Hãng bay chật vật dù lượng khách tăng nhanh

Gia Linh Thứ ba, ngày 28/11/2023 14:40 PM (GMT+7)
Sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh, ngành hàng không đã bắt đầu khởi sắc khi sản lượng hành khách nội địa và quốc tế có dấu hiệu tăng trưởng. Tuy nhiên, dưới áp lực của chi phí nhiên liệu cũng như yếu tố lãi suất, tỷ giá khiến các hãng bay vẫn đang chật vật.
Bình luận 0

Thời gian qua, nhiều người dân lựa chọn hàng không làm phương tiện di chuyển, du lịch khiến sản lượng hành khách tăng cao. Thêm vào đó, việc các thị trường mở cửa, tăng cường giao thương giúp thị phần bay quốc tế phục hồi nhanh chóng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường hành khách trong tháng 10/2023 đạt 5,4 triệu khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sản lượng vận tải hành khách quốc tế đạt 2,6 triệu khách, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, 9 tháng đầu năm, Cục Hàng không Việt Nam cho biết tổng thị trường hành khách đạt 56,3 triệu khách, tăng 39,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng 266,8% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 76,5% cùng kỳ 2019.

Lãnh đạo Cục Hàng không đánh giá, thị trường vận chuyển hàng không, đặc biệt là hàng không quốc tế đang có nhiều chuyển biến tích cực, hướng tới phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn đóng băng vì dịch bệnh.

Hãng bay khó phục hồi hoàn toàn dù lượng khách tăng nhanh - Ảnh 1.

Hành khách qua đường hàng không tăng. Ảnh: Gia Linh

Giai đoạn gần đây, ngành hàng không bước vào mùa thấp điểm trước Tết vẫn duy trì sản lượng khách ổn định. Thông thường, sản lượng vận chuyển hành khách sẽ sụt giảm sau giai đoạn lễ 2/9 và kéo dài đến hết tháng 12 hàng năm.

Dù sản lượng hành khách tăng trưởng mạnh, các hãng hàng không vẫn đang chật vật, chưa thoát khỏi thế khó. Báo cáo tài chính của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways cho thấy các hãng đã cải thiện doanh thu rất nhiều so với giai đoạn sau dịch. 

Ghi nhận thời gian qua, các hãng bay đã rất nỗ lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu, cắt giảm chi phí... Có hãng còn tăng cường việc bán các suất ăn trên chuyến bay để tăng cường doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cũng các hãng điều là các con số khiêm tốn, trong đó hãng hàng không còn là số âm.

Lý giải nguyên nhân, các hãng bay cho biết lý do chính là vì vật giá leo thang, chi phí nhiên liệu bị "đội giá" khiến hàng không gặp khó. Theo đó, trong cơ cấu giá, nhiên liệu thường chiếm tới 25-28% chi phí khai thác.

Hãng bay khó phục hồi hoàn toàn dù lượng khách tăng nhanh - Ảnh 3.

Các hãng bay vẫn chưa hết vào thế khó. Ảnh: Gia Linh

Theo các hãng bay, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 đã tăng tới 58,6%. Theo đó, giá nhiên liệu tăng từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023. Trong khi đó, giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các yếu tố về lãi suất, tỷ giá cũng là "vật cản" khiến các hãng bay khó tiến tới phục hồi. Bởi lẽ, chi phí vận chuyển hàng không phần lớn chi phí bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại thu bằng Việt Nam đồng. 

Thêm vào đó, nhiều yếu tố đầu vào khác đều đã ở mặt bằng cao sẽ gia tăng áp lực lên giá vé máy bay cũng như tăng thêm gánh nặng tài chính cho các hãng. Từ đó, các hãng vẫn còn chật vật trong quá trình tiến tới phục hồi hoàn toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem