Trà Vinh: Vận động, tuyên truyền tốt trong đầu tư các công trình hạ tầng vùng dân tộc thiểu số tại huyện Cầu Ngang
Trà Vinh: Vận động, tuyên truyền tốt trong đầu tư các công trình hạ tầng vùng dân tộc thiểu số tại huyện Cầu Ngang
Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 21/10/2024 10:19 AM (GMT+7)
Nhờ công tác vận động, tuyên truyền tốt và từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) triển khai đầu tư nhiều công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Huyện Cầu Ngang có 8 xã vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại đây, có 22.251 hộ dân, với 87.637 nhân khẩu, trong đó có 13.546 hộ dân tộc Khmer, chiếm 60,9% dân số vùng dân tộc Khmer của huyện.
Theo đó, giai đoạn I (2021-2025) của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được triển khai, thực hiện trên địa bàn các xã Mỹ Hòa, Kim Hòa, Hiệp Hòa, Trường Thọ, Nhị Trường, Thuận Hòa, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn.
Theo ông Thạch Đa Ra, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cầu Ngang, năm 2024 huyện có kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng mới43 công trình đường, cầu giao thông đến trung tâm xã với tổng chiều dài 21,9km, với tổng kinh phí thực hiện hơn 50,2 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 34,6 tỷ đồng, vốn đối ứng của dân và huy động khác trên 15,5 tỷ đồng).
Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây mới 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng tại ấp Ô Răng và ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn với tổng kinh phí thực hiện 900 triệu đồng (vốn Trung ương); duy tu bảo dưỡng 61 công trình trên 43 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 39,9 tỷ đồng, vốn đối ứng của dân và huy động khác trên 3 tỷ đồng).
Đến cuối tháng 9/2024, đã thi công hoàn thành, nghiêm thu đưa vào sử dụng 62 công trình (trong đó, có 36 công trình giao thông, 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình chợ, 24 công trình duy tu), giải ngân trên 31 tỷ đồng, đạt 32,97% so với kế hoạch vốn. Dự kiến, đến 31/12/2024 có 100% công trình hoàn thành, giải ngân trên 95% kế hoạch vốn phân bổ.
Phòng Dân tộc huyện Cầu Ngang cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, nhờ công tác vận động, tuyên truyền tốt, người dân rất phấn khởi và đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp ý kiến từ khâu lập kế hoạch, hiến đất và đóng góp cây trái hoa màu để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để công trình triển khai thi công đúng kế hoạch đề ra.
Bên cạnh triển khai các công trình trên, nhờ huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ở vùng đồng bào DTTS trại huyện Cầu Ngang.
Hệ thống lưới điện vùng DTTS tiếp tục phát triển, có 99,8% hộ dân tộc thiểu số sử dụng điện thường xuyên, có 99,58% hộ dân tộc sử dụng nước hợp vệ sinh, có 7/8 xã vùng có đông đồng bào DTTS có chợ phục vụ tốt việc mua bán, trao đổi hàng hóa.
Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học trong độ tuổi bậc tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở đạt 98,91%. Số lượng học sinh DTTS bỏ học giữa chừng bậc tiểu học chiếm 0,04%, trung học cơ sở 1,48%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là DTTS được quan tâm, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế trong vùng đồng bào DTTS đạt 71,85%; thu nhập bình quân ước đạt 64 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2023 còn 464 hộ.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong các lễ hội của đồng bào DTTS được tổ chức theo phong tục truyền thống, trên tinh thần tiết kiệm và đậm đà bản sắc dân tộc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định, các tệ nạn xã hội được kéo giảm, trong năm không xảy điểm nóng về trật tự xã hội.
Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đánh giá, từ việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào DTTS của huyện Cầu Ngang được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, điều kiện sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại của người dân được tốt hơn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.