Các nhà khảo cổ học đã khai quật một loạt mộ "ma cà rồng", chứa những bộ xương bị cắt lìa đầu và phần sọ đặt giữa chân, tại công trường xây dựng ở Ba Lan.
Một nhóm sử gia đã tìm thấy những ngôi mộ có dấu hiệu bị ếm để ngăn ma cà rồng trỗi dậy từ
nấm mồ tại một địa điểm gần thị trấn miền nam Ba Lan là Gliwice. Chuyện cắt đầu tử thi bị nghi là
quỷ hút máu là thói quen thường được áp dụng ở thời Trung cổ. Vì người thời đó cho rằng đây là cách
duy nhất để đảm bảo người chết sẽ nằm yên dưới mồ sâu.
Một bộ hài cốt trong mộ ma cà rồng - Ảnh: Reuters
|
Vẫn chưa rõ số phận thực sự của chủ nhân những bộ xương lúc sinh thời, nhưng các nhà khảo cổ học
ghi nhận rằng, ngoài chuyện mất đầu, các bộ hài cốt không mang theo bất cứ đồ vật nào, dù là nữ
trang, đai lưng… "Rất khó để nói chính xác thời điểm chôn những người này", báo Dziennik Zachodni
dẫn lời nhà khảo cổ học, tiến sĩ Jacek Pierzak. Di hài đã được gửi đến các phòng thí nghiệm hiện
đại để tiến hành phân tích cặn kẽ, nhưng theo ước đoán ban đầu, có thể họ qua đời vào thời điểm nào
đó thuộc thế kỷ16.
Trong vài năm qua, có thể nói giới khảo cổ học tại Đông Âu đã thu hoạch khá đậm các chứng cứ cho
thấy nỗi ám ảnh lan rộng của truyền thuyết ma cà rồng trong xã hội Trung cổ. Phát hiện mới trên chỉ
cách vụ Bulgaria khai quật được 2 bộ xương "ma cà rồng" khác gần một tu viện ở thị trấn Sozopol
trên bờ Hắc Hải.
Cả hai có niên đại hơn 800 năm và đều bị đóng xuyên ngực bằng các thanh sắt lớn.
Giám đốc Viện Bảo tàng quốc gia Bulgaria Bozidhar Dimitrov còn gây sốc hơn khi công bố đã có khoảng
100 hài cốt " ma cà rồng" được tìm thấy tại nước này trong những năm gần đây. "Điều đó cho thấy đây
là hành động trừ quỷ phổ biến tại một số ngôi làng trong nước, kéo dài cho đến thập niên đầu của
thế kỷ 20", Dimitrov phân tích.
Chặt đầu và nhét gạch vào miệng
|
Thậm chí đến ngày nay, ma cà rồng vẫn là mối đe dọa rất thật trong tâm trí của dân làng tại một
số cộng đồng xa xôi của vùng Đông Âu, nơi tỏi và cây thánh giá luôn được người dân thủ sẵn trong
nhà, còn người chết bị quật mộ để người còn sống đóng cọc nhọn xuyên tim.
Truyền thuyết về quỷ hút
máu người có nguồn gốc từ hàng ngàn năm trước, và được truyền miệng trong nhiều nền văn hóa cổ đại.
Ví dụ, giới chuyên gia gần đây đã tìm được 3.000 ngôi mộ tại CH Czech, trong đó người chết bị đá
dằn đầy thân để ngăn chặn họ quay lại ám ảnh người sống.
Vào thời Trung cổ, khi Giáo hội nắm toàn quyền, nỗi sợ ma cà rồng càng có dịp phát tán mạnh một
phần do dịch hạch hoành hành châu lục. Ở một vài nước, người chết bị chôn với viên gạch đóng thẳng
vào miệng. Tài liệu lịch sử cho thấy vào thế kỷ 12 ở biên giới Scotland, một phụ nữ quả quyết rằng
mình bị một tu sĩ đã chết khủng bố tinh thần.
Ông này đã qua đời và được chôn ở tu viện Melrose vài
ngày trước. Khi các tu sĩ khác quật mồ, họ cam đoan đã phát hiện tử thi đang chảy máu tươi. Thế là
họ đốt luôn thi thể vị này, lúc sinh thời bị chê bai vì hay lơ là phận sự tôn giáo. Tuy nhiên, như
đã nói ở trên, truyền thuyết về ma cà rồng thường xuất hiện phổ biến ở các nước Đông Âu và Hy Lạp,
nơi chẳng mấy ai tin vào những câu chuyện về phù thủy giống như các nước Tây Âu như Anh, Đức…
Nhưng cuối cùng thế giới "văn minh" cũng biết được về sự tồn tại của loài quỷ dữ trong các nền
văn hóa ở Trung và Đông Âu. Ví dụ, với sự mở rộng của đế chế Habsburg của Áo, phương Tây bắt đầu
nghe những câu chuyện rùng rợn về loài ác quỷ xuất hiện tại ngôi làng Kisilova xa xôi (được cho là
làng Kisiljevo ở Hungary), nằm bên bờ sông Danube, vào năm 1725.
Tất nhiên, cho đến giờ đây ma cà
rồng vẫn thuần túy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của con người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.