Hàng hiệu xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam

Song Minh (Thế giới Tiếp thị) Thứ ba, ngày 22/07/2014 06:55 AM (GMT+7)
Tuy nằm trong cụm các quốc gia nghèo nhưng Việt Nam lại đang là thị trường được các nhà cung cấp hàng hiệu chú ý đến.
Bình luận 0

Thu nhập bình quân của người dân Việt Nam năm 2013 khoảng 1.960 USD (tương đương 41 triệu đồng). Với mức thu nhập này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Việt Nam còn nằm trong cụm các quốc gia nghèo. Nhưng Việt Nam đang là thị trường được các nhà cung cấp hàng hiệu chú ý đến.

Chưa có bất kỳ số liệu nào để cân đo giá trị của nhóm hàng hiệu tại thị trường Việt Nam nhưng trong khoảng năm năm trở lại đây, nhóm hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới ngày càng xuất hiện dày hơn tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Có thể khẳng định, những thương hiệu lớn trên thế giới đều đã có mặt chính thức tại thị trường Việt Nam. Tại TP.HCM, trên các con đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ... (quận 1) hoặc các trung tâm thương mại như Cresent Mall, Vincom A/B, Parkson Plaza, Diamond Plaza..., các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như: Hermès, Versace, Chanel, Esprit, Cartier, Louis Vuitton, Burberry, Lamborghini, Lexus, Giovanni, Vertu, Salvatore Ferragamo, Gucci, Ralph Lauren, CK, Diesel, Lacoste, Guess, Infinity, Mobiado, Tag Heuer, Dior, Shiseido, BMW... đã “sáng đèn”. Ban đầu, nhóm hàng hiệu chỉ xuất hiện ở các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, giày dép, thể thao..., sau đó là xe hơi, điện thoại di động..., gần đây là nhóm hàng điện tử, điện gia dụng.

Không nhộn nhịp như những cửa hàng bình dân, những cửa hàng sang trọng này thỉnh thoảng mới có khách đến từ những chiếc xe hơi xa xỉ, hoặc ít nhất cũng là những chiếc xe gắn máy đắt tiền. Nhiều người tiêu dùng ngờ vực sự tồn tại của những cửa hàng chuyên bán hàng hiệu, nhưng chỉ cần một vài đơn hàng trong tháng đã giúp hệ thống này tồn tại! Những ai “bạo gan” bước đến những nơi này, không thể không “tròn xoe mắt” khi giá của giỏ xách hiệu Louis Vuitton có giá dao động từ 1.000 – 6.000 USD/cái, đồng hồ Cartier có giá từ 5.000 – 50.000 USD/cái, giỏ xách Chanel có giá từ 1.000 – 8.000 USD/cái, điện thoại Vertu giá từ vài trăm triệu đồng cho đến vài tỉ đồng… Với mức giá trên, thu nhập hàng tháng ít nhất từ 100 triệu đồng mới có cơ hội sử dụng.

Tồn tại song song với các cửa hàng “offline”, gần đây sản phẩm hàng hiệu, chủ yếu là nhóm hàng túi xách, giày dép, mỹ phẩm... còn xuất hiện dưới hình thức nguồn hàng xách tay được bán qua mạng. Theo một nguồn tin chuyên kinh doanh hàng hiệu qua mạng cho biết, chỉ cần người mua đặt hàng, người bán sẵn sàng bán với giá rẻ hơn hàng bán ở các cửa hàng từ 5 – 10% mà vẫn có lãi, là do người bán tận dụng chính sách hoàn thuế tại một số quốc gia như Singapore, Đài Loan, Pháp...; chưa kể đến những khoản tiết kiệm từ tiền thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng, và cả tiền thuế. Để kinh doanh hàng hiệu trên mạng, người bán phải giữ được chữ tín thông qua chất lượng hàng hoá, giá cả với khách hàng, dần dần tạo được những khách hàng ruột và thái độ chăm sóc khách hàng 24.7.

Có nhu cầu “học làm sang”

Không thể phủ nhận có một bộ phận khách hàng đang sử dụng hàng hiệu để làm sang, để chứng tỏ với những người xung quanh rằng “tôi xài hàng hiệu, tôi đang tồn tại”. Trong một báo cáo điều tra về hàng hiệu tại thị trường Việt Nam của công ty nghiên cứu thị trường TNS Media công bố vào tháng 3.2013, nhóm hàng hiệu được ưa chuộng tại Việt Nam: hàng công nghệ cao, đồ dùng gia đình, ôtô, quần áo, trang sức, đồ nội thất, giày dép, nước hoa, rượu… Giá cao là yếu tố quan trọng nhất quyết định xem đấy có phải là hàng hiệu không (60% người được hỏi), chất lượng là yếu tố thứ hai (56%), thiết kế đặc biệt (36%), được dùng bởi người nổi tiếng (32%), hiếm (26%)…

Cũng trong báo cáo điều tra của TNS Media, 36% người được hỏi ở Hà Nội cho biết có sử dụng hàng hiệu, tỷ lệ này ở TP.HCM là 19%. 67% người dùng hàng hiệu có thu nhập trên 8,5 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, theo một khảo sát trực tuyến của hãng Nielsen dựa trên 29.000 người tại 58 quốc gia toàn thế giới thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bộn tiền cho hàng hiệu. Theo như kết quả này thì người Việt mê hàng hiệu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc đứng đầu với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem