Hàng trăm bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19: Bộ Y tế thành lập Tổ công tác đặc biệt

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 05/09/2021 12:47 PM (GMT+7)
Theo thống kê sơ bộ hiện có gần 230 bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 tại 2 cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần tại Đồng Nai. Công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Số bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 có thể gia tăng

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định thành lập Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và Viện Pháp Y tâm thần Trung ương Biên Hòa. Đây là hai đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tổ công tác do PGS.TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh) làm Tổ trưởng; ThS Cao Hưng Thái (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh) làm Tổ phó thường trực và đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính là Tổ phó cùng 23 thành viên.

Theo báo cáo, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hoà phát hiện ổ dịch ngày 19/8, lúc đầu có 18 ca, tính đến ngày 3/9, Viện đã ghi nhận 90 F0. Trong số này, có 1 bệnh nhân nặng chuyển Bệnh viện Đồng Nai đang thở oxy dòng cao HFNC; 4 nhân viên y tế đã phục hồi gần như hoàn toàn, 85 bệnh nhân còn lại đã hết sốt chỉ có 2-3 bệnh nhân thở oxy ngắt quãng. 

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 phát hiện ổ dịch ngày 26/8, lúc đầu có 26 ca, tính đến ngày 3/9 có 136 F0 và có nguy cơ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới. 

Hàng trăm người tâm thần mắc Covid-19: Bộ Y tế thành lập Tổ công tác đặc biệt - Ảnh 1.

Bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 thường không phối hợp với bác sĩ trong quá trình điều trị (Ảnh minh họa: Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức TP.HCM. Ảnh BYT)

Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nhân lực thiếu, bệnh nhân quá tải, số lượng bệnh nhân không có người thân bỏ rơi nhiều năm... Hiện bệnh viện này có 1.136 bệnh nhân/1.200 giường bệnh, trong đó có 102 bệnh nhân không có người thân, không nơi nương tựa và bị bỏ rơi nhiều năm nay.

Một trong những khó khăn trong phòng chống dịch ở hai bệnh viện này là năng lực điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 rất hạn chế trong khi số ca nhiễm có nguy cơ gia tăng. Bên cạnh đó bệnh nhân tâm thần là đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương và khó quản lý, khó tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch khác.

Khó chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19

Trước đó, chia sẻ về khó khăn trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19,  PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng nhận định: "Vì không có nhận thức nên bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 thể di chuyển khắp nơi, việc trở thành nguồn lây là rất cao.

Trước hết phải nói đến việc phòng dịch đối với những bệnh nhân đặc biệt này, họ không tự ý thức thực hiện 5K, ví dụ không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, hoặc có thể trốn viện ra ngoài bằng nhiều hình thức mà nhân viên y tế khó có thể kiểm soát hoàn toàn 100% bệnh nhân. Vì vậy những người mắc vô tình sẽ làm phát tán bệnh tật cho bệnh nhân tâm thần ở xung quanh và nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, việc điều trị những F0 như cho uống thuốc, đeo bình oxy cũng khó thực hiện vì họ không ngồi yên. Thậm chí các bác sĩ phải cố định họ vào giường mới có thể tiến hành chữa trị.

Cái khó tiếp theo là không thể đưa bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 chuyển nặng về trung tâm hồi sức cấp cứu khác mà phải điều trị tại chỗ. Nhóm bệnh nhân này rất đặc thù nên cần chuẩn bị phương án tối ưu để chăm sóc, điều trị, cách ly riêng biệt.

Nhân lực đang làm việc tại các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần hiện nay đang thiếu rất nhiều. Bên cạnh đó chuyên môn về cấp cứu – hồi sức của nhân viên y tế không sâu vì vậy khi điều trị cho bệnh nhân có những chuyển biến xấu sẽ là một thách thức đối với họ. Ngoài ra, qua kiểm tra một số cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần, trang thiết bị, vật tư y tế cũng đang còn nhiều hạn chế". 

Hàng trăm người tâm thần mắc Covid-19: Bộ Y tế thành lập Tổ công tác đặc biệt - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng (bên phải) kiểm tra tại một số cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần nhiễm Covid-19 tại Đồng Nai. Ảnh BYT

Theo PGS Hưng, việc tiêm vaccine Covid-19 cho người tâm thần dù rất cần thiết nhưng lại vấp phải nhiều khó khăn. 

"Hiện chưa có quy định pháp lý nào về việc tiêm vaccine và cần người nhà bảo hộ cho bệnh nhân tâm thần có tiêm hay không. Khó khăn tiếp theo, mặc dù các bệnh viện chuyên khoa tâm thần vẫn có thể thực hiện khám sàng lọc trước tiêm cho bệnh nhân, nhưng các bệnh tiềm ẩn, phức tạp sâu thì khó có thể phát hiện", PGS Hưng cho biết. 

Để phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 tốt hơn, PGS Hưng đề xuất cần phải chú trọng đến vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho bệnh nhân. Thứ hai, các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần và đặc biệt tại những nơi đã xuất hiện ca nhiễm nên thành lập các khoa hồi sức - tích cực, phòng trường hợp số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng cao.

Bên cạnh đó, đào tạo thêm cho nhân viên y tế các kỹ năng phòng chống và điều trị bệnh Covid-19. Trang bị, bổ sung các thiết bị, vật tư y tế như máy thở, bình oxy, thuốc, xét nghiệm...

Ưu tiên dùng thuốc điều trị Covid-19 đối với những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh. Đối với cơ sở nào có nguy cơ tăng số lượng ca nhiễm phải có sự hỗ trợ về nhân lực từ các bệnh viện khác như bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa.

"Về vấn đề phòng bệnh cần cách ly tuyệt đối đối với nhân viên và bệnh nhân dương tính. Tăng cường quản lý bệnh nhân bằng hệ thống camera không để trốn ra ngoài và giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế. Thực hiện tốt 5K và tại chỗ.

Ngoài ra, tổ chức mô hình nhân viên y tế là F0 phối kết hợp với bệnh nhân tỉnh táo mắc bệnh để hỗ trợ chăm sóc ca nhiễm tại nơi điều trị.

Chúng tôi cũng hy vọng các cấp chính quyền, xã hội, gia đình phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để thực hiện phòng, tiêm chủng, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiều hơn, hạn chế tối đa số ca nhiễm Covid-19", PGS Hưng nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem