Hải Phòng: Khánh thành công trình tuyến đường vào Khu bãi cọc Cao Quỳ

Trần Phượng Thứ ba, ngày 13/10/2020 18:42 PM (GMT+7)
Ngày 13/10, TP.Hải Phòng tổ chức lễ khánh thành công trình Tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự buổi lễ.
Bình luận 0

Đi cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sử học và lãnh đạo thành phố tham dự lễ khánh thành. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16. 

Hải Phòng: Khánh thành công trình tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khánh thành công trình tuyến đường vào Khu bãi cọc Cao Quỳ.

Hải Phòng: Khánh thành công trình tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh 3.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng.

Trước đó, vào cuối năm 2019, ngay sau khi phát lộ bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng đã phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kinh phí xây dựng tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ. Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đã tích cực phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố khởi công công trình tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc nêu trên.

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 3ha, với hạng mục cổng chính rộng 22m kết cấu bằng bốn trụ bê tông cốt thép tượng trưng cho cọc Bạch Đằng. Hệ thống tường bao, khung thép, sơn màu xanh hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ. Nhà mái che khu bảo tồn tại chỗ rộng 2.040m2, kết cấu thép, khung giàn không gian, mái lợp bạt PVDF.

Hải Phòng: Khánh thành công trình tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh 6.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham gia trồng cây lưu niệm tại Lễ khánh thành. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng.

Trong phạm vi mặt bằng khu bảo tồn tại chỗ có diện tích 225m2, 18 cọc gỗ được mở, xây kè bằng sỏi cuội, chống thấm, ngâm nước bảo vệ cọc gỗ. Các cọc còn lại được bảo tồn theo cách lấp đất và phỏng dựng cọc gỗ thay thế lộ thiên phục vụ khách tham quan.

Ngoài ra, còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ, cây xanh, vườn lim, vườn na, hệ thống chiếu sáng cùng các tiện ích khác như: nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…

Tuyến đường vào Khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài hơn 3km với tổng mức đầu tư 362,5 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, huyện Thủy Nguyên và sự ủng hộ của nhân dân địa phương trong công tác bàn giao mặt bằng, công trình đã được hoàn thiện chỉ trong 5 tháng thi công.

Hải Phòng: Khánh thành công trình tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh 7.

Lễ cắt băng khánh thành tuyến đường vào Khu bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng.

Hải Phòng: Khánh thành công trình tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh 8.

Khu di tích đón nhận bằng công nhận công trình di tích lịch sử cấp thành phố. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, bãi cọc Cao Quỳ là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất trong thời gian gần đây, góp phần làm sáng tỏ và chứng minh nhiều vấn đề về trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Công trình tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên khánh thành và đưa vào sử dụng nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống của dân tộc trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Hải Phòng: Khánh thành công trình tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh 9.

Đoàn đại biểu tham dự Lễ Khánh thành thăm quan bãi cọc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng.

Tại lễ khánh thành, ông Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị liên quan đã kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Ông cũng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, các nhà sử học, các nhà khảo cổ học... đã làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao góp phần quan trọng vào việc hoàn thành dự án. Đặc biệt, sự tham dự, động viên trực tiếp của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khiến dự án càng có nhiều ý nghĩa hơn.

Khu vực bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ cùng với Khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ mãi trở thành khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống, trường tồn cùng dân tộc và trở thành địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết, dân tộc, hun đúc ý chí tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn thịnh cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem