17h30, theo thống kê nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, bão Kujira đã gây mưa lớn ở nhiều tỉnh thành phía Bắc. Ghi nhận ban đầu, bão Kujira đã làm 2 người chết là chị Lò Thị Thương (25 tuổi) ở bản Hốc, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; cụ Giàng Tao Lánh (100 tuổi) ở bản Pa Kha 1, xã Chiềng Khương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Ngoài ra mưa lớn cũng làm sập nhà anh Hà Văn Thắng ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cuốn trôi 4 người. 3 người lớn trong gia đình được cứu thoát, còn cháu Hà Văn Kiên (4 tuổi) mất tích vẫn chưa tìm thấy.
17h20, tại TP Thái Bình đang có mưa kèm theo gió giật cấp 5,6. Một số tuyến đường như Minh Khai, Hoàng Diệu, Lê Quý Đôn, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt vẫn đang bị ngập cục bộ, gây ảnh hưởng đến giao thông. Trên tuyến phố Hoàng Diệu có nhiều cây xanh bị gãy, đổ. Thống kê ban đầu, chưa có thiệt hại về người.
Tại tuyến phố Lê Quý Đôn, TP, Thái Bình đang bị ngập nặng, các phương tiện di chuyển qua gặp nhiều khó khăn. Nhiều xe máy đã bị chết máy khi lưu thông qua tuyến phố này.
Tuyến phố Lê Quý Đôn bị ngập, nhiều phương tiện chết máy: Ảnh Thiên Tân
Cây bị gãy đổ trên tuyến phố Hoàng Diệu: Ảnh Thiên Tân
16h30, tại Hải Phòng: ở huyện Bạch Long Vỹ có mưa to, gió Nam tây Nam cấp 8, giật cấp 9, 10 khiến nhiều hoa màu dập nát, nhiều cột điện, cây cối gãy đổ, nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; tại Đồ Sơn, Cát Hải gió cấp 7, cấp 8, có mưa vừa.
Bão làm tốc mái nhà tại Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). (Ảnh V. Khánh từ Bạch Long Vỹ)
Nhiều cây trên các tuyến phố tại Hải Phòng bị đổ do gió, mưa lớn
Theo báo cáo sơ bộ của các ngành, bão làm 1 người bị thương, được đưa vào bệnh viện Bạch Long Vỹ, sức khỏe đã hồi phục.
Bão cũng làm 3 phương tiện trong âu cảng Bạch Long Vỹ bị đứt neo, dây chằng buộc, trôi dạt và mắc cạn sát bờ âu cảng.
Hà Nội có khả năng xảy ra ngập lụt
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, chiều ngày 24.6 ở khu vực Hà Nội có lúc có mưa rào. Từ tối ngày 24.6 đến sáng mai (24.6), Hà Nội có mưa to đến rất to với lượng khoảng 80-130mm. Dự báo, trận mưa này có khả năng gây ngập úng cho các quận nội thành Hà Nội từ 0,2m đến 0,4 m.
Các tuyến phố có khả năng xảy ngập úng từ 0,3-0,4m tại các tuyến phố: Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, Lê Trọng Tấn, Giải Phóng, Giáp Bát, Thái Hà, Thái Thịnh, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng- Văn Miếu, Nguyễn Du-Quang Trung, Ngã 5 Bà Triệu, Liên Trì-Nguyễn Gia Thiều, Thợ Nhuộm, Lĩnh Nam, Quan Hoa, …
Các tuyến phố có khả năng ngập úng từ 0,2 – 0,3m: Giải Phóng – Pháp Vân, ngã ba Trương Định – Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khuyến, Định Công, Huỳnh Thúc Kháng, …
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1 (Kujira), chiều 24.6, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tiếp tục có Công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp ứng phó diễn biến mưa lũ của bão số 1.
15h45, ông Vũ Văn Diện - Bí Thư huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, cơn bão số 1 chỉ gây mưa và gió nhẹ trên địa bàn huyện Tiên Yên. Tuy nhiên, nước sông Tiên Yên đang dâng lên rất cao. Hiện, con đường đập tràn phía trước trụ sở UBND và Huyện ủy đã bị ngập.
Theo ông Vũ Văn Diện, mấy ngày qua, bão gây mưa lớn ở khu vực đầu nguồn biên giới, Tiên Yên vốn là rốn chứa nước nên lượng nước trên nguồn đổ về nhiều sẽ khiến nước sông Tiên Yên dâng cao. Trong trận bão Hải Yến 2013, Dân Việt đã nghi nhận cả thị trấn Tiên Yên bị ngập chìm trong biển nước.
Con đường đập tràn phía trước trụ sở UBND và Huyện ủy Tiên Yên đã bị ngập (ảnh: Xuân Thao).
15h30, Công điện khẩn của UBND tỉnh Quảng Ninh vừa thông báo, vào hồi 14h giờ ngày 24.6, bão số 1 đã đổ bộ vào đất liền khu vực giáp ranh giữa vùng biển Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, đi sâu vào đất liền. Theo dự báo, bão số 1 suy yếu thành vùng áp thấp và có thể gây mưa to và rất to ở một số địa phương trong những ngày tới.
Theo đó, công điện yêu cầu các địa phương, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế tại các thôn khu, khe, bản, xác định thiệt hại do bão gây ra. Huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có nhà bị đổ, tốc mái khắc phục hậu quả (nếu có); vận động nhân dân khắc phục thiệt hại do bão gây ra để sớm ổn định cuộc sống.
15h20, bất chấp sóng biển dữ dội, nhiều người vẫn thuê đò chở ra các xà lan chở hàng đang neo đậu tại khu vực ven biển Cột 5, TP. Hạ Long (ảnh).
14h55, tại khu vực đường bao biển bến Đoan (TP. Hạ Long), phóng viên chứng kiến những đợt sóng biển cuộn lên đập vào bờ tung bọt cao hàng mét (ảnh). Các con thuyền neo đậu tại đây cũng trao đảo theo hướng sóng.
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vân Đồn, vào khoảng 12h trưa nay, một đầu kéo và 4 xà lan neo đậu tại nơi tránh trú bão xã đảo Quan Lạn đã bị đứt neo trôi dạt sang xã đảo Ngọc Vừng. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Ngọc Vừng đã tổ chức ứng cứu. Đến 13h30’ cùng ngày, lực lượng biên phòng đã tiếp cận đầu kéo, cứu thành công 10 thuyền viên. Hiện sức khỏe 10 thuyền viên hiện khá ổn định và được chăm sóc tại Đồn Biên phòng Ngọc Vừng.
14h35, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả đã trực tiếp có mặt tại khu biển Vũng Đục, chỉ đạo kéo chiếc bè mảng bị đứt vào bờ. Sau 30 phút, hai vợ chồng ngư dân ở trên bè đã được an toàn.
Nhiều bè nổi ở vùng biển Cẩm Phả bị gió bão phá hỏng
Theo bản tin phát lúc 14h30 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trưa ngày 24.6, bão số 1 đã đi vào địa phận Quảng Ninh-Hải Phòng. Bão gây gió giật cấp 10-12 trên vịnh Bắc Bộ (Cô Tô có gió giật mạnh cấp 10).
Hồi 14h ngày 24.6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 70km một giờ), giật cấp 10-11.
Do ảnh hưởng của bão, tối và đêm nay (24.6), vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-11. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
14h25, lãnh đạo huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, lực lượng chức năng vừa cứu được 2 người trên xà lan bị sóng biển đánh đứt cáp. Hiện chiếc xà lan đang bị đánh dạt ra biển.
13h50, biển động dữ dội tại khu vực Vân Đồn, Cẩm Phả, TP. Hạ Long. Thị xã ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh) có mưa to và gió cấp 5-6. Hiện tại, sông Chanh, sông Bạch Đằng nước đang lên cao. Tại huyện đảo Cô Tô đang có mưa vừa, gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, biển động dữ dội.
Biển động dữ dội ở vùng vịnh Bái Tử Long
Do làm tốt công tác ứng cứu và tránh trú tàu thuyền an toàn tại khu vực âu tàu nên hiện tại Cô Tô chưa có thiệt hại do bão số 1 gây ra.
Tại trạm Bình Liêu - sông Tiên Yên nước đang lên, đo được ở mức 7851cm. Đến chiều 24.6, mực nước có thể đạt mức 7950cm (xấp xỉ lũ vừa) và có khả năng nước tiếp tục dâng.
Nước sông Tiên Yên đang dâng lên mức 7851cm
Tại Thái Bình: Ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi Cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biết, từ 9h sáng 24.6, Thái Bình bắt đầu có mưa lớn, gió mạnh. Hiện tại bão đang đi sâu vào đất liền tỉnh Thái Bình. Sức gió ở TP. Thái Bình ở cấp 6,7. Mưa lớn liên tục trút xuống. Hiện tại mưa lớn làm nhiều tuyến đường ở TP. Thái Bình bị ngập, các phương tiện lưu thông qua lại gặp khó khăn.
Ghi nhận ban đầu, chưa có thiệt hại về người, có một số cây xanh nhỏ bị gãy cành.
Mưa lớn ở đường Lý Thường Kiệt, TP, Thái Bình: Ảnh Thiên Tân
Tại Hải Phòng, ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, hiện tại ở Cát Bà đang có mưa nhỏ, gió ở ven biển cấp 6,7. Ghi nhận ban đầu, có một số biển quảng cáo, cây nhỏ bị đổ, không có thiệt hại về người.
Biển báo bị gió thổi tung ở huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng: Ảnh Trần Trung
Mưa lớn trên huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng: Ảnh Trần Trung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.