Hàng trăm công ty muốn hưởng trợ cấp theo Đạo luật CHIPS trị giá 52,7 tỷ USD
Hàng trăm công ty muốn hưởng trợ cấp theo Đạo luật CHIPS trị giá 52,7 tỷ USD
Hoài Phương
Thứ năm, ngày 10/08/2023 07:44 AM (GMT+7)
Bộ Thương mại Mỹ cho biết hơn 460 công ty đã bày tỏ nguyện vọng hưởng khoản trợ cấp trong Đạo luật CHIPS trị giá 52,7 tỷ USD của chính phủ cho ngành sản xuất chất bán dẫn, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với ngành chip Trung Quốc.
Thông báo được đưa ra vào ngày 9/8, tròn một năm ngày Tổng thống Joe Biden ký Đạo luật CHIPS và Khoa học nhằm tài trợ 52,7 tỷ USD cho các nhà sản xuất chất bán dẫn, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động của Mỹ.
Theo tuyên bố của ông Biden, các công ty đã đầu tư tổng cộng 166 tỉ USD vào ngành sản xuất chất bán dẫn và thiết bị điện tử trong năm qua. Ông cho biết đạo luật này sẽ khiến nước Mỹ một lần nữa dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn và ít phụ thuộc vào các quốc gia khác đối với chuỗi cung ứng điện tử hoặc năng lượng sạch.
Hồi tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu nhận đơn đăng ký hưởng chương trình trợ cấp trị giá 39 tỷ USD cho ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, cũng như thiết bị và vật liệu để sản xuất chip. Tuy nhiên, chưa có khoản nào được giải ngân cho đến nay.
Chia sẻ với giới báo chí, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: "Cuối cùng chúng tôi cũng đang thực hiện các khoản đầu tư đã quá hạn từ lâu để đảm bảo an ninh kinh tế và quốc gia. Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ xử lý, nhưng quan trọng hơn là phải phân bổ phù hợp".
Đạo luật CHIPS cũng bao gồm khoản tín dụng thuế đầu tư 25% để xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn, ước tính trị giá 24 tỷ USD.
Ngày 8/8, Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cho biết các chính phủ trên toàn thế giới đang cấp tốc hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn, đảm bảo chuỗi cung ứng mạnh mẽ, linh hoạt, Mỹ cũng không ngoại lệ.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đang tìm cách đảm bảo Trung Quốc sẽ không được hưởng lợi từ đạo luật này của Mỹ. Trước đây, Bộ cho biết các khoản tài trợ trực tiếp dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 5% -15% chi tiêu vốn dự án và tổng số tiền trợ cấp thường không vượt quá 35% chi tiêu vốn dự án.
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định về các dự án xứng đáng, các quan chức phải quyết định số tiền tài trợ trong quỹ của chính phủ. Luật cũng dành 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, với tâm điểm là Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.