bây giờ chỉ cần có đứa nhỏ nào chịu học hát, múa Khmer, tôi sẵn sàng dạy không công, Chúng tôi cũng già rồi, phải có thế hệ kế thừa để giữ mãi nét đẹp nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

Còn ông Lý Tha thì chia sẻ: “Các điệu múa cổ truyền của nguời Khmer tương đối khó học, chỉ có điệu Lâm thôn là còn dễ, còn các điệu khác như Astara thì rất khó nên sẽ là một trở ngại cho lớp trẻ bây giờ. Hơn nữa, nếu muốn đào tạo thì cần phải có kinh phí để việc dạy học đươc bài bản, lâu dài. Điều quan trọng nhất là cần phải có những học trò có sự say mê với môn nghệ thuật này và cả sự kiên trì”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem