Hải Phòng: Báo động đỏ tai nạn lao động

Thứ tư, ngày 07/09/2011 14:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ cháy xưởng giày ở Tân Dân, An Lão cuối tháng 7 vừa qua làm 13 người chết và 25 người bị thương dường như chẳng thể cảnh tỉnh được lao động và doanh nghiệp nơi đây.
Bình luận 0

Năm 2011, trên địa bàn Hải Phòng liên tiếp xảy ra những cái chết đau lòng do tai nạn lao động. Ngày 5.4, anh Lưu Văn Quyền - công nhân Công ty cổ phần Thiên Chiều bị máy giấy cuộn chết. Ngày 8.4, anh Lê Văn Ngùng bị điện giật chết khi đang làm việc tại xưởng của Công ty Đúc An Nguyên.

img
Những đứa trẻ mồ côi mẹ sau vụ cháy xưởng giày ở Tân Dân (Hải Phòng).

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, từ đầu năm đến ngày 17.6, ở Hải Phòng đã xảy ra 47 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 5 người chết, 40 người bị thương, trong đó nhiều trường hợp bị thương rất nặng, bị tàn phế, mất khả năng lao động và trở thành gánh nặng cho xã hội. Đặc biệt, có tới 94% nạn nhân đang ở độ tuổi 18-40. Ngoài con số thống kê trên thì thực tế, những con số này cao hơn gấp nhiều lần.

Sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở Tân Dân, các cơ quan chức năng liên quan ở Hải Phòng đã vào cuộc. Cán bộ xã bắt đầu kiểm điểm việc tắc trách của địa phương để một cơ sở sản xuất không một giấy phép, không đủ tiêu chuẩn sản xuất lại ngang nhiên hoạt động. Tới giờ, người ta vẫn chưa quy được trách nhiệm cho ai.

Về quản lý và kiểm soát tai nạn lao động, ngành chủ quản là Sở LĐTBXH cũng không hề có cải thiện gì. Ông Đặng Văn Tâng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Tai nạn xảy ra chủ yếu ở các ngành nghề công nghiệp, xây dựng; tỷ lệ doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư thích đáng trong việc cải thiện điều kiện làm việc cũng như máy móc cho người lao động chiếm 61%.

Thế nhưng, lực lượng thanh tra quá mỏng, hiện nay Sở chỉ có 8 thanh tra viên. Trong khi đó ở Hải Phòng có hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ. Vì vậy, thanh tra viên làm việc không xuể, chủ yếu chỉ kiểm tra được các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa thể kiểm tra.

Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các làng nghề… chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động; chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho cả người sử dụng và người lao động… dẫn đến những vi phạm đáng tiếc. Cho tới hôm nay, nếu nhắc lại những lý do này, chắc chắn chưa có điều kiện nào được cải thiện, và như vậy, tai nạn sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem