Hàng nghìn tỷ đồng thuế chưa được hoàn: Ông Trương Gia Bình kiến nghị lên Thủ tướng thế nào?
Hàng nghìn tỷ đồng thuế chưa được hoàn cho ngành gỗ: Ông Trương Gia Bình kiến nghị lên Thủ tướng thế nào?
Đông Anh
Thứ ba, ngày 04/04/2023 13:01 PM (GMT+7)
Ông Trương Gia Bình – Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa báo cáo tới Thủ tướng những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội quý I/2023. Qua đó, Ban IV cho biết các doanh nghiệp gỗ đang bị ứ đọng hàng nghìn tỷ đồng, do chưa được hoàn thuế…
Trong báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Trương Gia Bình nêu: Các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế, bao gồm: việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su,...; mức thuế GTGT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá; việc chậm cải thiện các chính sách thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa (như y tế, giáo dục...).
Ứ đọng hàng nghìn tỷ đồng chưa hoàn thuế cho doanh nghiệp gỗ
Nêu cụ thể câu chuyện của ngành gỗ, tại báo cáo này Trưởng ban IV Trương Gia Bình dẫn phản ánh của các doanh nghiệp cho biết, cơ chế hoàn thuế GTGT thể hiện mục tiêu khuyến khích của nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Hoàn thuế GTGT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, đảm bảo tâm lý an tâm cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Tuy nhiên, thực tế là quy trình hoàn thuế GTGT hiện đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể, khiến doanh nghiệp ngành gỗ bị động.
"Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ; số tiền chờ hoàn thuế cộng dồn từ năm 2020 lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều này trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp", ông Trương Gia Bình – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính kiêm Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thông tin.
Đặc biệt, theo ông Trương Gia Bình, trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản.
Vì đâu ?
Theo đại diện một số doanh nghiệp chế biết – xuất khẩu gỗ ở tỉnh Bình Dương: Sở dĩ xảy ra việc cơ quan chức năng chậm hoàn thuế, dẫn tới ứ đọng hàng nghìn tỷ đồng chưa hoàn thuế cho các doanh nghiệp gỗ. Do thời gian qua, xảy ra một số doanh nghiệp vi phạm, khiến cơ quan chức năng xiết chặt khâu hoàn thuế.
Tuy nhiên, từ sự xiết chặt đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, dẫn tới các doanh nghiệp không vi phạm cũng bị… vạ lây. Ông Nguyễn Hoài Bảo – Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific – cho rằng: "Theo quy định của Bộ Tài chính, sản phẩm trồng trọt (bao gồm sản phẩm rừng trồng) là đối tượng không chịu thuế GTGT. Tương tự, thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp không chịu thuế TNCN.
Do đó, việc mua bán giữa doanh nghiệp và người trồng rừng không phát sinh tiền thuế phải nộp. Việc gian lận thuế chỉ xảy ra khi thuế suất thuế GTGT sản phẩm là 10%, nằm ở khâu thương mại. Vì vậy, cơ quan thuế chỉ cần truy xuất đến doanh nghiệp sản xuất có đầu vào là gỗ rừng trồng là đã xác định được có gian lận thuế hay không trong chu trình luân chuyển sản phẩm từ sản xuất đến thương mại và xuất khẩu".
Kế đó, mục tiêu giám sát nguồn gốc gỗ ở khâu người trồng để đảm bảo gỗ đưa vào phục vụ sản xuất là từ rừng trồng hợp pháp trong nước, ngăn chặn gỗ nhập lậu và gỗ bất hợp pháp là đúng đắn.
Nhưng việc áp dụng quy trình giám sát dàn trải, nhiều khâu trong xét hoàn thuế là không phù hợp với thực tiễn; cũng như chưa phản ánh đúng mục tiêu quản lý thuế.
Điều này đẩy hết rủi ro từ khâu trồng rừng (chưa phát sinh thuế) hoặc các khâu mua bán gỗ nguyên liệu, cho doanh nghiệp tại khâu sản xuất, xuất khẩu (yêu cầu chịu trách nhiệm minh bạch về toàn bộ hóa đơn, chứng từ liên quan chuỗi cung; chịu thuế GTGT đầu vào và phải chờ xét hoàn thuế).
Ngày 26/2 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 bị can. Trong đó, có trạm trưởng Trạm kiểm lâm Văn Luông, thuộc Hạt kiểm lâm huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, nguyên phó Chủ tịch UBND xã và phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn; cán bộ lâm nghiệp xã Mỹ Thuận và bà Trần Thị Bích Thảo - Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh gỗ nguyên liệu. Những cá nhân trên đã vi phạm trong khâu rừng trồng và mua bán gỗ nguyên liệu.
Hậu vụ việc trên, khiến các doanh nghiệp nhóm "nhà mua" nguyên liệu chế biến gỗ, đã thông báo đồng loạt dừng nhập nguyên liệu "gỗ đầu vào cho sản xuất" ở các tỉnh phía Bắc. Từ đây, ảnh hưởng tức thì đến chuỗi cung ứng và sản xuất - kinh doanh, cũng như đời sống của người lao động và hàng trăm hộ gia đình trồng rừng.
Ngoài ra, tại văn bản báo cáo tới Thủ tướng, ông Trương Gia Bình - Trưởng ban IV cũng cho biết: "Việc không nhất quán trong quan điểm, quy định, cách làm về truy xuất nguồn gốc gỗ giữa các cơ quan quản lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính) đang gây khó cho quá trình thực thi của cả cán bộ công chức và sự tuân thủ của doanh nghiệp".
Làm gì để hoàn thuế cho doanh nghiệp gỗ ?
Từ thực tiễn trên, đại diện cho hàng nghìn doanh nghiệp gỗ trên cả nước, Trưởng Ban IV Trương Gia Bình đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ sớm giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp gỗ.
Thứ nhất, Bộ Tài chính cần có quy định để phân loại doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT theo hướng: Đối với các doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh, thì cho phép doanh nghiệp hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) để không bị gián đoạn sản xuất. Dựa trên kết quả kiểm tra sau, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm để phân biệt và không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật.
Đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có tính rủi ro cao, thì thực hiện kiểm tra, xác minh trước sau đó mới tiến hành hoàn thuế.
Thứ hai, các cơ quan chức năng phối hợp đánh giá lại khâu nguy cơ cao về gian lận thuế trong chuỗi để giám sát tập trung.
Xem xét, làm rõ trách nhiệm của từng doanh nghiệp/hộ kinh doanh trong chuỗi và hình thức xử phạt với các doanh nghiệp/hộ kinh doanh trực tiếp vi phạm, thay vì dồn chế tài vào doanh nghiệp ở khâu sản xuất cuối cùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.