Hải Phòng: Khu di tích Bạch Đằng Giang đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia

Vũ Thị Hải Chủ nhật, ngày 03/01/2021 06:59 AM (GMT+7)
Tối 2/1/2021, TP.Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang và Chương trình nghệ thuật chào mừng “Hào khí Bạch Đằng Giang”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự.
Bình luận 0

Khu di tích Bạch Đằng Giang được bắt đầu xây dựng từ năm 2008 với những đóng góp ban đầu của tập thể cán bộ, công nhân viên nhà máy Xi măng Hải Phòng. Hơn 10 năm qua, nơi đây không ngừng được xây dựng mở mang, hoàn thiện, trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, hàng năm đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước về thăm quan.

Khu di tích Bạch Đằng Giang: Không gian văn hóa- lịch sử oanh liệt, hào hùng - Ảnh 1.

Quảng trường Chiến thắng - một phần của Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang.

Nằm trên vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), cách trung tâm TP.Hải Phòng 18km về phía Đông Bắc, Khu di tích Bạch Đằng Giang là nơi tái hiện lịch sử, giúp hậu thế tưởng nhớ tới các vị anh hùng dân tộc đã lập nên chiến công vang dội trong 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta, gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Cũng chính từ ý nghĩa đó, cảnh quan, không gian của khu di tích được sắp xếp thành một quần thể uy nghi, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc, vừa hùng vĩ, vừa linh thiêng.

Khu di tích Bạch Đằng Giang: Không gian văn hóa- lịch sử oanh liệt, hào hùng - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng lên nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Ngay khi vừa bước chân tới khu di tích, khách tham quan được đón tiếp trang trọng tại khu Nhà bảo tàng. Nơi đây hiện đang trưng bày một số hiện vật là những cây cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng - nhân chứng lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần...

Trong khu di tích, theo thứ tự chiều dài lịch sử của dân tộc, du khách sẽ tới thăm quan đền Bạch Đằng Giang - nơi thờ Đức Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, giành độc lập, lập nên nước Đại Việt.

Tiếp đó là thăm đền Tràng Kênh Vọng Đế, thờ Đức Vua Lê Đại Hành. Năm 981, Đức Vua Lê Đại Hành đã tái tạo lại địa cọc của Đức Vương Ngô Quyền, có công đánh Tống bình Chiêm, đưa Đại Cồ Việt ngang hàng với Đại Hán.

Đi qua rặng cây cổ thụ, Linh từ Tràng Kênh hiện ra uy nghi, trang trọng. Nơi đây thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - ngài có công 3 lần đánh bại Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đập tan đại quân xâm lược Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ.

Trên đỉnh núi là Trúc Lâm tự Tràng Kênh. Đây là ngôi Chùa được mô phỏng theo mô hình Chùa Đồng - Yên tử. Chùa thờ Phật Tổ Như lai, các vị Đạt ma và Bồ Tát, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người đứng đầu quân dân Đại Việt trong 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau này ngài cùng Pháp Loa và Huyền Quang sang lập phái Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Dưới chân chùa là tượng Bạch Ngọc 18 vị La Hán, cây đa cổ thụ trên trăm tuổi được mang từ nhà máy xi măng Hải Phòng cũ về trồng.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trang trọng tại trung tâm khu di tích để nhân dân và du khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.

Du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi bước chân tới Quảng trường Chiến thắng. Đây là công trình được hoàn thành vào tháng Chạp năm Bính Thân 2016, đón xuân mới Đinh Dậu 2017. Quảng trường được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2000m2, lát đá granit vươn ra sông. Đây là nơi trang trọng đặt tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo. Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn, đứng trên bệ đá, thần thái sống động, oai hùng. Dưới dòng sông là bãi cọc gồm 180 chiếc cọc lim bịt sắt được dựng lại, tượng trưng cho thế trận thủy chiến năm xưa.

Khu di tích Bạch Đằng Giang: Không gian văn hóa- lịch sử oanh liệt, hào hùng - Ảnh 3.

Ba pho tượng của ba vị Anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo.

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh, trong cả 3 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nói trên, cùng với cả nước, nhân dân Hải Phòng luôn có những đóng góp to lớn. Những người nông dân, ngư dân miền cửa biển đã trở thành những chiến binh, dân binh đứng dưới ngọn cờ của các vị anh hùng dân tộc. Nhiều người trở thành những vị tướng tài giỏi lập nhiều công trạng, được nhân dân lập đền thờ tôn vinh là những vị thần, thành hoàng trên nhiều làng quê, khu phố của Hải Phòng. Chỉ cùng một dòng sông, trong hai thế kỷ khác nhau, diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược chống ngoại xâm, chiến thắng đều thuộc về dân tộc chính nghĩa.

Các chiến thắng trên sông Bạch Đằng đều là những dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, đều mở ra một thời kỳ hòa bình lâu dài và một thời kỳ phát triển thịnh vượng của đất nước. Tất cả những điều đó khiến dòng sông Bạch Đằng ngàn năm qua trong tâm thức của mọi người dân Hải Phòng đều là dòng sông huyền thoại, linh thiêng, là mạch nguồn sức mạnh kỳ diệu của dân tộc.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định niềm tự hào về những chiến thắng vĩ đại của dân tộc đã góp phần hun đúc bản sắc của người dân Hải Phòng. Đó là tinh thần trung kiên, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Phẩm chất đó đã được phát huy liên tục trong suốt dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm cho tới ngày nay và trở thành nguồn lực sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Ông cũng cho rằng khu di tích Bạch Đằng Giang được Nhà nước xếp hạng Khu di tích lịch sử quốc gia là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ và Chính quyền nhân dân TP.Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của Khu di tích. Qua đó, ông chỉ đạo các cấp, ngành của thành phố cần tiếp tục duy trì khu Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang là công trình phục vụ nhân dân, tuyệt đối không thu vé thăm quan, không tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ, không thu tiền trông giữ xe của nhân dân và du khách.

"Ban quản lý Khu di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho khu di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi như lời danh sĩ nổi tiếng thời nhà Trần Phạm Sư Mạnh đã khẳng định: "Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu". Chúng ta tin tưởng rằng Khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ thực sự trở thành địa chỉ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau", Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh.

Khu di tích Bạch Đằng Giang: Không gian văn hóa- lịch sử oanh liệt, hào hùng - Ảnh 4.

Màn biểu diễn nghệ thuật trong chương trình "Hào khí Bạch Đằng Giang”. 

Sau phần Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang là Chương trình nghệ thuật "Hào khí Bạch Đằng Giang". Đó là những màn biểu diễn quy mô hoành tráng với sự tham dự của hàng trăm nghệ sỹ Trung ương và thành phố tái hiện lịch sử, mô tả 3 chiến công hiển hách của nhân dân ta trước kẻ thù xâm lược. 

Hàng nghìn người dân thành phố cảng đã tới khu di tích Bạch Đằng Giang để được chứng kiến giây phút thiêng liêng đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, xem chương trình biểu diễn nghệ thuật "Hào khí Bạch Đằng Giang" và chứng kiến màn bắn pháo hoa chào mừng rực rỡ trên bầu trời thành phố. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem