Cô N. ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) là một nhân viên hàng không đã nghỉ việc. Thời gian đầu, cuộc sống của cô khá khó khăn phải nay việc này, mai việc khác kiếm sống. Thế nhưng, chỉ gần hai năm sau cô thay đổi hoàn toàn. Từ chỗ làm thuê, làm mướn "ba cọc ba đồng", đời sống chật vật nay cô như một đại gia, đi xe SH, ăn vận toàn Gucci, lời ăn tiếng nói cũng sang hẳn… chỉ nhờ kinh doanh HXT.
|
Một cửa hàng tại chợ “hàng xách tay” trên phố Nguyễn Sơn. Ảnh: Nam Giang |
Theo bà con hàng xóm của N. thì nhờ có mối quen từ khi còn công tác, lúc đầu cô được đồng nghiệp cũ dành cho việc vận chuyển hàng từ sân bay về các mối (cửu vạn) mỗi chuyến kiếm được vài ba chục ngàn. Sau khi "biết mánh" cô bỏ nghề "cửu vạn" thuê một quán nhỏ ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, lấy HXT ngay từ bạn bè, đồng nghiệp cũ về bán. Từ đó cô mua được nhà rồi xe cộ và trở thành "đại gia con".
HXT nói chung là những loại hàng nhỏ lẻ mang theo người, không mang tính chất đại trà. Qua các vụ buôn lậu bị bắt, xử lý, tiết lộ của người trong cuộc và quan sát trên thực tế thì HXT chính là những hàng hóa do những người đi máy bay từ nước ngoài mang về bán. Vì vậy, ở khu vực Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình… ngoài tên HXT còn có tên là "hàng bay". "Hàng bay" do khách đi công tác, du lịch còn do các nhân viên công tác trên các chuyến bay quốc tế mang về.
Với khách thường xuyên đi máy bay có kinh nghiệm, mỗi khi về Việt Nam họ tham khảo xem mang hàng gì có lời rồi tận dụng tiêu chuẩn miễn cước mua về bán. Tuy nhiên, số hàng đối tượng này cung cấp cho thị trường không đáng kể.
Như vậy nguồn HXT ổn định, phát triển chính là từ các nhân viên hàng không phục vụ trên các chuyến bay từ nước ngoài mang về. Điều này giải thích tại sao các cửa hiệu HXT chủ yếu nằm trong khu vực "đại bản doanh" của các hãng hàng không như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Gia Lâm …
Theo tiết lộ của "cửu vạn" thì hầu như không có chuyến bay nào của hàng không Việt Nam từ nước ngoài mà không mang theo hàng tấn hàng về Việt Nam tùy nhu cầu thị trường và giá cả hàng ở từng nước. Hàng rất đa dạng, thường theo nhu cầu của các con buôn. Ví dụ, khi vàng, đô la, euro… trong nước cao hơn ở nước ngoài thì họ đặt vàng, USD, euro… để nhân viên bay mang về cho họ bán và ngược lại.
Những lô hàng này thường nhỏ nhưng có giá trị rất cao được đưa về nước, tung ra thị trường rất kịp thời, mang lại siêu lãi. Nước hoa, son, phấn, giày dép, quần áo, khăn, túi xách, ví da, điện thoại cầm tay, rượu, thuốc lá ngoại, sâm, sữa, thuốc tân dược, chi tiết máy móc, phụ tùng ô tô, xe máy, chip điện tử "độc"... là những mặt hàng rất ổn định. Hiện tại, các cửa hiệu ở khu vực Tân Sơn Nhất, hay đường Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) lúc nào cũng tấp nập khách mua.
Cũng theo người trong cuộc, "lộ trình" nguồn HXT như sau: với loại hàng đột xuất thì con buôn gọi điện hoặc email cho đối tác nước ngoài gửi những thứ mà Việt Nam đang có nhu cầu. Đối tác lập tức mang hàng ra đầu mối đường dây ở sân bay cửa khẩu giao cho nhân viên bay trên các chuyến bay chở về.
Tại đây, họ "làm luật" cho nhân viên ngành chức năng rồi đưa hàng ra khỏi sân bay. Hàng "cập cảng" lại được "cửu vạn mặt đất" chở giao cho con buôn. "Cửu vạn" thường là chuyên nghiệp, nắm lịch bay, động thái toàn mạng bay rất chính xác. Ai hay đi qua cổng "đại bản doanh" của các hãng bay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ "nhẵn mặt" những người ngồi trên yên xe máy chầu trực, đó chính là "cửu vạn mặt đất" chờ hàng về…
Mặc dù chuyển một bịch hàng từ "đại bản doanh bay" đến chủ hàng và ngược lại họ chỉ được trả vài ba chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng, nhưng đó là một nghề thu nhập cao do số hàng không ít và hầu như không có đối thủ cạnh tranh do phải bảo đảm chữ "tín" với chủ hàng.
Trong khi đó, "cửu vạn trên không" được trả thù lao vài chục, hoặc vài trăm USD một "bịch", tùy theo giá trị của khối hàng. Giáp Tết Tân Mão "cửu" một điện thoại di động cao cấp từ Pháp về có giá thù lao 60 USD… Những lô hàng có giá trị cao thì các nhân viên bay chủ yếu chỉ làm "cửu vạn".
Với loại hàng hóa thường xuyên thì ngoài làm "cửu vạn", không ít nhân viên bỏ vốn mua hàng về kiếm lời. Mặc dù một nhân viên trong chuyến bay chỉ mang vài ba "xách, cục…" cỡ vài chục kilôgam, nhưng hằng tuần có nhiều chuyến bay từ các nước về nên nguồn hàng ngày càng dồi dào khi mạng đường bay từ Việt Nam ra nước ngoài ngày càng mở rộng và tăng tần suất khai thác.
Sở dĩ HXT ngày càng thịnh hành vì ngoài chất lượng cao "chính gốc" giá lại "mềm" do ngoài thù lao cho "cửu vạn" trên không, mặt đất và "thuế tiêu cực", hàng này không thuế, không cước... Đặc biệt, HXT đáp ứng nhu cầu thị trường từng ngày. Có thể nói, không có hàng hóa cùng loại nào có thể cạnh tranh được vì chất lượng, uy tín, giá và tính kịp thời của nó.
Ví dụ, một lọ nước hoa Channel của Pháp trên thị trường bán 2 triệu đồng thì cửa HXT chỉ cỡ 1,7-1,8 triệu đồng, một hộp phấn Lancom thị trường 1,2 triệu đồng/hộp thì HXT chỉ 900.000-1.000.000 đồng/hộp… Ngày thường lọ Channel giá 2 triệu đồng nhưng vào dịp 8-3, 20-11, Noel... nhiều khi lên tới 2,5-2,7 triệu đồng. Chỉ có những chuyến bay mới đáp ứng được thời gian tính ấy.
Tuy nhiên, hiện nay đang có hiện tượng HXT bị nhái. Mặc dù giá cả mọi thứ đắt đỏ nhưng những ngày gần đây các cửa hiệu HXT ở nhiều nơi nhất là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Gia Lâm sầm uất, nhộn nhịp khác thường. Thắc mắc về điều này, một "cửu vạn" hé lộ: thấy hàng bán chạy bọn "nó" bắt đầu mua hàng nhái của một số nước… trộn vào hàng xịn.
Trong khi cả nước oằn mình chống lạm phát, quản lý thị trường ngoại tệ, chống nhập siêu với những mặt hàng xa xỉ, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thì HXT lộng hành sẽ ảnh hưởng tới các chính sách của Nhà nước và tha hóa một bộ phận cán bộ nhân viên, ảnh hưởng xấu đến an toàn bay và cuối cùng các hãng bay bị mất người (khi bị bắt), ảnh hưởng tới thương hiệu mà phải rất tốn kém với thời gian dài mới tạo dựng được…
Theo Hà Nội Mới
Vui lòng nhập nội dung bình luận.