Hạn mặn còn ảnh hưởng đến nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đến bao giờ?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 02/04/2024 08:20 AM (GMT+7)
Tại báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã đề xuất nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Bình luận 0

Thiệt hại do hạn mặn không quá lớn

Báo cáo của Bộ NNPTNT, theo khoanh vùng nguy cơ ảnh hưởng ban đầu (tháng 9/2023), tổng cộng có khoảng 56.260ha lúa vụ đông xuân và 43.300ha cây ăn trái được Bộ NNPTNT chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. 

Với các giải pháp đã được triển khai, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo đã được đẩy sớm thời vụ, hiện đã được thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín (cắt nước), bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn.

Hiện, có khoảng 20.510ha lúa (Tiền Giang 30ha, Bến Tre 730ha, Trà Vinh 13.000ha, Sóc Trăng 6.030ha, Long An 720ha) có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là các diện tích được người dân xuống giống muộn, không theo khuyến cáo (sau ngày 31/12/2023); trong đó đã có 621ha lúa thuộc tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại.

Hạn mặn còn ảnh hưởng đến nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đến bao giờ?- Ảnh 1.

Vườn thanh long xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đang bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Ảnh: T.L

Nhiều nơi cả tháng không có mưa

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa từ đầu mùa khô đến nay tại các khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-40%; Nam Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN từ 5-10%; Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn TBNN từ 10-30%. Đáng chú ý nhiều nơi cả tháng không có mưa như tại các trạm: Pleiku, Ia Ly, Kon Tum, Ea H'Leo (Tây Nguyên); Long An, Tiền Giang, Cái Bè, Bạc Liêu, Trần Văn Thời... (ĐBSCL).

Về nước sinh hoạt, Bộ NNPTNT cho biết, có khoảng 50.500 hộ dân (chiếm 3,6% tổng hộ dân) bị thiếu nước sinh hoạt (Bến Tre 12.000 hộ, Kiên Giang 20.000 hộ, Sóc Trăng 6.400 hộ, Bạc Liêu 4.900 hộ, Cà Mau 3.900 hộ, Long An 3.300 hộ).

Tại khu vực Trung Bộ, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh phụ thuộc chính vào lượng nước trữ của các hồ chứa thủy lợi và lượng nước bổ sung cho hạ du từ các hồ chứa thủy điện. 

Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi trong khu vực có dung tích trữ phố biến từ 60-70% dung tích thiết kế (DTTK), ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên, có 14 hồ chứa nhỏ mực nước thấp hơn mực nước chết. Hiện đã có khoảng 2.400ha lúa và cây ăn quả, chiếm dưới 1% diện tích canh tác, ở các tỉnh Quảng Nam (1.500ha lúa) và Bình Thuận (909ha thanh long) bị hạn hán, thiếu nước. 

Dự báo, do mùa khô còn kéo dài đến hết tháng 7 - 8/2024 nên khu vực tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước trong thời gian tới, đặc biệt nếu nắng nóng xảy ra gay gắt, lượng nước trữ trong các hồ chứa giảm nhanh.

Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hiện các hồ chứa thủy lợi trữ phố biến từ 50-70% DTTK, tương đương và thấp hơn 5% so với TBNN. Toàn vùng hiện tại có 58 hồ chứa nhỏ mực nước xuống dưới mực nước chết. Các hồ chứa thủy điện thường xuyên tham gia điều tiết nước phục vụ thủy lợi hiện có dung tích trữ phổ biến từ 40-70% DTTK, riêng hồ Ia Ly chỉ đạt 26% DTTK, thấp hơn so với TBNN là 28%, hồ Sê San 3 chỉ đạt 4% DTTK, thấp hơn so với TBNN là 14%.

Dự báo, cuối mùa khô, tình trạng hạn hán, thiếu nước nguy cơ tiếp tục xảy ra tại một số các công trình hồ chứa nhỏ, đập dâng và vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 23.000 – 37.000ha.

Kiến nghị linh hoạt trong vận hành hồ chứa

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, thông tin dự báo chuyên ngành nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 trên phạm vi cả nước được Bộ tổ chức cung cấp sớm từ tháng 9/2023; các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn nên đến nay toàn bộ diện tích cây trồng được khuyến cáo thuộc vùng ảnh hưởng của ĐBSCL được bảo vệ an toàn. Số hộ dân bị ảnh hưởng thấp hơn nhiều so với năm 2019-2020 (chỉ bằng khoảng 50%) và mức độ ảnh hưởng đến các hộ cũng ở mức thấp do các hộ đã chủ động tăng thiết bị trữ nước kết hợp với sử dụng nước tiết kiệm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn; tiếp tục thực hiện việc dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn và xây dựng kế hoạch sử dụng nước ở các vùng/lưu vực sông để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

Khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chỉ tổ chức xuống giống khi có xuất hiện mưa, nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định.

Tiếp tục tăng cường việc vận hành các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh; tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ TNMT tiếp tục tăng cường công tác dự báo khí tượng, thủy văn, đặc biệt là dự báo mưa để làm cơ sở dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức rà soát, sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo hướng linh hoạt, phù hợp với khả năng lấy nước của công trình thủy lợi trong cả mùa khô (bao gồm nước phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng lúa).

Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NNPTNT tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 5/3/2021 quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách T.Ư cho địa phương thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán.

Bộ NNPTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ TNMT, Bộ NNPTNT tổ chức tăng cường vận hành phát điện linh hoạt các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng – Thái Bình và khu vực Trung Bộ để bổ sung nước cho hạ du phục vụ tưới dưỡng lúa đông xuân và sản xuất vụ hè thu, bảo đảm phù hợp với nhu cầu sử dụng nước và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện.

Thời gian ảnh hưởng xâm nhập mặn kéo dài đến hết tháng 4/2024

Báo cáo của Bộ NNPTNT, xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ đầu mùa khô tính đến 26/3/2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020.

Dự báo, các đợt xâm nhập mặn tới xuất hiện ở mức thấp hơn đợt nửa đầu tháng 3/2024 nhưng vẫn tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4/2024. Các đợt xâm nhập mặn cao dự kiến xuất hiện vào các ngày 7-11/4, 22 - 25/4/2024. Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn tiếp tục tăng, có khả năng đạt đỉnh điểm trong tháng 4 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 5/2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem