Hầm ngầm của Stalin nằm ở đâu và kiên cố như thế nào?
Hầm ngầm của Stalin nằm ở đâu và kiên cố như thế nào?
Hữu Cường (theo Sina, ANTG)
Thứ ba, ngày 09/06/2020 20:30 PM (GMT+7)
Khoảng hơn 20 năm trước, qua giải mật hồ sơ lưu của KGB, người ta mới biết tại Moskva có một hệ thống địa đạo cực kỳ kiên cố và hiện đại, hệ thống này có thể được gọi là "thành phố ngầm".
"Thành phố ngầm" tọa lạc tại vùng Ramen, cách Trường đại học Moskva 2km. Đây là một hệ thống chỉ huy thời chiến rất rộng lớn, nằm sâu dưới lòng đất, có một nhánh đường tàu điện ngầm thông với điện Kremli. Theo lời kể của Vladimir K. (giấu tên), một cựu sĩ quan KGB từng tham gia xây dựng công trình này thì "thành phố ngầm" gồm 3 tiểu khu nối thông với nhau và đều ở độ sâu cách mặt đất từ 70m đến 120m, có thể chứa được 20 vạn người, sống liên tục dài ngày.
"Thành phố ngầm" được khởi công xây dựng từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước và hoàn thành gần 10 năm sau đó. Trong "thành phố ngầm" được chia thành khu chỉ huy quân sự và khu sinh hoạt dân sự, được trang bị những thiết bị, khí tài và trang trí nội thất hiện đại với câu lạc bộ, rạp chiếu phim cùng mọi công trình dịch vụ khác; lương thực, nước uống đủ cung cấp cho "thị dân" sống cả chục năm cách ly hoàn toàn với mặt đất trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân. Năm ấy, sau khi "thành phố ngầm" hoàn công, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đương thời Brejnev lần đầu tiên xuống thị sát đã không nén nổi sự kinh ngạc và vui mừng về quy mô, mức độ kiên cố và hoành tráng của công trình.
Thực ra, không chỉ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô mới xây dựng thành phố ngầm mà nó đã xuất hiện và tồn tại từ thời Thế chiến II. Hồi ấy cả Hitler, Churchill và Roosevelt đều có hầm trú ẩn và sở chỉ huy rất hiện đại, kiên cố. Stalin cũng cho xây dựng một "thành phố ngầm", chỉ có điều không phải ở Moskva mà ở thành phố Kuybishev.
Đại bản doanh ngầm này của Stalin được xây dựng theo nguyên tắc là, so với "lô cốt tường thép Wolfram" của Hitler, phải "sâu hơn, dày hơn, bền hơn". Đáy hầm sâu nhất của thành phố ngầm này ở cốt âm 37m, với tổng diện tích 2.000m2, nóc lợp một lớp bêtông cốt thép dày 3,5m. Nếu máy bay địch ném trúng một khối lượng bom có dung lượng nổ đồng thời là 2.000kg TNT cũng không hề hấn gì. Nó được các chuyên gia công binh đương thời gọi là hầm phòng không chống độc, chống công phá bền vững nhất thế giới... Hành cung ngầm này được quyết định xây dựng khi Hitler xua quân tiến công áp sát thị xã Mozfaisk ngoại vi, khiến Moskva bị đe dọa đánh chiếm trong ngày một ngày hai. Năm đó, khi xây dựng thành phố ngầm này, 25.000 tấn đất đá đào lên được vận chuyển bí mật theo 3 đường bằng xe cứu hỏa, đổ rải rác khắp vùng ngoại thành; sau đó từng đoàn xe tải chở ống thép từ vùng Ural tới. Toàn bộ công trình đã đổ 5.433m3 bêtông, nhưng được hoàn thành chỉ sau chưa đầy 10 tháng thi công. Đây quả là kỳ tích trong lịch sử xây dựng công trình ngầm của loài người.
Toàn bộ công trình được giữ bí mật tuyệt đối, không được đánh dấu trên bất kỳ tấm bản đồ quân sự nào. Nơi cửa vào được ngụy trang rất khéo và có vệ binh canh gác nghiêm ngặt ngày đêm, không có giấy phép đặc biệt mang chữ ký của Ủy viên An ninh nhân dân quốc gia Beria, không ai được bén mảng tới. Bước vào cửa hầm, xuống độ sâu 14m, tức đã tới tầng trên cùng của "thành phố ngầm". Tại đây có một đường hành lang nằm ngang, 2 bên hành lang là một số công trình đảm bảo sinh hoạt và các thiết bị phụ trợ. Hành lang còn thông với một cửa ra dự phòng với cánh cửa thép dày, vững chắc, chịu được sức sóng xung kích cực mạnh. Từ hành lang thông xuống một cửa ngầm, lần theo 192 bậc tam cấp sẽ xuống tới khoang ngầm chính, tức tầng sâu nhất của "thành phố ngầm". Chính nơi đây có phòng nghỉ của Đại Nguyên soái Stalin. Phòng này được thiết kế mô phỏng kiểu dáng và tiện nghi như phòng làm việc và sinh hoạt của Stalin tại điện Kremli, với trần cao trên 4m, sàn lát ván gỗ dày, tường xung quanh ốp ván gỗ oak. Trong phòng có đặt một bộ sofa bọc vải trắng và một chiếc bàn lớn, trên đặt chiếc đèn bàn có chao màu trắng ngà. Trên tường treo chân dung các danh tướng Nga Suvorov và Kutuzov. Tại tầng hầm này còn có phòng họp chính phủ, giữa phòng đặt một chiếc bàn gỗ chân tiện hình chữ nhật cỡ lớn, bên cạnh còn kê một chiếc bàn nhỏ dành cho thư ký cuộc họp. Trên tường chính diện treo một tấm bản đồ quân sự cỡ lớn đánh dấu tình hình chiến sự trên các mặt trận vào cuối năm 1941.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công trình ngầm vĩ đại này, nó chưa được chính thức sử dụng ngày nào, bởi các mũi tiến công của quân Đức bị chặn đứng và đại bại ngay từ ngoại vi Moskva. Suốt trong thời kỳ Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Stalin vẫn làm việc tại Moskva, ngay trong điện Kremli.
Ngày nay, "thành phố ngầm" kỳ vĩ được xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn được giữ nguyên và trở thành điểm du lịch "về nguồn" rất hấp dẫn. Tính tới nay đã có hàng triệu lượt du khách của hơn 100 quốc gia trên thế giới đã xuống tham quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.