Hải Phòng: Ô nhiễm bao vây vùng nuôi thủy sản

Thứ tư, ngày 05/10/2011 16:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay ở Hải Phòng, đầm nuôi trồng thủy sản đang bị các dự án công nghiệp, đô thị xen lấn vào khiến nhiều doanh nghiệp cũng như các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”.
Bình luận 0

Bỏ đầm vì ô nhiễm

Hai xí nghiệp nuôi trồng thủy sản ở Đồ Sơn và Kiến Thụy từ năm 2008 đã phải bỏ trống không ít diện tích nuôi thủy sản vì ô nhiễm nguồn nước. Công nhân bỏ đầm nuôi, nợ sản phẩm nên doanh nghiệp thường xuyên phải vay tiền ngân hàng để duy trì sản xuất và luôn trong cảnh nợ lương công nhân.

img
Người nuôi thủy sản cười dở, khóc dở vì đầm nuôi của mình bị ô nhiễm nặng nề.

Ông Hoàng Đình Mỹ - Phó Giám đốc Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn cho biết: “Trước đây, cả khu vực đê biển 1 chạy dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng có diện tích nuôi thủy sản nước lợ gần 700ha, đến nay, diện tích còn lại khoảng 300ha.

Cả hai xí nghiệp nuôi thủy sản Kiến Thụy và Đồ Sơn cũng chỉ còn hơn 60% số hộ nuôi cầm chừng vì hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản xen giữa các dự án, bị phá vỡ hạ tầng, ba bề bốn bên đều ô nhiễm. Mới năm 2009, công nhân của xí nghiệp đã phát hiện ra một nhà máy của Khu công nghiệp Đồ Sơn xả thẳng trực tiếp nước thải bẩn ra khu đầm làm cá chết hàng loạt, đã làm kiểm điểm nhưng đâu vẫn hoàn đó”.

Cũng trong tình trạng này, vùng nuôi thủy sản nước lợ thuộc khu vực Tràng Cát , Đình Vũ, quận Hải An cũng chịu thất bát liên tục vì đầm kẹt giữa các dự án công nghiệp nên nguồn nước nuôi thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng vùng nuôi bị phá vỡ.

Đặc biệt, nhiều khu vực ao đầm tự nhiên trước đây là ao nuôi thủy sản nay trở thành hồ điều hòa trong khu dân cư, khu công nghiệp. Nhiều hộ nuôi thủy sản ở Đình Vũ, Tràng Cát buộc phải bỏ không đầm dù đất thủy sản chưa được các dự án thu hồi.

Các vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt thuộc các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thủy Nguyên cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt trong khoảng hai năm trở lại đây.

Còn tại huyện Cát Hải, nơi có 588 lồng bè nuôi cá biển với hơn 11 nghìn ô lồng, trong mấy năm gần đây, cá lồng bè cũng thường mắc các bệnh lở loét, đường ruột và bệnh sưng.

“Đi cũng dở, ở không xong”

Ở Hải Phòng hiện nay, 5 dự án nuôi thủy sản công nghiệp được đầu tư lớn đều đang dở dang, kém hiệu quả, các vùng nuôi thủy sản lớn đều bị phá vỡ quy hoạch. Ông Phạm Văn Nghe, công nhân Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn chia sẻ: “Do chất thải của Khu công nghiệp Đồ Sơn, sân golf Đồ Sơn nên cá chết dần chết mòn sau mỗi vụ nuôi”.

Ông Nghe chỉ cho chúng tôi thấy nguồn nước vào khu công nghiệp là con mương hòa chung với nguồn nước thải không qua xử lý của 7 doanh nghiệp đang chảy tự do vào khu vực kênh mương thủy lợi phục vụ thuỷ sản của hai xí nghiệp nuôi trồng thuỷ sản Kiến Thụy, Đồ Sơn và các phường Tân Thành, Hải Thành (quận Dương Kinh), Ngọc Hải (quận Đồ Sơn). Quận Đồ Sơn đã lập biên bản, đã xử phạt những doanh nghiệp bị phát hiện, thế nhưng tình trạng này chẳng khá khẩm là bao.

Tôi nhận khoán 3ha đầm ngay từ ngày đầu thành lập xí nghiệp năm 2005. Mấy năm đầu quả thực nuôi tôm cá rất được ăn nhưng từ khi công nghiệp mọc lên lấn át khu đầm, xả thải nước bẩn thì các vụ thất bát liên tục.

Chủ tịch UBND xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, ông Nguyễn Văn Chiện cho biết, xã có hơn 300ha đầm nước ngọt với hơn trăm hộ nuôi. Từ năm 2009 đến nay, cá chết hàng loạt tại các đầm làm người dân hoang mang.

Nguyên nhân do nguồn nước nuôi thủy sản tại các khu vực này bị ô nhiễm hữu cơ và gây ảnh hưởng sức khỏe của cá. Nhiều hộ cho cá ăn trực tiếp phân lợn, phân gà nên cá bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Thêm vào đó là nước thải của các nhà máy khu sông Cấm đổ ra. Người dân không được hỗ trợ thiệt hại nên họ không có vốn đầu tư và cũng không dám mạo hiểm, có mở rộng sản xuất cũng chỉ cỏn con và vẫn theo mô hình cũ nên nguồn nước vẫn ô nhiễm.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem