Liên tục "bốc hơi"
Ông Tống Đại Phong (Công ty Donafood) cho biết, giữa tháng 6, công ty ông xuất lô hàng hơn 600 thùng điều nhân sang Ấn Độ. Ngày 22.6.2011, công ty được phía khách hàng báo về trong container chỉ còn hơn 100 thùng. Như vậy 538 thùng đã "không cánh mà bay". Chẳng những bị bị thiệt hại về số hàng hơn 2 tỷ đồng, phía khách hàng còn yêu cầu công ty phải bồi thường vì đã giao số lượng không đúng với hợp đồng.
|
Các doanh nghiệp xuất khẩu điều đang đau đầu do hàng bị lấy cắp. |
Trước đó, Công ty cổ phần Long Sơn cũng phải bồi thường hợp đồng hơn 140.000 USD cho bên mua do bị mất cắp hàng trong lúc vận chuyển. Nhiều công ty khác cũng nhiều lần bị mất cắp khi chuyển từ nhà máy ra cảng, như cơ sở Phú Mỹ báo mất 700 thùng, tương đương gần 16 tấn điều, trị giá hơn 1 tỷ đồng, Công ty Catz Internation báo mất lô hàng trị giá hơn 30.000USD…
Theo ông Nguyễn Thái Học, thời điểm từ nay đến cuối năm, nhất là cận Tết Nguyên đán là lúc cao điểm để bọn trộm cắp hoành hành. Do đó, các doanh nghiệp cần tự bảo vệ mình bằng cách thuê người đủ tin cậy áp tải container từ nhà máy ra cảng...
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu điều mất gần như toàn bộ lô hàng trong khi các niêm phong vẫn nguyên vẹn. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, hầu hết các trường hợp bị đánh cắp, "con trộm" chính là các tài xế container, thực hiện việc đưa hàng từ nhà máy ra các cảng. Các đối tượng này đi học lái xe rồi xin việc tại các công ty vận chuyển hoặc làm giả hồ sơ tài xế để được nhận hàng. Ngoài ra, một số công ty trong ngành điều ham của rẻ, thu mua lại các lô hàng ăn cắp này tạo điều kiện cho chúng hoạt động liều lĩnh hơn.
Theo ông Nguyễn Thái Học - Chủ tịch Vinacas, tới thời điểm này, số lượng hàng bị mất các doanh nghiệp báo cáo về Hiệp hội đã trên 3.000 cartons, tương đương khoảng 60 tấn hàng, trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bó tay
Các doanh nghiệp xuất khẩu điều cho biết, tình trạng mất cắp thùng hàng trong các container điều xuất khẩu xảy ra từ năm 2007. Đến nay, hoạt động này càng tinh vi, chuyên nghiệp và có tổ chức hơn khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao vì vừa mất hàng, vừa phải bồi thường cho bên nhập khẩu. Tuy nhiên, vì muốn giữ uy tín với đối tác nên doanh nghiệp phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", tự giải quyết hậu quả khi xảy ra tình trạng mất cắp.
Theo ông Sơn, do giá điều nhân xuất khẩu hiện rất cao, chỉ cần lấy cắp khoảng 100 thùng hàng là có thể sống thoái mái trong thời gian dài. Do đó, dù đã cố gắng thử mọi biện pháp nhưng công ty vẫn bó tay trước những thủ đoạn của bọn "móc container".
Hầu hết các doanh nghiệp điều đang phải đối mặt với nạn trộm cắp. Tuy nhiên, do muốn bảo vệ uy tín nên khi bị mất cắp khoảng vài trăm thùng doanh nghiệp đều không báo cáo. Vì vậy số lượng điều nhân thực tế bị móc ruột từ các container là rất lớn.
Ông Nguyễn Thái Học"Biện pháp đối phó của công ty là cử nhân viên theo sát các lô hàng ra tận cảng, thực hiện các thủ tục như cân hàng, in hóa đơn, chụp ảnh nhân viên, ảnh tài xế. Tuy nhiên, có trường hợp khi nhân viên công ty thuê xe ôm trở về thì bị bọn "đầu gấu" tấn công, phải nhập viện" - ông Sơn bức xúc.
Ngoài ra, ông Sơn cũng đã thuê đơn vị chở hàng có gắn thiết bị định vị trên xe nhưng vẫn không thể kiểm soát được quá trình vận chuyển hàng. Đến khi khách hàng phát hiện báo về thì tài xế đó đã nghỉ việc, cao chạy xa bay. Đến lúc, các đơn vị điều tra vào cuộc thì công ty này mới biết là hồ sơ, tên tuổi, địa chỉ của tài xế là hoàn toàn làm giả.
Phía công ty ông Sơn đang đề nghị công an sớm có kết luận để yêu cầu bên công ty vận tải bồi thường, nhưng xem ra khó có thể thực hiện được vì công an không thể kết luận do không có chứng cứ.
Thuận Hải - Đình Thức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.