Nhan nhản chốn kinh doanh hàng xách tay
Hàng xách tay được tìm thấy dễ dàng nhất là trên mạng Internet. Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “hàng xách tay” sẽ cho ra hàng nghìn kết quả liên quan như “hangxachtaynhat..”, “hangmyxachtay...”, “hanghieuxachtay...”.
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại hàng hóa được đưa về dưới dạng “hàng xách tay”. Ảnh: Hải Nguyễn
Trên các website, mạng xã hội, người tiêu dùng còn “mách” nhau rất nhiều địa chỉ mua hàng xách tay được cho là uy tín, đảm bảo. “Thiên đường” của hàng xách tay và được chị em sính đồ ngoại rỉ tai nhau nhiều nhất là phố Nguyễn Sơn (Gia Lâm). Khu phố Nguyễn Sơn từ hướng cầu Long Biên - đường Nguyễn Văn Cừ rẽ vào chỉ vỏn vẹn mấy trăm mét nhưng nhan nhản các cửa hiệu hàng xách tay len lỏi vào tận những con ngõ nhỏ.
Chủ những cửa hàng xách tay ở đây cũng “bám” chặt xu thế và nhu cầu của người tiêu dùng. “Những mặt hàng lạ, hiếm, tìm nhiều nơi không có thì cứ đến đây kiểu gì cũng thấy”, Nguyễn Lan Phương - một tín đồ hàng xách tay - cho biết. Thế nhưng, do quá nhiều lùm xùm trà trộn hàng nhái, hàng Trung Quốc nên những cửa hàng trên con phố Nguyễn Sơn này cũng đang bị một bộ phận người tiêu dùng “tẩy chay”.
Còn tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, càng không khó để tìm được một cửa hàng bán đồ xách tay. Các cửa hàng này nằm rải rác trên từng con phố, nhưng chỉ số ít cửa hàng trưng biển “hàng xách tay”.
Rất ít hàng đề biển hàng xách tay mà ẩn dưới nhiều tên như hàng tiêu dùng Thái Lan, hàng tiêu dùng nhập khẩu.
Nắm bắt tâm lý chuộng hàng sản xuất tại nước ngoài, cho rằng hàng sản xuất tại nước ngoài có chất lượng tốt hơn, hiện nhiều cửa hàng tại TPHCM bày bán các sản phẩm ngoại và giới thiệu là “hàng xách tay” về qua đường hàng không. Đặc biệt, ngành hàng thực phẩm và mỹ phẩm là hai nhóm hàng có nhiều “hàng xách tay” hơn cả.
Tại TPHCM, trước đây chỉ có một số loại sữa bột, sữa nước với các nhãn hiệu như Ensure, Pediasure, sữa X.O, Meiji có nhiều hàng xách tay được bày bán xen kẽ các sản phẩm hàng ngoại chính ngạch thì nay, các mặt hàng thực phẩm dạng này khá phong phú. Từ các loại phô mai đến bánh kẹo, thịt xông khói, chocolate, nhân sâm, trà sữa, yaourt, bột trẻ em, olive, trái cây tươi, rượu, nước trái cây... đến các loại mỹ phẩm như kem dưỡng da, son, sữa rửa mặt, dầu gội đầu, thực phẩm chức năng làm đẹp, mặt nạ... đều có đủ loại “hàng xách tay”.
Thậm chí, nhiều cửa hàng mới mở chuyên bán “hàng xách tay” từ các nước như Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan. Tại đường Trương Định, quận 3, gần đây mọc lên một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm dược ngoại nhập từ Nhật, Nga và được người bán giới thiệu do các tiếp viên hàng không mua dùm, xách tay về.
Thật giả chuyện “hàng xách tay”
“Hàng xách tay” được bày bán nhiều và người tiêu dùng khó có thể nhận biết được đâu là hàng thật - giả. So với hàng chính ngạch, các loại sữa nước Ensure, Pediasure “hàng xách tay” có giá bán rẻ hơn 3.000 - 8.000 đồng/lon, nhưng hạn dùng lại ngắn hơn so với sản phẩm chính hãng. Tuy vậy, yếu tố giá rẻ hơn hàng chính hãng và tâm lý cho rằng hàng xách tay chất lượng tốt hơn đã khiến không ít NTD chỉ thích chọn mua “hàng xách tay”.
Chị Tuyền - tiểu thương kinh doanh mặt hàng sữa tại quận 11, TPHCM - cho biết: “Có khá nhiều người thích chọn mua sữa cho con là các dòng sữa bột, sữa nước được sản xuất, đóng gói tại nước ngoài và xách tay về nên dòng hàng này vẫn bán chạy”. Tại các tiệm uốn tóc ở TPHCM cũng đua nhau trưng bày và dùng cho khách các loại dầu gội, thuốc nhuộm tóc, mỹ phẩm được giới thiệu là “hàng xách tay”.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng đã từng phát hiện hàng chục ngàn lon sữa Ensure bị làm giả, thay đổi nhãn mác. Mặt khác, chỉ riêng tuần từ 17-21.1, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã kiểm tra, phát hiện tạm giữ gần 4.000 sản phẩm, các mặt hàng quần áo, bia, mắt kính, giày dép, mỹ phẩm, rượu, thực phẩm, hàng điện tử, thực phẩm chức năng... ngoạinhập không hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, các đội QLTT còn tạm giữ 262 chai rượu ngoại nhập lậu, 228 chai, lon, bình bia các hiệu Heineken, Paderborder, Warsteiner, 536 đơn vị sản phẩm bột, trà, bánh, cháo ăn liền, 67.090kg chà là khô, nhãn không ghi địa chỉ đơn vị nhập khẩu, thông tin cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Song song đó, các đội QLTT còn kiểm tra 9 vụ buôn bán hàng hóa giả mạo và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại các chợ và cửa hàng, tạm giữ 561 sản phẩm các mặt hàng túi xách hiệu Louis Vuitton, giày thể thao Nike, quần áo các hiệu Levi’s, Lacoste, VT Fashion.
Thị trường thực phẩm chức năng tại TPHCM cũng bát nháo các mặt hàng… xách tay. Từ các website đến các cửa hàng kinh doanh dược phẩm, shop mỹ phẩm, nhiều thực phẩm chức năng với các công thức như collagen, glucosamin, sụn cá mập - shark catilage, giloba, omega 3-6-9, thực phẩm giảm cân… với đủ nhãn hiệu, xuất xứ và mức giá khác nhau được bày bán và giới thiệu rầm rộ. Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng xách tay thật - giả và giá cả đúng của các loại sản phẩm này. Cùng là một sản phẩm, nhưng giữa các cửa hàng, trang web có thể chênh giá nhau cả trăm ngàn đồng/sản phẩm.
Nhìn chung, hàng xách tay hầu hết đều có giá rẻ hơn, thậm chí chênh lệch khá nhiều so với giá thị trường, giá tại các cửa hàng, đại lý chính thức. Ví như mặt hàng mỹ phẩm của Hãng The Faceshop, sản phẩm kem lót BB Cream được bán tại showroom chính thức có giá trên 800.000đồng/sản phẩm thì tại các cửa hàng xách tay chỉ có giá khoảng 400.000 - 600.000đồng/sản phẩm, phấn của hãng này cũng có giá niêm yết tại thị trường Việt Nam từ 400.000 - 800.000đồng/sản phẩm tùy loại thì cửa hàng xách tay chỉ bán với giá 200.000 - 600.000 cho các sản phẩm tương đương...
Nước hoa xách tay thì lại có giá khá “nhập nhèm”, cùng sản phẩm nhưng mỗi nơi một giá. Hàng thì bán đắt hơn giá của hàng công ty, hàng chính hãng tại Việt Nam với lý do: “Nước hoa sản xuất và mua tại Pháp, Mỹ hay các nước Châu Âu thì thơm hơn, bám mùi hơn, về cơ bản là chất lượng hơn, nên giá cả cao hơn là chuyện đương nhiên” - Chị Đức Nguyên (bán nước hoa online) đánh giá. Nhưng cũng không ít cửa hàng bán với giá chỉ bằng một nửa giá hàng chính hãng phân phối tại Việt Nam vì lý do muôn thuở về hàng xách tay: “Hàng xách tay của tiếp viên hàng không nên không mất tiền phí vận chuyển”, “người nhà đi công tác/đi du lịch mua về không dùng tới”... Những loại nước hoa giá rẻ hơn thị trường thế này thường là “xách tay” từ Singapore, Hồng Kông, Đức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.