Hành hạ tàn nhẫn, đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ bị xử phạt như thế nào?

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 22/02/2023 09:01 AM (GMT+7)
Cơ sở giết mổ tập trung không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ sẽ bị xử phạt đến 5 triệu đồng đối với cá nhân và 10 triệu đồng đối với tổ chức. Hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn chó, mèo sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng.
Bình luận 0

Tuân thủ quy tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi

Theo Luật chăn nuôi 2018, khi chăn nuôi vật nuôi cần tuân thủ những quy tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi. Trong đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu như có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh cho vật nuôi;

Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Việc đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển cũng được quy định rõ tại Điều 70 Luật Chăn nuôi, theo đó, tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Hành hạ tàn nhẫn, đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 1.

Luật Chăn nuôi 2018 yêu cầu chủ vật nuôi phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, trong vận chuyển, giết mổ và nghiên cứu khoa học. Không được bỏ đói, phải cung cấp đủ thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh cũng như không được đánh đập, hành hạ vật nuôi. Ảnh: I.T

Vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi bị xử phạt như thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 1/3/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi nêu rõ:  

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;

b) Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;

c) Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

4. Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.

Nghị định 14/2021 cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại hoạt động chăn nuôi được quy định tại khoản 3 Điều này; Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.

Theo Văn phòng Luật sư X (Hà Nội), căn cứ Điều 3 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đánh đập chó mèo là 01 năm. Trừ trường hợp đánh đập chó mèo trong quá trình nuôi chó mèo làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Đánh kẻ trộm vật nuôi bị xử lý thế nào?

Khi vật nuôi bị trộm, người chủ thường vô cùng bức xúc, ức chế, dẫn đến hành vi đánh đập kẻ trộm.

Tuy nhiên, việc đánh kẻ trộm vật nuôi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt như sau:

+ Bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác; nếu người chủ vật nuôi đánh kẻ trộm và gây thương tích dưới 11% (điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

+ Người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017; nếu đánh kẻ trộm và gây thương tích trên 11% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: dùng hóa chất nguy hiểm, thực hiện với người dưới 16 tuổi, dùng hung khí nguy hiểm,…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem