Hai ngôi sao toán học "truyền lửa"

Thứ ba, ngày 25/08/2015 09:24 AM (GMT+7)
Tối 24/8 tại Hà Nội, hội trường Trung tâm văn hóa Pháp ken đặc người đến giao lưu với GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani. Trong gần 2 tiếng, 2 giáo sư hàng đầu về Toán đã truyền lửa học Toán cho giới trẻ Việt Nam thông qua việc giải đáp nhiều vấn đề băn khoăn xung quanh môn học này.
Bình luận 0

img

Giáo sư Ngô bảo Châu và giáo sư Cédric Villani giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam. Ảnh: Thanh Giang.

18 giờ mới diễn ra buổi tọa đàm nhưng từ trước đó hàng trăm người ở mọi lứa tuổi đã có mặt. Hội trường không đủ chỗ, nhiều người được mời ngồi tràn cả lên sân khấu. Có người dời cả vé chuyến bay đi Pháp để được gặp GS Cédric Villani vì ông từng được ví là “Lady Gaga” của ngành Toán học.

Muốn tạo hứng thú, hãy đặt học sinh vào “thế khó”

GS Cédric Villani cho rằng, theo một bảng xếp hạng gần đây tại Mỹ, Toán được xếp là nghề số 1. Bởi hiện nay, Toán học ứng dụng trong tất cả mọi lĩnh vực khoa học của cuộc sống. Theo GS, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều coi trọng Toán học. Để đạt hiệu quả họ phải chú trọng phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp phụ trợ để tạo môi trường cho những người học giỏi Toán không chỉ giỏi lý thuyết mà có điều kiện ứng dụng. “Phải tạo ra được sự liên kết giữa khái niệm và thực hành”, GS Cédric Villani nói.

GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, chúng ta đang đứng trước sự thay đổi lớn. Tương lai nằm trong tay những người yêu Toán. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, với internet, máy tính, chúng ta có phương tiện để hiểu rõ về xã hội, tự nhiên... Theo GS Châu, với những bạn trẻ đam mê Toán mà phải bỏ dở là điều đáng tiếc. Bản thân ông và các đồng nghiệp đã và đang tìm các nguồn học bổng để tạo nhiều cơ hội học Toán ở nước ngoài để giải quyết tình trạng này.

Một sinh viên trường ĐH Sư phạm đặt câu hỏi, làm sao để truyền lửa cho học sinh môn Toán bởi đây là môn khó, nhiều học sinh không thích môn này? GS Ngô Bảo Châu cho rằng, ngoài việc giáo viên phải nhiệt huyết và có đam mê thì phải biết đặt học sinh vào thế khó. Thông thường chúng ta quan niệm, muốn học sinh dễ học cứ ra bài dễ nhưng chính cách làm khó học sinh một chút, khi giải được bài Toán đó học sinh sẽ có hứng thú, có niềm vui.

GS Cédric Villani cũng chia sẻ chuyện, khi còn là học sinh THCS, giáo viên của ông gọi ông ra cho riêng đề Toán khó yêu cầu giải, khi giải được ông đã rất tự hào, vui sướng. Ông rút là 2 lý do để thúc đẩy học Toán tốt hơn đó chính là: “chạm vào lòng tự ái khi học sinh thất bại trước một bài toán và đặt học sinh vào thế khó”, ông Cédric Villani nói.

 

img

Hai giáo sư Ngô Bảo Châu và Cédric Villani tại buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Giang.

Không ép con theo nghề của mình

Rất thành công trong lĩnh vực Toán học nhưng cả hai GS cho biết không ép con theo nghiệp của mình.  Cả hai con gái của GS Cédric Villani đều học chuyên về âm nhạc. Học nhạc, con gái ông có thể vừa giải trí vừa học, có kỹ năng làm việc nhóm và có nhiều dự định khác. GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ câu chuyện, chứng kiến việc say mê nghiên cứu Toán học của bố khiến hai con gái phát sợ, duy chỉ có con gái thứ ba ông nghĩ sẽ định hướng con theo Toán nhưng chưa chắc sẽ thành công.

Về việc trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua có nhiều thí sinh chỉ vì mục tiêu vào đại học đã nộp hồ sơ vào ngành nghề không mong muốn, GS Châu cho rằng đó là điều đáng tiếc. Theo GS Ngô Bảo Châu: “ngành giáo dục cần có sự mềm dẻo để chuyển ngành học đúng đam mê, nguyện vọng của các em”.

Học Toán với nhiều cung bậc cảm xúc

Với chủ đề “truyền lửa qua góc nhìn Toán học”, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, ông có động lực học Toán từ khi còn là học sinh lớp 6. Bắt đầu từ hình học, cứ có thời gian rảnh ông lại giải các bài tập chứng minh định lý. Khi đam mê học Toán, ông đã học với tất cả mọi cung bậc của cảm xúc. “Vỡ òa ở thiên đường khi giải quyết được vấn đề khó nhưng cũng có lúc ở tận cùng địa ngục”, GS Châu nói.

GS Ngô Bảo Châu tiết lộ, lý do ông yêu môn Toán là khi học Toán dường như ông có thế giới riêng của mình. Ông ví von: “học Toán với tôi giống như ở trong phòng tối sờ đồ vật xung quanh. Khi ánh sáng đột nhiên lóe lên chính là lúc phải công bố, và đó không còn là thế giới của riêng mình nữa”.

Còn GS Cédric Villani cho rằng, ông yêu Toán vì nó thực sự gần gũi và người học tự đưa ra được đáp án cho riêng mình. Chốt lại buổi giao lưu, GS Cédric Villani chia sẻ, muốn giỏi và thành công ở lĩnh vực nào trước hết phải yêu thích, luôn giữ lửa trong tim và dành sức lực để kiên trì phấn đấu. GS Ngô Bảo Châu thì cho rằng: “Những gì tốt đẹp không phải là điều dễ dàng đạt được mà phải kiên trì. Nếu không có sự quan tâm, dốc sức thì không bao giờ có kết quả. Đôi khi chúng ta đứng ở ngã ba đường buộc phải lựa chọn tiến bộ hay thụt lùi và trong trường hợp đó cái gì tốt đẹp ta nên đi theo”.

GS Cédric Villani sinh năm 1973 tại Brive-la-Gaillarde, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, là giáo sư Trường Đại học Lyon 1 và là Giám đốc Học viện Henry Poincaré.  GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội, làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS và Viện Nghiên cứu cao cấp Princetown, giáo sư Đại học Chicago và là Chủ tịch Hội đồng Khoa học tại Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán của Việt Nam.

V.H

Bỏ mô hình trường chuyên THCS là đáng tiếc!

Theo GS Ngô Bảo Châu, ông đã nói điều trên từ lâu rồi chứ không phải mới đây. Ông có cảm giác, quan niệm chung của xã hội đã để lại dấu ấn rằng những học sinh học chuyên là “gà chọi”, bị tách biệt với các học sinh khác. Học Toán chỉ biết làm Toán. Điều đó không đúng! “Tôi nghĩ, trong điều kiện cho phép, phải tạo điều kiện để các em có năng lực, phẩm chất tốt đẹp được phát huy mà trường chuyên là một ví dụ” – GS Châu nói.

GS Châu khẳng định, nhiều người nói ở Pháp, Mỹ không có trường chuyên là không đúng. Ngược lại, ở đó họ cũng có những mô hình tương tự trường chuyên ở Việt Nam, học sinh muốn vào học phải thi tuyển rất gay gắt, học nặng và dĩ nhiên kết quả đào tạo học sinh rất tốt.

Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem