Hạnh phúc của cô giáo làng

Thứ bảy, ngày 16/11/2013 07:23 AM (GMT+7)
Sinh ra trong một gia đình làm ruộng, từ nhỏ tôi đã mắc một chứng bệnh hiểm nghèo, thân hình còi cọc, yếu ớt.
Bình luận 0
Mặc dù khiếm khuyết về hình thức nhưng thành tích học tập của tôi không hề thua kém ai. Suốt 12 năm liền là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, tôi ấp ủ ước mơ thi vào trường sư phạm, nhưng vì lý do sức khỏe và gia đình quá nghèo nên ước mơ đó đã không thể thành hiện thực.

Duyên nợ với nghề dạy học đến với tôi tình cờ từ năm 2001. Đứa cháu ruột trong nhà học lớp 5 mà không thuộc nổi bảng cửu chương. Khi biết cháu mình không chỉ học kém, mà còn là học sinh cá biệt, tôi quyết giúp cháu lấp lại lỗ hổng kiến thức. Buổi sáng cháu đến trường, buổi chiều hai cô cháu tôi lại cùng nhau học bài. Sau 1 năm được tôi kèm cặp, cháu trở thành học sinh tiên tiến vào năm lớp 6, rồi học sinh giỏi...

Chị Thuyết đang dạy kèm các em nhỏ.
Chị Thuyết đang dạy kèm các em nhỏ.

Cho đến khi cháu đỗ vào Học viện Ngân hàng, niềm vui trong tôi thực sự vỡ òa, cả dòng tộc tự hào. Niềm tự hào ấy đồng nghĩa với sự ra đời một lớp học do tôi phụ trách tại gia. Năm đầu tiên tôi nhận kèm 10 em, với 3 nhóm trình độ khác nhau. Mỗi buổi lên lớp vừa phải dạy tập viết chính tả, vừa dạy ghép vần và luyện đọc cho các em. Cuối năm học, các em đều đủ điều kiện lên lớp, có 4 em đạt danh hiệu học sinh giỏi và 2 em đạt học sinh tiên tiến. Đây là kết quả nằm ngoài sự mong đợi của các bậc phụ huynh và cũng là một phần thưởng quý giá mà tôi nhận được. Tiếng lành đồn xa, vào dịp nghỉ hè, rất nhiều gia đình mang con em đến gửi gắm để tôi dạy kèm. Không thể chối từ, tôi lấy nhà làm lớp, lấy giường làm bàn ghế, lấy phản làm bảng để thực hiện cái nghiệp “giáo viên không chuyên” của mình...

Hàng chục năm qua đi, các lứa học sinh do tôi kèm cặp đều trở thành con ngoan, trò giỏi, gần 30 em thi đỗ vào các trường đại học dưới thủ đô. Dạy kèm các em, tôi không lấy một khoản lệ phí nào và luôn tâm niệm lấy sự tiến bộ của các em trong học tập là động lực.

Tôi yêu nghề giáo viên tha thiết và tôi sẽ gắn bó với công việc “cô giáo làng” của mình đến khi nào còn có thể.

Chị Kiều Thị Ánh Thuyết - thôn ổ Gà, xã Cao Phong, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Phúc Minh (ghi) (Phúc Minh (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem