Hai trạm trộn bê tông trái phép trong nhà máy nghìn tỷ của Vinashin

Hải Long Thứ sáu, ngày 28/09/2018 14:00 PM (GMT+7)
Trạm trộn bê tông của công ty TNHH Minh Tâm HD không phép nhưng lại ngang nhiên thách thức chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Theo phản ánh của nhiều người dân và doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp Cái Lân, TP.Hạ Long (Quảng Ninh), thời gian gần đây trong khuôn viên của nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân bỗng dưng xuất hiện hai trạm trộn bê tông. Những trạm trộn này ngày đêm hoạt động gây ô nhiễm khói bụi cả một vùng. Ông Trần Văn T, bảo vệ một nhà máy băm dăm gỗ gần đó cho biết, không kể ngày đêm các trạm trộn bê tông ở đây hoạt động ầm ĩ. Ngày trời nắng thì khói, bụi mù mịt, trời mưa thì đường lầy lội. Con đường bê tông dẫn từ Quốc lộ 18A vào nhà máy cũng bị cày nát bởi hàng trăm xe bồn chở bê tông ngày đêm ra vào lấy bê tông cho các công trình.

img

Trạm trộn bê tông công suất hàng trăm khối/ngày nhưng không có giấy phép.

“Những xe bồn chở bê tông của họ đều là xe quá tải vì như thế mới có lãi nhiều. Chúng tôi cũng không rõ các trạm trộn này có phải của nhà máy cán thép nóng tấm Cái Lân hay không nhưng thấy họ xây dựng trong khuôn viên nhà máy. Bảo vệ nhà máy thì nói là cho doanh nghiệp ngoài thuê đất để làm trạm trộn”, ông T nói.

Theo hướng dẫn của ông T, chúng tôi tìm đến văn phòng nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân. Trong khuôn viên của nhà máy đúng là có xuất hiện hai trạm trộn bê tông với nhiều xe bồn bê tông đã chờ sẵn, xung quanh trạm là những đống đá, cát chất cao như núi. Bức tường khuôn viên cũng được mở nhiều cổng lớn để các xe chở vật liệu xây dựng ra vào.

Giải thích việc này ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân cho biết, nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân, Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) xây dựng từ năm 2003 có vốn đầu tư gần 3.300 tỉ đồng (thời điểm năm 2009).

Tuy nhiên, sau đại án xảy ra tại Vinashin, số phận nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân buộc phải dừng đốt lò, trong khi đã đầu tư đồng bộ trên 90% công năng sản xuất.Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy được Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, Công ty cán nóng thép tấm Cái Lân là đơn vị nằm trong nhóm: giải thể, phá sản, bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa…Thời điểm này, Công ty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân có 50 lao động. Trong số đó, có 41 người làm công tác bảo vệ 3 nhà máy của SBIC đã ngừng hoạt động nhiều năm. Để duy trì lực lượng bảo vệ 3 nhà máy, Công ty phải bỏ ra khoảng 300 triệu đồng/tháng để trả lương và điện thắp sáng. Nguồn kinh phí này được thu từ việc cho thuê mặt bằng, diện tích trống của nhà máy cho một số doanh nghiệp làm bãi đỗ xe và kho chứa hàng...

img

Bản hợp đồng mà giám đốc nhà máy cán thép ký với công ty Minh Tâm HD.

“Hai trạm trộn bên tông trong khuôn viên nhà máy là của Công ty Minh Tâm HD. Khu đất chúng tôi cho thuê rộng 6.000 mét vuông với giá thuê 180 triệu đồng/năm. Bên Minh Tâm HD cũng cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn với cơ quan chức năng về việc hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường. Trạm trộn chỉ được hoạt động khi bên Minh Tâm HD đã cung cấp cho nhà máy các văn bản của cơ quan quản lý chấp thuận cho hoạt động và phải có đường thu gom nước thải trong khuôn viên xây dựng trạm trộn”, ông Văn cho biết.

img

Trong hợp đồng cũng nêu rõ các điều khoản bắt buộc trước khi hoạt động nhưng phía công ty Minh Tâm HD không thực hiện

Ông Hoàng Việt Văn cũng thừa nhận, hợp đồng này là do cá nhân ông tự ký với phía Minh Tâm HD chứ chưa báo cáo với đơn vị chủ quản là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy. Trạm trộn đi vào hoạt động đã được 2 năm nhưng lãnh đạo công ty Minh Tâm HD vẫn chưa cung cấp bất kỳ giấy tờ gì về hai trạm trộn này cho nhà máy. Để làm rõ nội dung ông Văn nói, chúng tôi đã liên hệ với ông Đoàn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Minh Tâm HD. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hùng cũng thừa nhận, hiện này ngoài bản hợp đồng ký với giám đốc nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân doanh nghiệp chưa có bất kỳ giấy tờ nào cả.

“Các đoàn kiểm tra cũng đến đây thường xuyên nhưng mà cũng chỉ phạt rồi cho hoạt động tiếp. Cả khu vực này các trạm trộn bê tông nào mà chẳng sai quy hoạch. Làm gì có trạm nào có bất kỳ giấy tờ gì đâu. Nếu đình chỉ thì chúng tôi lại đi chỗ khác. Giờ ở Hạ Long nhiều công trình xây dựng như vậy không có trạm trộn bê tông thì làm thế nào nên đương nhiên họ phải cho chúng tôi hoạt động”, ông Hùng nói.

img

Đá, cát đổ tràn lan, nước thải lênh láng trên mặt sân khôn viên nhà máy cán thép.

Ông Hùng cũng cho biết, ngoài 6.000 mét vuông đất mà Minh Tâm HD thuê của nhà máy cán thép thì trạm trộn còn "mượn" của nhà máy thêm một khoảng đất để đổ tạm đá, cát. Hiện công ty đã dọn sạch chỗ đá, cát này.

Trước đó, trong vai khách hàng có nhu cầu mua bê tông, phóng viên Dân Việt được một nhân viên kinh doanh của trạm trộn tiết lộ, các xe bồn chở bê tông đều là xe chở quá tải nhưng lãnh đạo Công ty đã làm luật nên có thể cung cấp ở khắp nơi trên địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả mà không bị kiểm tra, xử phạt. “Giờ mà chạy đúng tải thì làm sao mà có lãi hả anh?”, nhân viên kinh doanh này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem