Hành trình 18 năm gian nan tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, từng suýt mất mạng vì lạc vào rừng tìm lá thuốc

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 20/03/2023 13:02 PM (GMT+7)
Trong hành trình gian nan đi tìm con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, có người đã phải chịu đựng rất nhiều áp lực, khóc cạn nước mắt hay thậm chí suýt đánh đổi sinh mạng của chính mình.
Bình luận 0

Suýt mất mạng vì vào rừng tìm cây thuốc của cặp vợ chồng hiếm muộn

Ngày 19/3, vợ chồng Anh Bùi Văn Dần và chị Nguyễn Thị Tuất vượt quãng đường hàng trăm km ôm hai con trai 1 tuổi là bé Kim Bảo và Dương Minh có mặt tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ. 

Tại đây, khi hội ngộ với nhiều gia đình khác khi tham gia cuộc thi mẹ bầu và em bé Việt Bỉ, anh Dần và vợ không khỏi bồi hồi, xúc động khi tại chính nơi đây đã cho anh chị niềm tin và thêm nhiều mơ ước, khao khát trên hành trình gian nan tìm con.

Hành trình 18 năm gian nan tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, từng suýt mất mạng vì lạc vào rừng tìm lá thuốc - Ảnh 1.

Vợ chồng Anh Bùi Văn Dần và chị Nguyễn Thị Tuất hạnh phúc bên hai con trai sau hành trình gian nan 18 năm hiếm muộn. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Tuất xúc động cho biết, vợ chồng cưới nhau từ năm 2005. Sau khi kết hôn, mặc dù hai vợ chồng anh chị không kế hoạch, nhưng cả hai mãi không thấy tin vui. Trải qua thời gian anh em, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm bày cho đi lấy thuốc Bắc, thuốc Nam. Ai mách bảo ở đâu có người uống được con là đi, có khi đi đường hàng trăm km từ 3 giờ sáng.

Hành trình gian nan của cặp vợ chồng hiếm muộn có con sau 18 năm kết hôn. Clip: Gia Khiêm

"Có lần vì mong có con mà vợ chồng tôi suýt mất mạng vì đi theo thầy thuốc ở Hà Tĩnh vào rừng nguyên sinh tìm lá thuốc về uống. Thầy cũng nói đi nhiều sẽ tích đức được nhiều nên vợ chồng không ngần ngại theo thầy vào tìm cây thuốc nhưng không may bị lạc, điện thoại thì không có sóng. May mắn sau gần 1 ngày đi lạc vợ chồng tôi gặp được một người dân bản địa đi rừng và được họ đưa ra ngoài đường khi trời đã tối đêm. Nếu không có người giúp không biết khi ấy chuyện gì sẽ xảy ra với cả hai vợ chồng", chị Tuất nhớ lại.

Hành trình 18 năm gian nan tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, từng suýt mất mạng vì lạc vào rừng tìm lá thuốc - Ảnh 3.

Chị Tuất bao năm vẫn luôn mãnh liệt khao khát có con và mong ước đó đã thành hiện thực. Ảnh: Gia Khiêm

Sau một thời gian dài với đủ các loại thuốc Nam – Bắc kết hợp, vợ chồng chị Tuất chuyển hướng vào một số bệnh viện khám. Chị cũng từng ngược xuôi vào TP. Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội nhiều lần để làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng đều không có kết quả.

"Vợ chồng tôi cố gắng kiếm tìm con yêu từ năm này qua năm khác đến lúc không còn tiền lại khăn gói về quê làm lụng kiếm thêm tiền. Vào Nam ra Bắc nhiều lần không được nên vợ chồng động viên nhau bảo con cái là lộc trời cho đành chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều đêm tôi nghĩ chồng đi làm xa, một thân lủi thủi khóc một mình. Sau tôi bàn chồng gom góp đi tiếp. 

Hành trình 18 năm gian nan tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, từng suýt mất mạng vì lạc vào rừng tìm lá thuốc - Ảnh 4.

Các y, bác sĩ hạnh phúc, vui vẻ bên các cháu bé nhờ làm thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: Gia Khiêm

Tình cờ trong một lần ra Hà Nội ăn cưới có người chị trong gia đình giới thiệu đến tử Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ. Bệnh viện đang có chương trình Cam Kết Vàng (Cam kết đậu thai cho bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn làm thụ tinh trong ống nghiệm). Tôi gật đầu nhưng chưa đi. Sau một thời gian chị gọi lại hỏi đi chưa, thì mới nhớ ra, rồi bảo để về bàn với chồng. Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi đã quyết định đến bệnh viện đây để thăm khám. Tôi bảo chồng sẽ làm ở đây, nếu không làm được đành thôi", chị Tuất chia sẻ.

Hành trình gian nan 18 năm tìm con

Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định trứng của chị Tuất còn rất ít. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết anh chị vẫn còn khả năng có con. Điều này khiến cả hai vợ chồng chị mừng vì cơ hội có con vẫn còn. 

"Khi chuyển phôi thành công, thai nhi được 8 tuần thì con không ở với bố mẹ. Lúc này tôi cực kỳ buồn tủi và hụt hẫng… Nhưng được y bác sĩ bệnh viện an ủi và động viên tôi về nghỉ một thời gian rồi ra làm lại. Một thời gian sau, hai vợ chồng lại tiếp tục hành trình tại IVF Việt – Bỉ. Lần này tôi chuyển hai phôi và đậu luôn hai thai. Hai vợ chồng vui mừng khôn xiết. Nhưng hành trình đón con vẫn còn một chặng đường nữa. Tôi quyết định ở lại bệnh viện để theo dõi. 

Hành trình 18 năm gian nan tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, từng suýt mất mạng vì lạc vào rừng tìm lá thuốc - Ảnh 5.

Nhiều gia đình hạnh phúc sau gian nan hành trình tìm con. Ảnh: Gia Khiêm

Hành trình mang thai vất vả. Tôi bị nghén không ăn được. Đặc biệt là nghén từ mùi điều hoà, quạt điện, kem đánh răng, chăn màn, quần áo…Thế nhưng, bao vất vả trước kia đã trải qua được, bây giờ hai vợ chồng luôn tự nhủ, động viên nhau cố gắng lên, mình sắp đến đích rồi. Cuối cùng, sau 18 năm trên hành trình tìm kiếm con yêu, vợ chồng tôi cũng đã được đền đáp. Ngày 30/1/2022 tôi hạ sinh hai con trai, một bé nặng 2,2kg và một bé 2,4kg. Hai bé được đặt tên là Bùi Văn Kim Bảo và Bùi Văn Dương Minh trong niềm vui vỡ òa hạnh phúc của hai bên gia đình", chị Tuất xúc động tâm sự.

Cùng cảm xúc như gia đình anh Dần, chị Tuất, gia đình anh Nguyễn Văn Nga và chị Nguyễn Thị Hường (ở Thái Nguyên) cho đến bây giờ vẫn lâng lâng kể từ khi đón cậu con trai đầu lòng. Anh Nga và chị Hường ôm chặt lấy con trai vào lòng, trao cho con những nụ hôn cùng sự quan tâm, chăm chút từng tí. Ánh mắt chị Hường không khỏi xúc động hướng về cậu con trai bé bỏng Nguyễn Anh Duy.

Hành trình 18 năm gian nan tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, từng suýt mất mạng vì lạc vào rừng tìm lá thuốc - Ảnh 6.

Vợ chồng chị Hường, anh Nga hạnh phúc bên con trai đầu lòng cũng sau 18 năm kết hôn. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hường chia sẻ: "Tôi thấu hiểu cảm giác sau khi kết hôn mà không được sinh con, phải chịu đựng rất nhiều áp lực. Có những chị em nước mắt chan cơm rồi, đêm nằm nước mắt rơi ướt đầm gối. Tôi đây cũng đã trải qua những cảm xúc đó. Sau 17 năm kết hôn, đến năm thứ 18 tôi mới đón được con yêu về với mình".

Chị Hường kể, sau khi kết hôn không có con vợ chồng cũng đã đi chạy chữa suốt nhiều năm với các loại thuốc Đông – Tây – Nam – Bắc kết hợp không có kết quả. Từng có lúc cả hai vợ chồng rơi vào tuyệt vọng, buồn chán nhưng hy vọng tìm kiếm một đứa con vẫn thôi thúc trong lòng anh chị.

"Tôi làm IVF tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ với chỉ số AMH thấp. Khi thực hiện thủ thuật chọc hút trứng tôi chỉ được 3 trứng và tạo được 2 phôi ngày 3, trong đó được một phôi loại 1 và một phôi loại 2. Cuối tháng 12/2021 tôi được chuyển phôi và hẹn 10 ngày sau khám kiểm tra xét nghiệm Beta - hCG. 

Hành trình 18 năm gian nan tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, từng suýt mất mạng vì lạc vào rừng tìm lá thuốc - Ảnh 7.

Chị Hường khóc trong hạnh phúc khi kể về những ngày tháng tìm kiếm con. Ảnh: Gia Khiêm

Đây là khoảng thời gian tôi vừa lo lắng vừa hồi hộp, thế rồi đến sáng ngày thứ 9 tôi thử que thử thai kết quả 1 vạch, tôi thấy rất buồn. Lúc đó tôi nhắn tin cho bác sĩ và nhận được lời động viên an ủi bình tĩnh, chờ kết quả xét nghiệm Beta - hCG. Sáng ngày 6/1/2022, tôi đến phòng xét nghiệm lấy mẫu và nhận được kết quả đã mang thai. Lúc này tôi vô cùng vui mừng và sung sướng, tim tôi như muốn bắn ra ngoài, nước mắt trào dâng", chị Hường xúc động.

Khi thai được 7 tuần doạ sẩy vào đúng dịp giáp Tết Nguyên đán. Chị Hường xin được ở lại bệnh viện để theo dõi. "Đây là cái Tết vô cùng đặc biệt và là kỷ niệm với tôi tại Bệnh viện Việt Bỉ - một kỷ niệm không bao giờ quên được. 

Khoảng thời gian nửa tháng sau Tết chỉ có một mình tôi và ekip bác sĩ, điều dưỡng ở lại tầng 5 của bệnh viện. Tôi tự nhủ và nói với con rằng 'con ơi, 2 mẹ con mình cố lên nhé'. Và rồi tôi đã đón được con trai đầu lòng sinh ngày 30/8/2022 với cân nặng 3,2kg, đặt tên là Nguyễn Anh Duy. Trải qua 18 năm mới có con tôi muốn nhắn gửi tới các chị em và gia đình rằng hãy vững tin và cố gắng lên nhé", chị Hường bật khóc.

Hành trình 18 năm gian nan tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, từng suýt mất mạng vì lạc vào rừng tìm lá thuốc - Ảnh 8.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Tô Hoài Phương, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ chia sẻ trong buổi gặp gỡ gia đình em bé Việt - Bỉ. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ chuyên khoa 2 Tô Hoài Phương, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ cho biết, các bác sĩ tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn ngoài việc thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân thì còn là những chuyên gia tâm lý, tư vấn tận tình.

"Mỗi ngày, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người là một hoàn cảnh, mỗi tình cảm khác nhau nhưng với nguyện vọng chung tha thiết là tìm con yêu. 

Như các cặp vợ chồng vừa có mặt chia sẻ về hành trình của mình thì không phải tất cả các gia đình đều thành công từ chu kỳ IVF đầu tiên. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm hiện nay đã gần 70 -80% nên chúng tôi luôn động viên, an ủi, đồng hành với người bệnh để bệnh nhân tiếp tục có động lực trên hành trình tìm con. 

Chúng tôi cũng có những chương trình nhân văn và ý nghĩa đối với bệnh nhân như Cam kết vàng – Cam kết thành công cho các bệnh nhân làm IVF, trong trường hợp các bệnh nhân không may mắn thành công thì bệnh viện hỗ trợ 30 triệu đồng (chi phí chọc trứng và tạo phôi)", ông Phương nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Phương, ở Việt Nam có cả Đông, Tây y và Nam y, tuy nhiên, ông cũng từng chứng kiến nhiều người bệnh vì tâm lý hoang mang, ai mách gì làm đấy khiến tiền mất, tật mang, tâm lý thất vọng.

"Chúng tôi luôn động viên bệnh nhân tìm hiểu những thông tin khoa học về tình trạng hiếm muộn, khoa học y học kỹ thuật ngày càng phát triển đã giúp cho hàng triệu gia đình trên thế giới có con. Hãy tin tưởng để hành trình điều trị có kết quả", ông Tô Hoài Phương chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem