Dân “mù mờ” chính sách hỗ trợ
Ngày 21.8.2013, UBND TP. Hải Phòng ban hành Quyết định số 1597/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hốc trợ kinh phí thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” vụ Đông năm 2013. Theo đó, với 1 sào trồng ớt, tính ra bằng tiền người dân được hưởng 500.000 đồng tiền con giống và 214.000 đồng tiền phân, lân, đạm, kali.
Quyết định này nêu rõ “Họp các hộ dân để phổ biến, tuyên truyền công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước về phát triển sản xuất”. Tuy nhiên, khi thực hiện trồng gần 439 sào ớt trên địa bàn 6 thôn (5, 6, , 7, 8, 9, 10), cán bộ 6 thôn và người dân xã Việt Tiến hầu như không hay biết về kế hoạch này.
Ông Liểu bức xúc vì ớt đã thu hoạch mà chưa nhận được hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Vui – Trưởng thôn 9 và một số lãnh đạo các thôn còn lại cho biết, tại thời điểm triển khai kế hoạch không có bất hội nghị nào do xã tổ chức để phổ biến chính sách hỗ trợ ớt của nhà nước. Trưởng thôn và người dân trong thôn chỉ được Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Việt Tiến thông báo hộ đã trồng ớt vụ Đông năm 2013 chỉ được hỗ trợ phân, lân, đạm, kali; hộ chưa trồng ớt khi được thông báo này thì được hỗ trợ thêm cả về con giống.
Ông Nguyễn Văn Liểu, SN 1949, trú tại thôn 7 và rất nhiều người dân tại các thôn có diện tích trồng ớt trên địa bàn xã Việt Tiến xác nhận thông tin này. “Các anh về hỏi thì chúng tôi mới biết chúng tôi được hỗ trợ cả giống, chứ không thấy nghe thấy cán bộ nói gì cả. Mà thật không đấy?” – một người dân băn khoăn hỏi lại.
Ông Nguyễn Văn Vui cho biết thêm, phải đến cuối tháng 6.2014, khi có được báo cáo thu, chi ngày 16.1.2014 của UBND xã tại kỳ họp HĐND thường kỳ xã Việt Tiến về khoản “thu hỗ trợ phân bón, con giống trồng ớt” từ nguồn thu trợ cấp ngân sách của nhà nước là 329 triệu đồng, ông Vui mới biết những hộ có diện tích trồng ớt trước khi nhận được thông báo của Chủ nhiệm HTX cũng được hỗ trợ theo Quyết định 1597/QĐ-UBND.
Ký khống, ăn chặn, lập khống diện tích
Theo ông Vui, ngay sau khi phát hiện vụ việc, ngày 1.7.2014, ông Vui làm đơn kiến nghị, tố cáo vụ việc gửi một số cơ quan chức năng TP. Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo. Theo đó, đến nay, đại diện chính quyền xã Việt Tiến cầm tiền đưa cho ông Vui trả tất cả 23 hộ dân, trồng 35 sào ớt với tổng số tiền gần 16 triệu đồng; trả 21 hộ thôn 10 trên 7 triệu đồng; trả thôn 7 trên 13 triệu đồng.
Hộ bị mù bị xã khai khống diện tích
Ông Phạm Văn Khới – Bí thư chi bộ thôn 7 cho biết, diện tích thực trồng thôn ông là gần 110 sào, trong đó có 67 sào trồng trước nên số tiền giống phải trả dân là 33,5 triệu đồng. Sở dĩ đến thời điểm này chính quyền chỉ trả dân được 13 triệu vì ông Lê Minh Châu – Chủ tịch UBND xã Việt Tiến và một số cán bộ cùng Công ty giống cây trồng xuống xin dân chỉ trả 200.000đ/sào, thay vì 500.000đ theo quyết định. “Nhưng đến nay dân không nghe, đang kiến nghị đòi nốt 300.000 đồng còn lại” – ông Khới nói.
Cũng theo ông Khới, diện tích thực trồng trong thôn 7 là gần 110 sào, nhưng báo của UBND xã Việt Tiến là trên 180 sào. Như vậy, tại thôn ông diện tích UBND xã Việt Tiến khai khống là trên 70 sào.
Ông Vui và ông Khới cho biết thêm, không chỉ thôn 7, một số thôn khác cũng bị cán bộ UBND xã Việt Tiến lập khống. “Con số cán bộ xã Việt Tiến và các bên liên quan lập khống phải lên đến 100 sào” – ông Vui khẳng định.
Để thẩm định thông tin trên, PV báo NTNN đã đến một số hộ dân, tất cả các hộ dân đều khẳng định không biết chủ trương của TP. Hải Phòng nên chữ ký của họ trong danh sách của UBND xã Việt Tiến lập là chữ ký giả. Một số hộ đã quá già, bị mù… thừa nhận không trồng nên việc có trong danh sách là khống. Sau khi có đơn của dân mới trả tiền dân nên khẳng định đó là ăn chặn.
Trao đổi với NTNN ngày 30.7 về vụ việc, lãnh đạo UBND xã Việt Tiến thừa nhận có vụ việc, xong tất cả phải chờ Đoàn Thanh tra huyện Vĩnh Bảo vì huyện này đã có quyết định thành lập đoàn Thanh tra để làm rõ vụ việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.