Bà Valerie Amos, phó chủ nhiệm Ủy ban điều phối cứu nạn-vấn đề con người thuộc LHQ, cho biết cơ quan bà đang điều tra, và bà hy vọng số hàng viện trợ đã được trực thăng đưa đến tận tay người cần cứu trợ: “Dù chúng tôi đã nhận nhiều kiện hàng cứu trợ, chúng tôi vẫn lo ngại rằng vài hòn đảo nhỏ cần đến chúng mà chúng tôi chưa thể gặp”.
Khi bàn chuyện viện trợ với chính phủ Philippines tại Úc, bà Amos bảo vệ chính phủ này vốn bị chỉ trích quá chậm chạp đưa hàng cứu trợ đến các nạn nhân. Bà nói Philippines mỗi năm phải đối phó hơn 20 cơn bão nên đã có nhiều kinh nghiệm phòng ngừa.
Siêu bão Haiyan đã ập xuống thành phố Tacloban cùng các vùng duyên hải khác, khiến hơn 5.700 người chết, hơn 1.700 người mất tích và khoảng 4 triệu người bị mất nhà ở. Đã có những bài báo cho biết hàng viện trợ khẩn cấp do trực thăng quân sự đưa đến những người sống sót cả ở vùng hẻo lánh nhất, lại xuất hiện ở những cửa tiệm tạp hóa tại các khu phố mua bán ở thủ đô Manila, cách xa vùng thiên tai hàng trăm dặm. Cũng có những tuyên bố hàng viện trợ này đã bị các quan tham “thổi” và bán lại để tư lợi.
Ngoài số lương thực cứu trợ được bày bán, các lều tạm (mua bởi nguồn tiền cứu trợ do người Anh tặng) cũng bị khóa trong nhiều nhà kho của chính phủ, cùng với gạo và các loại lương thực khác. Ủy ban hỗ trợ khẩn cấp thiên tai (DEC, đại diện 14 tổ chức từ thiện Anh) đã bày tỏ lo ngại trước chứng cứ này. Kiều dân Anh Keb Darge (56 tuổi) - người cung cấp chứng cứ “quan ăn cướp” - nói ông đã bị nhiều “quan” ăn chặn hàng cứu trợ ở Đông Samar (một trong những vùng bị bão tàn phá nặng nề nhất) dọa giết.
Ông nói: “Hàng cứu trợ không đến được đúng tay người cần. Tôi đã trông thấy hàng được đưa đến rồi... chúng biến mất. Chỉ có chút ít đồ cứu trợ được đưa đến người dân”. Darge đã chụp các ảnh hàng cứu trợ bị giấu trong kho, và ông đã phải cùng vợ và con gái 9 tuổi đến Manila trốn vì sợ bị các “quan ăn cướp” trả thù vì vụ tố giác này.
Tham nhũng, tiêu cực là một nỗi lo ngại sau bất kỳ thiên tai nào, khi hàng triệu USD tiền mặt và hàng hóa giúp các nạn nhân từ khắp thế giới đổ về vùng xảy ra thiên tai. Các nỗi lo ngại này càng “cấp tính” ở Philippines. Trước đây, các nguồn quỹ hỗ trợ tái thiết đều bị “rút ruột”. Hiện chưa thể nói sẽ có bao nhiêu khoản giúp đỡ nạn nhân bão Haiyan lọt vào “tay bẩn”. Cơ hội tham nhũng, tư lợi làm giàu bất chính… thường xảy ra trong quá trình tái thiết, nạn đút lót xảy ra khi các doanh nghiệp cần trúng các quả thầu do chính phủ chào rao.
Trung Trực (Thế giới & Hội nhập) (Trung Trực (Thế giới & Hội nhập))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.