Nguyên nhân của việc ùn tắc hàng trăm tàu hàng nhiều ngày nay là do nước cạn, sông Hồng bị bồi lắng không được nạo vét mùa khô.
Ùn ứ tàu kín sông
Khi chúng tôi có mặt ở khu vực bến cát đoạn sông Hồng chảy qua xã Trung Châu huyện Đan Phượng, Hà Nội, vẫn còn hàng trăm tàu hàng tắc ứ lại với chiều dài khoảng 2km từ bến cát Trung Châu, ngược về phía thượng nguồn.
Anh Nguyễn Văn Bình, thuyền trưởng tàu NĐ 136.. cho biết: "Chúng tôi đã tắc ở đây được 4 ngày rồi, bình thường tàu tôi lấy cát vàng từ huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc chở về Nam Định bán, đúng kế hoạch thì cứ 4 ngày chúng tôi làm được 1 chuyến hàng 380 m3 cát nhưng nước rút làm thuyền bị mắc cạn, từ hôm xuất phát ở Nam Định đã là ngày thứ 7 rồi mà vẫn còn nằm chờ có lũ để về xuôi. Việc nằm chờ nước lên để tàu chạy được rất tốn kém cho nhà tàu, vì tiền ăn tiền công và tiền dầu chạy máy nổ ngày đêm nữa, chi phí cho mỗi ngày nằm mắc cạn thế này phải mất 3 triệu đồng chưa kể những việc khác phát sinh".
Thuyền trưởng tàu PT 106.. anh Phạm Văn Sáu cho hay, tàu của anh đã có hợp đồng giao cát vàng tại Quảng Ninh, theo dự kiến tàu sẽ chạy khoảng 3 ngày là có mặt ở khu vực Cái Răm, Quảng Ninh để giao cát nhưng hiện tại bị mắc kẹt ở đây cũng đã 4 ngày mà chưa biết khi nào đi được.
Việc chậm giao hàng chắc chắn sẽ bị chủ hàng phạt vì không đáp ứng được tiến độ, chuyến hàng 560m3 cát vàng của anh Sáu có nguy cơ thua lỗ.
Theo anh Sáu thì việc ách tắc này cứ đến mùa khô là xảy ra.
"Những người làm vận tải đường thủy như chúng tôi tha thiết mong đoạn đường sông "điểm đen" này được Bộ Giao thông vận tải sớm đưa vào kế hoạch nạo vét khẩn cấp, vì hiện nay không chỉ mất thời gian mà mỗi lần lưu thông qua đây, chúng tôi còn phải đóng từ 300 -600 nghìn mỗi chuyến cho công ty cứu hộ nếu không khi tàu mắc cạn là nằm im hoặc bị lật thì không bao giờ được cứu ", anh Sáu nói.
Ách tắc cả trên bàn
Ông Cao Văn Định – Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6, đơn vị quản lý đoạn tuyến kể trên cho biết: “Điểm sông Hồng qua xã Trung Châu, huyện Đan Phượng đã nêu hiện là điểm nóng, nổi cộm nhất. Mức nước thời điểm bây giờ khoảng 1,5 – 1,6m, có thời điểm còn xuống thấp hơn nữa. Bên cạnh đó còn hai điểm nữa ở Cao Đại và Bác Cổ, gần cầu Chương Dương”.
Trước tình trạng tắc luồng thường xuyên khi vào mùa khô, ông Định cho hay đã đề xuất với Bộ GTVT và Cục Đường thủy Nội địa ngay từ đầu mùa cho phép nạo vét và điều tiết giao thông. Tuy nhiên, khu vực trên vẫn xảy ra tình trạng ách tắc do luồng sông chưa được khơi thông.
Ông Định cho biết thêm: “Ngày 27.11, tôi đã có ý kiến bằng văn bản đến lần thứ 4 để thực hiện hai phương án nhằm khơi thông luồng, điều tiết đảm bảo giao thông an toàn nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chấp thuận. Việc điều tiện giao thông thủy cũng như ở trên bờ, ở thời điểm nào phương tiện khó khăn thì cần phải tạo điều kiện điều tiết cho người ta đi”.
Trả lời về vấn đề này, ông Ngô Anh Tuân – Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Cục Đường thủy Nội địa xác nhận điểm nóng đoạn sông Hồng qua xã Trung Châu, huyện Đan Phượng: “Chỗ này đoàn liên ngành đã đi kiểm tra, độ sâu vẫn đảm bảo 2,5m, khi nước thấp là 2m nhưng luồng đúng là khó đi. Chúng tôi đã giao cho Trạm Chèm thường xuyên kiểm tra, theo dõi”.
Ông Tuân cũng giải thích lý do tại sao đến nay vẫn chưa thực hiện được việc nạo vét điểm nóng tắc luồng lạch kể trên: “Từ tháng 5, Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương cho một đơn vị nạo vét tận thu, họ cũng đã tiến hành khảo sát thiết kế. Nhưng việc làm thủ tục với TP Hà Nội về thuế tận thu phức tạp quá, đến nay vẫn chưa xong”.
Cục Đường thủy Nội địa cho biết nếu trong tháng này vẫn chưa thể tiến hành nạo vét sẽ phải thực hiện phương án điều tiết khống chế. Khi mực nước xuống sẽ có tàu hướng dẫn luồng và lắp đặt thêm phao chỉ dẫn. Ông Tuân khẳng định: “Với biện pháp kể trên, những tàu có mức mớn nước 2m vẫn có thể đi được”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.