Hàng loạt trường ĐH phía Nam mở ngành mới, chuyên gia nói gì?
Hàng loạt trường ĐH phía Nam mở ngành mới, chuyên gia nói gì?
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 24/12/2021 14:41 PM (GMT+7)
Mùa tuyển sinh năm 2022 nhiều trường ĐH ở phía Nam tiếp tục mở thêm ngành học mới hấp dẫn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc các trường mở thêm ngành để lo bài toán chỉ tiêu tuyển sinh là cần thiết trong bối cảnh tự chủ đại học, nhưng nếu mở theo “phong trào” thì rất nguy hiểm…
Theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2022 mà Trường ĐH Công nghệ TP.HCM công bố hôm nay (24/12), trường này cho biết sẽ mở thêm 9 ngành mới.
Cụ thể, các ngành mới sẽ thuộc các nhóm ngành: Kinh tế - Quản trị (Kinh tế quốc tế; Tài chính quốc tế; Digital Marketing; Quản trị sự kiện), Sinh học - Môi trường - Nông lâm (Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm; Quản lý tài nguyên và môi trường; Chăn nuôi) và Truyền thông - Nghệ thuật (Nghệ thuật số; Công nghệ điện ảnh, truyền hình).
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Truyền thông nhà trường cho biết, với việc mở thêm 9 ngành mới, trong năm 2022 tại Hutech sẽ có tới 59 ngành đào tạo ở tất cả các lĩnh vực. Đây là các nhóm ngành Hutech đã khẳng định được thế mạnh đào tạo trong nhiều năm qua, đồng thời là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực nổi bật trong nền kinh tế hội nhập.
Năm nay, thí sinh dự thi vào Hutech còn có cơ hội nhận học bổng đa dạng gồm Học bổng Tài năng, Học bổng Tiếp sức (trị giá 50-100% học phí toàn khóa) và Học bổng Doanh nghiệp (30% học phí toàn khóa).
"Năm nay, Hutech dự kiến xét tuyển 7.600 chỉ tiêu theo 04 phương thức xét tuyển độc lập, gồm: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022; Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) 2022 của ĐH Quốc gia TP.HCM; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 03 môn năm lớp 12 và Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 03 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12)", bà Dung nói thêm.
Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cũng cho biết, năm nay trường dự kiến sẽ mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: Công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính và ngành quản lý tài nguyên và môi trường.
Bà Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cũng cho biết năm 2022, trường tiếp tục đầu tư cho khối ngành Sức khỏe. Ngoài 7 ngành hiện tại đang đào tạo là Y, Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm, Phục hồi chức năng, Hộ sinh; trường dự kiến mở thêm 2 ngành: Y học cổ truyền, Sức khỏe răng miệng.
Ngoài ra, trường cũng mở mới ngành Thương mại điện tử, ngành Giáo dục tiểu học.
Mùa tuyển sinh năm học 2022, hàng loạt trường ĐH khác cũng dự kiến mở thêm ngành mới, chẳng hạn Trường ĐH Gia Định dự kiến mở mới 5 ngành học (chương trình tài năng) gồm: Ngành Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Marketing và Kinh doanh quốc tế.
Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen cũng dự kiến mở thêm một loạt ngành học mới như Thương mại điện tử, Digital Marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo…
Năm 2022, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính cũng tiến hành mở mới 6 ngành học gồm Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Kiểm toán, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị sự kiện.
Còn tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trường này cũng dự kiến mở và tuyển sinh ngành học mới là Dược học.
Cần một chiến lược quy hoạch nhân lực mang tầm quốc gia…
Trước việc các trường ĐH ồ ạt mở ngành mới,ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay, việc tuyển sinh được tốt và có chất lượng là mục đích cuối cùng của các trường Đại học. Khi mở ngành học mới, các trường đều phải có sự tính toán rất kỹ về đội ngũ, cơ sở vật chất và cả nguồn tuyển rồi mới lên kế hoạch mở.
"Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng đã nghiên cứu kỹ trước khi mở ngành mới. Có người, có chương trình phù hợp với sinh viên, có việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp,... thì trường mình mới mở ra ngành mới", ông Sơn nói và cho biết, có một thực tế là không ít nơi việc mở ngành vẫn chạy theo nhu cầu và chỉ tiêu của đơn vị đầu tư đưa ra.
Đây cũng là áp lực chung của các trường đại học tư thục, thậm chí là tự chủ tài chính khi phải đảm bảo tốt nhất nguyên tắc cân đối thu - chi cho các hoạt động của nhà trường.
"Việc mở ngành mới là xu thế và nhu cầu, nếu đơn vị nào xác định rõ mục tiêu mở ngành mới là vì quyền lợi của thí sinh và đáp ứng nhu cầu cho nguồn nhân lực trong tương lai, ngành học đó sẽ phát triển và ổn định", ông Sơn nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc nhiều trường hợp mở ngành "bát nháo" thì phải xem lại năng lực của các trường đại học đó, tại sao lại mở ra? Mở ra ngành mới để làm gì? Ngành này có "hot' không? Ngành này có thu hút sinh viên vào không?... Nhiều trường hợp mở ngành cũng phải nên xem xét lại, mở ngành vì quyền lợi của thí sinh hay vì quyền lợi của nhà đầu tư. Đây là câu hỏi khó trả lời…
Còn theo TS Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thì: Nhu cầu mở ngành mới của các trường là bản chất "hai mặt của một vấn đề".
"Các trường không mở ngành học mới phù hợp với bối cảnh kinh tế và sự phát triển của xã hội thì các trường… khó và không tròn vai của một đơn vị đào tạo nhân lực. Nhưng vì ngành hot, ngành đang có sức hút lớn với thí sinh mà anh bất chấp mở thì rất nguy hiểm, nếu không nói đó là cách nhanh nhất để mất hình ảnh của cơ sở giáo dục đó", ông Lý đánh giá.
Ngoài ra, theo chuyên gia giáo dục này, điều mà các trường rất mong muốn hiện nay chính là cần một chiến lược quy hoạch nhân lực các ngành nghề của nền kinh tế theo giai đoạn mang tầm Quốc gia.
"Các trường mở ngành, tuyển sinh và đào tạo hiện nay thực tế vẫn dựa trên những khảo sát nhu cầu nhân lực của Doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu chính sách dự báo nhân lực mang tầm chiến lược Quốc gia, khiến số ít trường mãi loay hoay và chạy theo bài toán tuyển sinh của chính mình"- ông Trần Đình Lý nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.