Hai vợ chồng khuyết tật và quyết tâm dành chữ cho con

Thứ tư, ngày 04/09/2013 06:32 AM (GMT+7)
Hai cô con gái, đứa theo cha đi bán vé số, đứa cắm cúi phụ mẹ kết cườm. Cái nghèo, bệnh tật bủa vậy họ từng ngày nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng bất hạnh ấy nghĩ đến chuyện cho con thôi học.
Bình luận 0
Ở xóm nhỏ gần chợ Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) có hai vợ chồng nghèo, chị vợ bị mất một chân từ thời con gái do đạp phải mìn, anh chồng cũng liệt một chân vì sốt bại liệt. Hai cô con gái, đứa theo cha đi bán vé số, đứa cắm cúi phụ mẹ kết cườm. Cái nghèo, bệnh tật bủa vậy họ từng ngày nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng bất hạnh ấy nghĩ đến chuyện cho con thôi học.
Chị Cho (bìa trái) nhận HCB tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2012
Chị Cho (bìa trái) nhận HCB tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2012
Hai vợ chồng, hai cái chân

Đến chợ Đông Thạnh, hỏi “xóm tự quản” đường ĐT 4/1, có người biết, có người lắc đầu. Thế nhưng, hỏi nhà anh Thành, chị Cho (anh Trần Trí Thành, chị Nguyễn Thị Cho- PV) bị khuyến tật hai chân, có hai cô con gái xinh xắn, học giỏi thì ai cũng sốt sắng chỉ đường. Từ chợ, tôi phải chạy vòng vèo qua nhiều khúc quanh nữa mới đến được nhà họ. Căn nhà nhỏ xíu nằm lọt thỏm giữa “xóm tự quản”, nép mình dưới mấy rặng tre nhìn ra nghĩa địa mênh mông. Trong mảnh sân nhỏ xíu và bừa bộn, chị bày khung vải kết hạt cườm.

Anh Thành nằm bẹp gí trên giường vì đau khớp gối. Chị Cho nói thay chồng: “Trời mưa miết, ảnh bị té, lại thêm bệnh gai cột sống nữa nên vậy đó. Cả tháng nay ảnh không đi bán vé số được. Thiệt khổ, còn có một cái chân tương đối khỏe thì nay té, mai bị đụng xe”. Nói rồi, chị Cho đưa mắt nhìn xuống chân trái cụt quá gối của mình, rưng rưng.

Chị Cho là con gái Quảng Ngãi. Nhà chị có tám anh em, ai cũng đi làm mướn. Hết lớp 5, chị bỏ lớp, bỏ tập vở vì “nghèo rớt mồng tơi”, cái ăn kiếm mỗi ngày còn khó nói chi đến chữ. Cuộc mưu sinh đẩy đưa gia đình chị dạt vào Phan Thiết, Bình Thuận. Trong một lần lên rừng kiếm củi, chẳng may chị đạp phải mìn. Sau một tiếng nổ vang trời, chị ngất lịm. Chị mất hẳn một chân. Năm ấy, chị chưa tròn 16 tuổi.

Anh Thành lớn lên tại Sài Gòn. Một tuổi, anh bị sốt bại liệt, một chân hư hoàn toàn, chân còn lại thì tong teo. Cha mẹ đành đoạn bỏ rơi đứa con bất hạnh. Thương cháu, bà nội đưa anh về nhà nuôi. Sống với bà suốt thời thơ ấu, ký ức của anh là những ngày mòn mỏi tập bò, rồi tập đi, khóc và cười theo cái dáng nghiêng nghiêng, khập khiễng của mình.
Vợ chồng chị Cho và cô con gái Bích Liên
Vợ chồng chị Cho và cô con gái Bích Liên
Cả chục năm lầm lũi trong nhà, không nói cũng chẳng cười, chị Cho cứ đinh ninh “đời mình vậy là hết trơn rồi”. Chị nhớ lại: “Chắc ông Trời còn thương mình. Lần nọ, tôi tình cờ gặp một người bạn rất đặc biệt, bạn không có cả hai tay và một chân. Vậy mà bạn cười suốt, rất lạc quan, yêu đời. Nhìn lại mình, bất giác tôi thấy bản thân quá may mắn. Từ sau lần gặp đó, tôi quyết định đi học nghề”. 28 tuổi, chị khăn gói vào Sài Gòn học may. Lúc đó, chỉ nghĩ đơn giản là kiếm cái nghề rồi về quê làm. Thế nhưng, trong những tháng ngày rong ruổi ấy, chị gặp anh Thành. “Âu đó cũng là duyên phận”- chị Cho đúc kết. Năm 1997, anh Thành, chị Cho nên duyên chồng, vợ.

Bệnh tật chất chồng

Sau ngày cưới, hai vợ chồng chị Cho dắt díu nhau trôi dạt khắp nơi. Anh làm đủ nghề, chị cũng bươn bả chẳng kém. Hai cô con gái Bích Phượng (chuẩn bị lên lớp 11 Trường PTTH Đồng Tiến), Bích Liên (lớp 8, Trường THCS Đông Thạnh) lần lượt chào đời, bụ bẫm và đáng yêu. Quyết tâm bám trụ Sài Gòn với hy vọng sau này các con có điều kiện học hành, làm việc tốt hơn nên họ tiết kiệm từng xu lẻ. Chị Cho bộc bạch: “Hai vợ chồng toàn ăn cơm với muối. Thời đó, mì gói cũng rẻ lắm.

Để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, có khi anh Thành ăn mì gói ròng rã cả tháng trời. Tôi xót chồng, kêu thôi, tiết kiệm cũng vừa vừa nhưng anh nhất quyết, phải vậy mới mong mua được miếng đất ở Sài Gòn”. Năm 2002, đất Sài Gòn còn dễ mua, vét hết tiền dành dụm anh chị mới mua được mảnh đất nhỏ rìa nghĩa trang, cất cái chòi che mưa che nắng. Anh lại tất tả đi làm, khi thợ hàn, chăm bệnh thuê, khi lết ra đường bán vé số. Chị Cho tay cặp nạng, tay ôm con dò dẫm đi nhận hạt điều về bóc vỏ mỗi ngày. Có dạo, chị chuyển sang bán nước giải khát, cóc, ổi vỉa hè, bán vé số khắp chợ Đông Thạnh. Bởi vậy, tiếng rao “Vé số đây!” của người mẹ nghèo, người cha khắc khổ cứ vang lên da diết suốt thời thơ ấu của Bích Phượng, Bích Liên.

Bị khuyết một chân chưa phải là bất hạnh duy nhất của anh Thành, chị Cho. Dường như lao tâm, lao lực nhiều quá làm cơ thể họ bị bào mòn dần. Mấy năm nay, chị Cho bị ung thư tuyến giáp, phải phẫu thuật và xạ trị. Chân anh Thành ngày càng teo tóp, đau nhức buốt vào tận xương. Không cắp nạng đi tới đi lui nhiều như trước được, chị Cho chuyển sang kết hạt cườm. 10.000 đồng/tấm, ngày nào chị cũng làm từ sáng sớm đến tận 11, 12 giờ đêm.

Ngoài thời gian học ở trường, về nhà, Bích Phượng, Bích Liên cũng sà xuống đất phụ mẹ kết cườm. Ngày nào làm giỏi lắm sẽ được 50.000 đồng, ít thì chừng 20.000- 30.000 đồng. Nào tiền gạo, tiền mắm muối, tiền thuốc men cứ chất chồng lên. Cuối tháng 8 này, chị Cho phải nhập viện xạ trị tiếp. Vậy mà, chị vẫn làm việc như mọi ngày. Ai khuyên nghỉ ngơi cho có sức, chị gạt ngay: “Nghỉ một ngày là hai đứa nhỏ có nguy cơ nghỉ học một ngày. Sinh con ra, không cho nó được cơm no, áo ấm, người làm cha, làm mẹ như chúng tôi đã đau lòng lắm rồi. Mình còn ráng được thì cứ ráng”.

Sức yếu trên đường gập ghềnh

Tôi ngồi với vợ chồng chị Cho được một lúc thì mưa trút xuống ào ào. Nhà tối om, bóng điện tù mù mà chị Cho vẫn nhướng mắt lên kết cườm. Hỏi, sao không bật đèn cho sáng? Anh Thành tình thiệt: “Tiết kiệm từng tí một cô à. Chưa tối hẳn nên còn tranh thủ được chút ánh sáng nào thì tranh thủ thôi”. Tôi sững người. Rồi trong những câu chuyện rất dài về cuộc đời, về kế sinh nhai của gia đình nhỏ này, tôi còn biết thêm nhiều thứ phải tiết kiệm nữa. Ví như mỗi ngày họ chỉ nấu đúng một bữa cơm. Đôi dép mòn vẹt, chị vẫn cất làm “của để dành” vì “Cả đời tôi đi dép có một bên, sắm sửa làm gì đâu. Đôi dép ấy để dành những hôm có việc ra ngoài hay họp phụ huynh cho con thì mang”.

Căn nhà nhỏ đã xuống cấp trầm trọng. Ngày mưa, nước và gió quất tơi tả vào bên trong. Nhiều hôm, Bích Phượng, Bích Liên phải chui xuống gầm bàn ở hiên nhà hàng xóm trú mưa và sét. Thương ba mẹ, hai chị em Phượng-Liên tự học cách chăm sóc bản thân. Điều đặc biệt hơn cả là Phượng-Liên càng lớn càng học giỏi, lại ngoan hiền, lễ phép nên ai cũng thương. Không chỉ vậy, trong hai năm học 2008- 2009, 2010- 2011, Bích Liên còn nhận giấy khen vở sạch chữ đẹp cấp huyện.

Bắt đầu từ hè lớp 5, Bích Liên xin ba mẹ cho đi bán vé số vào mỗi buổi tối trong tuần. Anh Thành vẫn nhớ như in lần đầu tiên đưa con gái ghé vào một quán nhậu mời khách mua vé số, nhìn Liên lững thững bước từng bước, gương mặt non nớt và giọng nói lí nhí, anh đã khóc. Cả đời bi cực, cả đời chìm nổi, lao đao, anh chưa một lần rơi giọt nước mắt nào cho mình. Vậy mà, cái dáng nhỏ bé, đơn độc của con gái trong đêm mưa gió lại khiến anh gục xuống.

Anh Thành tâm sự: “Đau lòng và day dứt lắm mà không có cách gì làm khác đi được. Năm học mới sắp bắt đầu, nghe đâu học phí tăng, giá cả mặt hàng nào cũng tăng mà vé số bán được thì cứ ít dần đi. Tôi lại đang lo chuyện chỗ ở. Nhà tôi thuộc diện giải tỏa, định giá có hơn 60 triệu. Với chừng đó tiền thì biết tìm đâu ra chỗ ở mới, chỉ có nước thuê trọ, mà trọ thì đi đâu về đâu? Vợ chồng tôi tính rồi, sống chết thế nào cũng không để hai đứa nhỏ bỏ học”.

Những ngày tháng 8, thời tiết Sài Gòn trở lạnh, mưa nhiều. Bị hành hạ bởi những cơn đau cột sống triền miên nhưng anh Thành vẫn ráng lết dậy đi bán vé số. Chị Cho vừa trở về từ Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2013 tại Hà Nội với 3 huy chương bạc ở bộ môn điền kinh (Năm 2012, chị Cho cũng giành được 3 huy chương bạc ở Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, môn điền kinh- PV). Chuẩn bị cho đợt xạ trị sắp tới, chị không có gì ngoài hai bàn tay trắng và ngổn ngang lo nghĩ.
Để giúp chị Cho có điều kiện chữa bệnh và nhất là giúp cho niềm khát khao con chữ của Bích Phượng, Bích Liên được chắp cánh, rất mong bạn đọc gần xa hảo tâm tiếp sức cho gia đình nhỏ này. Mọi sự giúp đỡ xin gởi về theo địa chỉ: chị Nguyễn Thị Cho, đường ĐT 4/1, ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM hoặc điện thoại: 0979 834 630 (chị Cho).
Mộc Bình (Dòng Đời) (Mộc Bình (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem