Đây là những công cụ lao động thời tiền sử và sơ sử, được chế tác từ đá cuội sông, suối.
Cụ thể, đoàn khảo sát đã phát hiện di tích suối Séo Hồ (vùng phụ cận của thị trấn Đồng Văn) nơi chứa công cụ cuội ghè đẽo của người thời tiền sử. Đây là các di vật có đặc trưng của công cụ thời đá cũ.
Đặc biệt, tại huyện Mèo Vạc, có 4 địa điểm chứa công cụ rìu nhẵn toàn thân và bàn mài lõm ở 3 xã Thượng Phùng, Xín Cái và Pả Vi. Các di tích này được đánh giá có niên đại vào thời hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 4.000 năm.
Các nhà khảo cổ học còn phát hiện 10 di tích tại các xã Na Khê, Mậu Duệ, Niêm Sơn và Du Già (huyện Yên Minh). Trong đó có 9 di tích được phân bố trong địa tầng thềm bậc II của Thủy điện sông Nhiệm.
Các công cụ phát hiện ở đây đều được chế tác từ đá cuội sông, có nguồn gốc tại địa phương; kỹ thuật gia công ghè, đẽo còn rất đơn giản, hình dáng cổ sơ. Phần lớn mặt ngoài di vật đã bị phủ lớp phong hóa màu nâu sẫm, tuy nhiên các vết ghè đẽo vẫn còn biểu hiện rất rõ mà người tiền sử chưa sử dụng kỹ thuật mài.
Đây là những di vật mang đặc trưng của thời kỳ đồ đá cũ, tương tự như những di vật đã tìm thấy vào tháng 10/2013 tại xã Cán Tỷ thuộc huyện Quản Bạ, có niên đại cách ngày nay khoảng trên 20.000 năm.
Không chỉ điều tra, khảo sát, tìm thấy nhiều di vật của người tiền sử, các nhà khảo cổ học còn phát hiện một số công cụ ghè đẽo cùng với nhiều tàn tích thức ăn của người xưa như vỏ ốc suối chặt đuôi, vỏ ốc núi bán hóa thạch trong hang Thẩm Ly Quyến thuộc xã Du Già, huyện Yên Minh. Đây là những di chỉ có niên đại thuộc thời đại đồ đá.
PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho TTXVN biết thêm: Đến nay tại Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện được trên 20 di tích văn hóa từ thời đại đá cũ sang thời đại kim khí.
Theo thống kê sơ bộ, khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn có 45 di sản địa mạo, 33 di sản kiến tạo và rất nhiều hóa thạch trong các tầng đá trầm tích, trong đó nhiều di sản được xếp hạng quốc gia và quốc tế.
Không những thế, ở đây có 13 phân vị địa tầng, 17 nhóm hóa thạch cổ sinh rất đa dạng và phong phú về giống, loài... trong đó có một số loài đặc hữu cho khu vực.
Đây cũng là nơi ghi chứng tích của 2 trong 5 sự kiện lớn của thế giới về sự hủy diệt hàng loạt thế giới sinh vật trên phạm vi toàn cầu xảy ra cách đây khoảng 250 và 350 triệu năm.
Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010.
Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ một loạt hệ thống di sản độc đáo như: Di sản địa chất với rừng hóa thạch Huệ biển Cán Chu Phìn, nghĩa địa hóa thạch Làn Chải, điểm hóa thạch Ngã ba Lũng Pù-Khau Vai-Mèo Vạc, điểm hóa thạch Tay cuộn Ma Lé, điểm hóa thạch Trùng thoi (thị trấn Đồng Văn); di sản địa tầng gồm: Mặt cắt địa chất Lũng Cú-Ma Lé, ranh giới thời địa tầng Frasni-Famen tại đèo Si Phai; di sản địa mạo với danh thắng núi đôi Quản Bạ, tháp kim Pải Lủng, thung lũng Thủy Mặc, rừng đá Khâu Vai… cùng rất nhiều di sản kiến trúc, lịch sử, văn hóa, danh thắng như phố cổ Đồng Văn, di tích Nhà Vương, thị trấn Phó Bảng… các thôn văn hóa dân tộc và làng văn hóa du lịch.
(Theo Chính Phủ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.