Tòa nhà Justus Lipsius ở Brussels, Bỉ, tháng 10 /2024. Ảnh Getty Images
Khối này đã áp dụng một loạt lệnh cấm vận đối với Moscow để thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev sau khi xung đột Nga-Ukraine leo thang vào năm 2022. Gói lệnh mới nhất được cho là nhằm vào đội tàu chở dầu của Nga.
Các nguồn tin ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng, thất bại ngày 6/12 được cho là do bất đồng về việc gia hạn khung thời gian để các công ty EU thoái vốn khỏi Nga.
Trong khi Reuters không nêu tên hai quốc gia phản đối, tờ Politico cho biết đó là Latvia và Lithuania. EU dự định sẽ tiếp tục thảo luận về gói này vào một ngày sau đó.
Một trong những vấn đề đối với khối này là tranh chấp về việc giao các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Trong khi EU cấm hầu hết các mặt hàng dầu nhập khẩu từ Nga vào năm 2022, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary đã được miễn trừ vì họ không thể tìm được nhà cung cấp khác.
Theo một thỏa thuận sẽ hết hạn vào thứ năm, nhà máy lọc dầu Slovnaft của Slovakia – thuộc sở hữu của MOL của Hungary – đã có thể tiếp tục bán các sản phẩm dầu mỏ của Nga cho người Séc. Theo Reuters, Prague cho biết họ không cần gia hạn thỏa thuận này quá sáu tháng, vì họ đang chuẩn bị chuyển sang đường ống nâng cấp từ Ý sang Đức. Tuy nhiên, Bratislava muốn gia hạn lâu hơn.
Các quan chức Ukraine tham gia soạn thảo lệnh trừng phạt cho biết vào tháng trước rằng họ sẽ nhắm mục tiêu vào 50 cá nhân cũng như 30 pháp nhân từ ít nhất 8 quốc gia. Serbia, Iran, Trung Quốc, Ấn Độ, UAE và Thái Lan được nhắc đến là những quốc gia giúp Nga có được "các thành phần quan trọng" cho ngành công nghiệp quân sự của mình.
Ukraine cũng cho biết lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào "các quan chức Triều Tiên có liên quan đến việc điều động quân tới Nga". Kiev đã cáo buộc Bình Nhưỡng gửi hơn 10.000 quân tới hỗ trợ Moscow, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về sự tồn tại thực sự của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.