|
Ông Takagi Michimasa - chuyên gia về chính sách của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) |
Phải thừa nhận rằng, hạn chế xe gắn máy và xe tư nhân mà Bộ GTVT dự tính trình Chính phủ là một trong những biện pháp quản lý giao thông hiệu quả nhằm giảm tải áp lực giao thông trong thành phố, đồng thời thay đổi thói quen của người dân để sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, đề án này sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn trong thời gian ban đầu, đó là áp lực xã hội và có khả năng sẽ không nhận được sự đồng thuận của dân chúng ngay.
Theo đánh giá cá nhân tôi, với lộ trình như đề án đưa ra, mặc dù hệ thống giao thông công cộng sẽ được ưu tiên cải thiện, nhưng điều đó không có nghĩa là nó dễ dàng chiếm được ưu thế so với các phương tiện giao thông cá nhân.
Để đề án thực thi có hiệu quả, theo tôi Bộ GTVT nên chuẩn bị song song các biện pháp đối phó và có chiến lược giao thông dài hạn cho Hà Nội. Trong giai đoạn đầu có hai phương án được gợi ý gồm: Phí tại bãi đỗ xe phải tăng lên và đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với các bãi đỗ xe. Tách làn đường và làn đường xe buýt độc quyền (hoặc ưu tiên) cũng là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn người dân “vô tư” sử dụng xe cá nhân. Thứ hai, các ban ngành liên quan nên tăng cường giáo dục và thuyết phục mọi người để tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Theo đánh giá của tôi, thực trạng giao thông Hà Nội đang trở nên tồi tệ. Hệ quả của điều này là thiệt hại về kinh tế nặng nề cho cả Chính phủ và người dân. Để giảm thiểu tình trạng này, cần phải có sự nỗ lực và đồng lòng từ trên xuống dưới, hay còn được hiểu là từ cả phía cung và cầu.
Về phía “cung”, phải cải thiện mạng lưới đường bộ và hệ thống giao thông công cộng gồm cả vận chuyển bằng xe buýt lẫn vận tải đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao. Về “cầu” sẽ phải tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông và sẽ được quản lý và kiểm soát nhu cầu sử dụng giao thông.
Đăng Thúy (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.