Hàng giả bán qua mạng tại TP.HCM ngày càng phức tạp
Hàng giả bán qua mạng tại TP.HCM ngày càng phức tạp
Hồng Phúc
Thứ bảy, ngày 29/07/2023 14:30 PM (GMT+7)
Cục Quản lý thị trường TP.HCM nhận định tình hình kinh doanh hàng giả, hàng lậu trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… hiện nay rất phức tạp.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa cho biết trong tháng 7, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 92 trường hợp vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 146.185 dụng cụ làm đẹp, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, điện gia dụng…
Về hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ quan này đã xử lý 120 trường hợp vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 125.704 sản phẩm quần áo, thực phẩm, máy tính xách tay, thực phẩm chức năng, thiết bị điện, hàng gia dụng, dụng cụ y tế, trang sức xi mạ, phụ kiện điện thoại di động, thiết bị vệ sinh…
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng đã xử lý 124 trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 19.358 sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mắt kính, văn phòng phẩm, thuốc tân dược… nhãn hiệu Rolex, Patek Phillippe, Hermes, Burberry, Dior, Apple, Honda, Adidas, Nike, Chanel, Versace, Giorgio Armani, Louis Vuitton, Apple, Levi's, Glucerna, MLB…
Về thực phẩm, cơ quan này đã kiểm tra đột xuất 40 vụ, trong đó có 36 vụ vi phạm, đã tạm giữ 29.289 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Riêng đường cát, trong tháng 7, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 5 vụ vi phạm, tạm giữ là 14,1 tấn đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng cũng là mặt hàng nổi cộm về vi phạm, cơ quan này phát hiện 70 vụ, thu giữ hơn 50.000 đơn vị sản phẩm các loại.
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại không có dấu hiệu giảm, đặc biệt nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam hoạt động mạnh hơn.
Đơn vị này cũng đánh giá tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… hiện nay rất phức tạp.
Việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý; giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phải tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa trữ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm", đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.