Từ một câu chuyện thật
Chiến tranh đã đi qua 40 năm, không còn tiếng đạn bom nhưng trong tâm hồn mỗi người bước ra từ cuộc chiến, những vết thương nhức nhối vẫn chưa liền khi trở về với cuộc sống thường ngày. Nhà văn Xuân Đức- tác giả kịch bản đã viết truyện ngắn “Hai người lính”- tác phẩm để chuyển thể cho kịch bản bộ phim này sau khi ông đọc được một mẩu chuyện có thật đăng trên báo Tuổi Trẻ kể về hai người lính ở hai chiến tuyến.
Trong một cuộc chiến xáp mặt, người lính cách mạng bị thương ngất đi, người lính Sài Gòn đã không nỡ giết, còn để lại cho anh một bi đông nước và nắm gạo hấp… Sau 30 năm, người chiến sĩ cách mạng vẫn không quên ân nghĩa đó và quyết tâm tìm kiếm. Nhưng chuyện phim không chỉ đơn thuần kể về cuộc tìm kiếm người lính chế độ cũ, mà còn khắc họa chi tiết về tình đồng bào, đồng chí, đồng đội, cùng những năm tháng hào hùng, oanh liệt của đại đoàn quân giải phóng miền Nam.
Hai diễn viên Tấn Hoàng (trái) và Cẩm Lynh trong một cảnh phim “Hận thù hóa giải”. Ảnh: ĐPCC
Nhà văn Xuân Đức cho biết: “Có một triết lý sống mà tôi nghĩ là cần cho tất cả mọi người, đó là dù những lỗi lầm gì đi nữa chúng ta hãy biết sẻ chia, thông cảm và hóa giải mọi mối hận thù. Con người không thể sống hạnh phúc nếu vẫn tiếp tục sống với những nỗi đau của quá khứ. Bộ phim cũng đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay và điều tôi mong muốn hướng tới đó là một cái nhìn về phía trước của tất cả những người từng đứng bên này hay bên kia chiến tuyến”.
Phim "Hận thù hóa giải" dài 30 tập, do đạo diễn trẻ Lê Minh dàn dựng quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của hai thế hệ như diễn viên kỳ cựu Thương Tín, Mỹ Duyên, Tấn Hoàng, Dương Cẩm Lynh, Đoàn Thanh Tài, Hùng Thuận… Các nghệ sĩ đã cùng sát cánh bên nhau để thực hiện bộ phim kéo dài suốt nhiều tháng tại nhiều tỉnh ở khu vực miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Diễn viên Mỹ Duyên đã phải tạm biệt sân khấu kịch quen thuộc của chị trong nhiều tháng để hóa thân thành bà Lành- vợ một cựu binh với một số phận nhiều trắc trở. Chị cho biết: “Tôi rất yêu vai diễn này bởi nó thực sự giúp tôi hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh, 40 năm đã qua đi và điều quan trọng nhất theo tôi chính là thông điệp của nhà văn Xuân Đức, phải nhìn về phía trước”.
Đoàn phim vượt khó
Đoàn phim lặn lội vào rừng sâu, đào xới những câu chuyện nhức nhối của thời hậu chiến như nỗi đau chất độc da cam, phản ánh nạn tìm trầm, tìm hài cốt liệt sĩ giả để trục lợi... Đạo diễn Lê Minh tâm sự: “Khi nhà sản xuất giao cho tôi kịch bản phim này, đọc xong tôi thấy rất lo vì tuổi tôi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc làm những bộ phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến.
Sau đó tôi liên hệ với đạo diễn Bùi Huy Thuần, là người thuộc thế hệ cha chú, rất thành công trong đề tài này để học hỏi kinh nghiệm để có thêm sự tự tin. 99% bối cảnh phim là quay trong rừng núi và các tỉnh xa thành phố như Bình Phước, Tây Ninh, Đăk Lăk, Đăk Nông, có nhiều cảnh quay đạn bom khá nguy hiểm. Anh em đoàn phim phải vác dụng cụ, máy quay, đạo cụ làm phim vào sâu trong rừng bởi nhiều chỗ xe không vận chuyển tới được. Không biết bao nhiêu vất vả mà mọi người đã cùng nhau trải qua để theo kịp tiến độ phim”.
Các nữ diễn viên trong phim như Mỹ Duyên, Dương Cẩm Lynh, Hoàng Lan… thì phải đối mặt với một “kẻ thù” không mấy dễ chịu, đó là vắt. Vắt bám đầy trên thân cây trong rừng, chỉ đợi người đi qua là bám lấy. Diễn viên Mỹ Duyên cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy con vắt trong rừng, tôi rất sợ khi bị nó hút máu, vì vậy vừa đóng phim tôi vừa có cảm giác sợ hãi. Những tháng ngày làm phim đúng là thực sự không thể nào quên khi vừa diễn xuất vừa phải canh vắt”.
Nghệ sĩ Tấn Hoàng tâm sự: “Tôi chưa đóng bộ phim nào khổ cực như phim này, tất cả mọi người từ đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm thanh, ánh sáng đều khổ cực lắm luôn, nhưng mà nhờ có kịch bản phim làm cho anh em bớt cực đi. Tại vì ai cũng nghĩ mình đang làm một công việc đầy ý nghĩa nhân văn như vậy, cái vất vả sẽ không còn nặng nề nữa. Chúng tôi muốn làm một bộ phim cho cuộc đời này tươi đẹp hơn, để mọi người thương yêu nhau hơn và quên hết những chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ”.
Nữ diễn viên Dương Cẩm Lynh vào vai Khuê - cô con gái của một người lính cách mạng bị chấn thương não, lúc nào cũng ám ảnh đang bị bom đạn kẻ thù giội vào người, và cần xông lên tiêu diệt bọn chúng. Khuê là trưởng phòng nông nghiệp huyện, cuộc sống của cô khá vất vả vì vừa phải chỉ đạo tổng kết sản xuất trang trại, xóa đói giảm nghèo, vừa phải chăm sóc bố. Để hoàn thành cảnh quay dưới mưa, người đẹp màn ảnh đã không ngần ngại dầm mưa suốt 4 tiếng đồng hồ và sốt nặng ngay sau đó.
30 tập của bộ phim sẽ được trình chiếu trên VTV1, bắt đầu từ 21 giờ ngày 6.5. Trong phim có sự trở lại của Thương Tín- nam diễn viên nổi tiếng một thời. Ông vào vai một người lính của chế độ cũ, bị thương mất một cánh tay và sống với tâm trạng rất nhiều mặc cảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.