90% cau trồng bị bệnh bung lá
Đến Cao Nhân thời điểm này, chỉ thấy những vườn cau vàng úa và nghe tiếng thở dài ngao ngán của người trồng cau. Bà Nguyễn Thị Mát, thôn Lý Nhân nhìn ra vườn cau cao vút và vỏng quẹo chỉ thấy thân là thân buồn bã: “Nhà tôi có 6 sào ruộng và vườn đều trồng cau. Năm ngoái bán mỗi sào cau cho lái buôn đến bẻ cũng được 12 triệu đồng nhưng năm nay chưa bán được sào nào vì cau bung, thương lái không dám đặt mua nữa. Hầu như nhà ai cũng bị mất mùa cau”.
|
Dịch cau bung lá khiến nhiều người trồng cau ở Cao Nhân hoang mang, lo lắng . |
Nhìn vườn cau gần 1 mẫu của mình úa vàng ủ rũ mà lòng ông Hoàng Phú Loan, thôn 7, xã Cao Nhân không khỏi chạnh lòng. Ông bảo cau Cao Nhân bao giờ cũng được giá hơn những vùng khác bởi giống cau muộn. Khi nơi khác thu hoạch hết cau thì Cao Nhân mới vào mùa cau rộ. Đó là vào tháng 6, cau cực đắt, một buồng cau giá bán hàng trăm nghìn thậm chí giá lên tới cả chỉ vàng là bình thường. Nhà nào cũng ra sức trồng cau để thoát nghèo.
Nhưng bắt đầu từ năm 2000 cau bị vàng lá, buồng khô thối dần, năng suất giảm xuống hẳn. Mới đầu, nhiều nhà phá bỏ cả vườn cau để trồng mới hoàn toàn nhưng cũng không ăn thua gì, cây con cũng như cây già đều mắc bệnh bung lá.
Bệnh cau bung theo như cách gọi của người dân địa phương có biểu hiện vàng lá, lõi cau thối rồi khô dần và chết. Trước đây, tình trạng cau bung chỉ xuất hiện lác đác ở một số vườn nhưng thời gian gần đây thì phát triển thành dịch bệnh lan rộng và đến vụ này, hầu như vườn nhà nào cũng bị bệnh, cứ 100 cây thì có đến gần 90 cây bị bệnh bung lá. Cau bị bệnh làm cho lượng quả giảm hẳn đi từ 30 - 90% so với bình thường. Người dân làng cau chúng tôi đang lúng túng chưa biết xử lý thế nào.
Lo mai một làng trồng cau...
Ông Hoàng Văn An - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Nhân cho biết: Cao Nhân có hơn 1.200 hộ, hộ nào cũng trồng cau, nhà ít thì vài chục cây nhà nhiều thì cũng đến hàng trăm cây. Hiện nay toàn xã có khoảng hơn 200ha cau. Hiệu quả do cau mang lại cho người dân địa phương không nhỏ. Bình quân hàng năm cau đạt năng suất đạt 50 tấn/ha/năm và cho thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/năm.
“Được mùa lúa úa mùa cau”, nhưng ở Cao Nhân từ lâu lắm rồi có ai cấy lúa nữa đâu, cả làng đều tâng đất trồng cau hàng đời nay, một sào cau bằng mấy chục lần trồng lúa, giờ cau úa, dân cũng “úa” theo”.
Cái lợi nữa là nghề sấy cau khô xuất khẩu sang Trung Quốc ở làng rất phát triển, nhờ thế ở xã có không ít ông chủ tỷ phú về cau. Nhưng khoảng vài năm trở lại đây cau sinh bệnh bung lá chết dần đã làm cho người trồng cau Cao Nhân lúng túng, có phần bị hẫng hụt vì đời sống hàng ngày của họ có phần bị đảo lộn.
Tình trạng cau bung lá chết đã báo cáo lên phòng nông nghiệp huyện nhờ tìm ra nguyên nhân, cách trị bệnh cau bung, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy gì. Cứ tình hình này có lẽ trong nay mai, người ta chỉ còn biết đến cau Cao Nhân trong hoài niệm…?
Bùi Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.