Đám giỗ sống
Được Mỹ đặt vào chiếc nôi chính trị tại miền Nam Việt Nam và ru ngủ bằng chiêu bài "chống hiểm họa xâm lăng của Cộng sản", Ngô Đình Diệm và thuộc hạ trở thành những kẻ mộng du cuồng tín, ra sức giết hại đồng bào, triệt tiêu các giáo phái và đàn áp thô bạo các lực lượng cách mạng. Trong khi đó, tôn trọng Hiệp định Geneve, ta chủ trương đấu tranh chính trị phi vũ trang. Được thể, chính quyền họ Ngô ra sức đàn áp phong trào cách mạng bằng những thủ đoạn tàn ác nhất.
Ông Mười Thương kể lại chuyện chiến đấu năm xưa.
Trước tình hình ác liệt đó, theo gợi ý của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ - Người soạn thảo và đề ra Cương lĩnh Cách mạng miền Nam - từ tháng 10/1956, một số địa phương đã chủ động bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cơ sở Đảng bằng cách thành lập Tổ Trừ gian diệt ác (Đến năm 1959, Đại hội III Trung ương Đảng mới ra Nghị quyết 15 với chủ trương "đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang").
Tây Ninh là một trong những địa phương sớm thành lập Ban Địch tình do đồng chí Lâm Kiểm Xếp làm Trưởng ban, Phan Văn Điền tức Phạm Công Phú, tức Mười Thương - một chiến sĩ cách mạng được huấn luyện đào tạo tư duy cách mạng, kỹ năng hoạt động đặc tình từ tuổi thiếu niên, đã từng len vào hàng ngũ địch với chức vụ Phó ty Thông tin - là Ủy viên phụ trách Tổ Trừ gian diệt ác.
Ngay sau đó, đồng chí Mai Chí Thọ, lúc ấy là Xứ ủy viên, Phó ban Địch tình Xứ ủy phụ trách miền Đông Nam Bộ về tận Tây Ninh triển khai nhiệm vụ đã chỉ đạo cho ông Lâm Kiểm Xếp phải tổ chức cho Tổ Trừ gian diệt ác ám sát Ngô Đình Diệm nhằm dằn mặt Mỹ và tạo thế ly gián nội bộ địch.
Ông Mười Thương nhớ lại: "Anh Mai Chí Thọ chỉ đạo trực tiếp cho tôi và anh Lâm Kiểm Xếp: Các em phải ám sát cho được Ngô Đình Diệm để trả thù cho anh em đồng chí đồng bào đã bị chúng sát hại dã man, tàn bạo. Người nhận nhiệm vụ ám sát phải chấp nhận hy sinh mạng sống mình. Nếu bị địch bắt thì phải khai Mai Hữu Xuân là kẻ tổ chức ám sát Diệm để tạo mâu thuẫn trong nội bộ chúng".
Là tổ trưởng, ông Mười Thương chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ táo bạo này. Sau 2 lần lỡ dịp thực hiện kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh và tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nghe tin Diệm sẽ tham dự Hội chợ kinh tế thương mại cao nguyên tại Ban Mê Thuột vào ngày 22/2/1957, ông Lâm Kiểm Xếp đã chỉ đạo ông đến tận nơi đó 2 lần điều nghiên phương án tác chiến.
Sau khi nghe báo cáo kết quả nghiên cứu kỹ địa hình, kế hoạch tổ chức của địch và kế hoạch ám sát Diệm tại hội chợ này xong, ông Lâm Kiểm Xếp yêu cầu Mười Thương chọn "Kinh Kha". Nhận thấy rõ, đó là một nhiệm vụ "không có lối thoát ", người cảm tử sau khi thực hiện nhiệm vụ ám sát xong chỉ có một con đường duy nhất là chết, ông Mười Thương đề xuất chính mình sẽ là người thực hiện nhiệm vụ. Lúc ấy ông chỉ mới 22 tuổi.
Ông phân tích: "Hầu hết anh em trong đội ám sát đều có vợ con, gia đình, nếu 1 người hy sinh sẽ có nhiều người thân đau khổ, còn tôi đơn thân một mình, nếu chết, sẽ nhẹ nhàng hơn". Ông Lâm Kiểm Xếp đồng ý lựa chọn của Mười Thương. Ban Địch tình Tỉnh ủy đã làm ngay cho ông một giấy chứng minh thư giả mang tên Hà Minh Trí.
Chốt lại, Ban Địch tình nhấn mạnh: Mười Thương phải thi hành 2 "loạt đạn". Loạt thứ nhất là xả đạn trực diện vào ngực lên đến đầu để tiêu diệt Ngô Đình Diệm. Nếu người cảm tử chưa hy sinh mà bị bắt thì bắn tiếp "loạt đạn" thứ hai, khai cho Mai Hữu Xuân và lực lượng Cao Đài ly khai tổ chức ám sát Diệm nhằm ly gián nội bộ địch.
Trước ngày lên đường thực hiện nhiệm vụ, ông Lâm Kiểm Xếp tổ chức một bữa tiệc cuối cùng gọi là "đám giỗ sống" để thết đãi Mười Thương tại nhà ông Ba Thẩn - một cơ sở cách mạng ở xã Tân Phước, huyện Gò Dầu, Tây Ninh. Bữa ăn thịnh soạn thời kháng chiến chỉ là bánh tráng cuốn cá lòng ròng (cá lóc con) chiên xù. Bữa tiệc còn có ông Tư Mừng - Bí thư Ban Địch tình và cô Bảy Nhanh. Buổi đưa tiễn người cảm tử đi vào cõi chết không có không khí bi lụy mà lại... vui ngất trời.
Bây giờ nhớ lại bối cảnh đó, ông Mười Thương bảo: "Khi làm cách mạng, tất cả anh em chúng tôi đều luôn nghĩ đến ngày hy sinh cho Tổ quốc, cho cách mạng, cho Đảng nên hầu như chẳng băn khoăn gì, chẳng suy nghĩ gì trước cái chết. Ai cũng "sung" cả. Tôi cũng thế. Biết chuyến công tác sẽ kết thúc bằng cái chết nhưng tôi rất phấn khởi vì tôi vinh dự được trực tiếp tiêu diệt kẻ thù nguy hiểm nhất. Tôi chỉ nhớ đến các anh em đồng đội trong tổ đã từng bị địch sát hại dã man".
Tầm đạn 6 năm và kế hoạch ám sát tưởng như không hoàn hảo
Giờ khai mạc hội chợ đã điểm, Mười Thương xả "loạt đạn thứ nhất" vào ngực Diệm. Nhưng chỉ một viên đạn bay khỏi nòng đúng vào lúc một bộ trưởng chen vai lên trước Diệm để được phóng viên báo chí chụp ảnh. Viên bộ trưởng này vô tình đỡ viên đạn cho Diệm. Súng bị kẹt đạn.
Khi lập kế hoạch, ông đã đề xuất sử dụng lựu đạn nhưng cấp trên kiên quyết không đồng ý vì sợ sát thương người dân vô tội, mặc dù, ông khẳng định rằng, khi khai mạc hội chợ, người dân chưa được phép vào sân lễ mà chỉ có lực lượng cán bộ của chính quyền Diệm. Rất lâu sau này, ông Mười Thương mới hiểu lý do cấp trên không cho sử dụng lựu đạn, vì thời điểm ấy, lúc nào bên cạnh Diệm cũng có một sĩ quan tham mưu Biệt bộ Phủ tổng thống kè sát. Đó là ông Phạm Ngọc Thảo, một tình báo của ta cấy vào hàng ngũ địch. Nếu sử dụng lựu đạn thì Diệm chết chắc nhưng ông Phạm Ngọc Thảo cũng sẽ hy sinh.
Sau phát súng không trúng đích đó, Mười Thương bị An ninh Quân đội và Cảnh sát chìm, nổi xúm lại đánh hội đồng rồi bắt đưa về Tiểu khu Ban Mê Thuột. Người đầu tiên hỏi cung ông lại chính là Phạm Ngọc Thảo, có sự quan sát của Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến. Câu đầu tiên, ông Thảo hỏi: "Ai sai anh giết Tổng thống?". Mười Thương trả lời ngay: "Thiếu tướng Mai Hữu Xuân". Ông Mười Thương không hề biết người sĩ quan cao cấp ấy đang kiểm tra lời khai - loạt đạn thứ hai - của ông.
Năm 1993, phu nhân ông Phạm Ngọc Thảo tìm thăm ông đã kể lại, ông Thảo rất thán phục người chiến sĩ cảm tử.
Mặc dù ông đã khai Mai Hữu Xuân tổ chức ám sát Diệm nhưng địch vẫn cho Mai Hữu Xuân di lý ông từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn trên một chiếc trực thăng. Đó là sự thu xếp ngầm của Ngô Đình Nhu để bẫy Mai Hữu Xuân. Nếu Xuân đạp Mười Thương ra khỏi máy bay, có thể ai đó sẽ đạp Mai Hữu Xuân ngay rồi thu xếp cho báo giới rằng đó là tai nạn. Nhưng Mai Hữu Xuân hoàn toàn không biết lời khai của Mười Thương có dính đến y nên vẫn vô tư cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ áp tải. Và sự vô tư của Mai Hữu Xuân đã khiến Ngô Đình Nhu muốn xác định rõ lại lời khai của Mười Thương. Có nghĩa là Mười Thương phải chịu đòn tra tấn nhiều hơn.
Suốt 33 ngày liên tục nhận những đòn tra tấn tàn bạo nhất của những tên đồ tể chuyên nghiệp, ông chết đi sống lại nhiều lần. Trong khi nhận những trận đòn tra tấn, ông tự hệ thống lời khai cho mình bằng câu thuộc lòng: "Tập đoàn Mai - Dương - Nguyễn bên trong, cấu kết với tập đoàn Hinh - Tâm - Hữu bên ngoài, sử dụng mặt trận Cao - Thiên - Hòa - Bình tổ chức giết Ngô Đình Diệm, lật đổ chính quyền thân Mỹ, lập lại chính quyền thân Pháp ở miền Nam. Người chỉ huy trực tiếp là Thiếu tướng Cao Đài Nguyễn Văn Mạnh và Đại tá Cao Đài Nguyễn Văn Đờn".
Điều mà lịch sử đáng ghi nhận trong lời khai này là, khi giao nhiệm vụ, ông Mai Chí Thọ chỉ nêu mục tiêu ly gián cụ thể là Mai Hữu Xuân. Nếu người thực hiện không am tường tình hình chính trị địch - ta thì mức độ ly gián chỉ "giết" được duy nhất Mai Hữu Xuân. Nhưng ông Mười Thương là người rất am hiểu tình hình nội bộ Cao Đài, nội tình trong chính phủ Ngô Đình Diệm và sự tranh chấp chính trị của hai đồng minh Mỹ - Pháp tại Việt Nam nên ông đã chủ động mở rộng "tầm sát thương" của lời khai ly gián. Ngay khi mấp mé ở bờ vực tử thần, ông cũng biết tận dụng hiểu biết của mình và tình thế để đánh địch bằng lời khai.
Từ lời khai này mà ngay sau đó, Diệm đã ngầm tước quyền bính của những nhân vật có tên. Mai Hữu Xuân phải rời bỏ quyền lực Tổng giám đốc Nha An ninh Quân đội đi nhận nhiệm vụ đại sứ ở Philippines; "Người hùng rừng Sác" Dương Văn Minh đang là Tư lệnh Biệt khu Thủ đô kiêm Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định, đang chỉ huy hàng vạn binh lính bị đổi thành sĩ quan cạo giấy với chức vụ thật kêu là Tổng thư ký Bộ Quốc phòng nhưng không còn tý quyền lực nào; Luật sư Nguyễn Hữu Châu - anh rể của "Rồng cái Đông Dương" Trần Lệ Xuân được vợ là Trần Lệ Chi mật báo nguy hiểm, đã phải rời bỏ chức vụ Bộ trưởng Phủ tổng thống đào thoát sang Campuchia rồi vọt thẳng qua Pháp tá túc không dám quay về nước.
Các lực lượng công chức cao cấp thân Pháp trong chính quyền Diệm bắt đầu nhìn thấy cái ngụy quân tử của Diệm. Những mâu thuẫn này được nuôi dưỡng âm ỉ, dần trở thành một làn sóng ngầm chờ dịp lật đổ Diệm. Từ vế thứ hai của lời khai, chính quyền Mỹ đã từ bỏ ý định tạo chất xúc tác để cuộc đảo chính năm 1960 thành công nhằm xây dựng chính quyền liên tôn giáo đang được Pháp hậu thuẫn. Những công thần thuộc các giáo phái lần lượt bị Diệm - Nhu ám sát, thủ tiêu bí mật hoặc bị tước hết quyền đuổi về nhà chăn gà cho vợ.
Bị mất hết quyền bính, 2 viên đại công thần Xuân, Minh nuôi lòng hận thù Diệm. Lòng hận thù đó gặp chất xúc tác chính trị của Mỹ đã tạo thành cuộc đảo chính năm 1963, góp phần tạo động lực khiến anh em Diệm - Nhu bị sát hại trong chiếc xe bọc thép định mệnh.
Nhận định về giá trị của phát súng và lời khai đó đối với lịch sử của đất nước, năm 1992, tại TP HCM, Viện Khoa học Lịch sử Bộ Công an và một số tướng lĩnh nguyên lãnh đạo Ban Địch tình Xứ ủy như đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Trần Quốc Hương, Ngô Quang Nghĩa, Nguyễn Thành Dương đã tổ chức kết luận: "Viên đạn nóng diệt Diệm tại Ban Mê Thuột tuy không trúng Diệm nhưng có tác dụng làm phát pháo kích thích phong trào quần chúng đấu tranh chống Mỹ - Diệm sau một thời gian trầm lắng. Tác dụng của lời khai đã tạo thành kết quả, dẫn đến nội bộ địch mâu thuẫn kéo dài tạo cơ hội nổ ra cuộc đảo chính và Diệm - Nhu bị giết chết, đầu não của ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam bị khủng hoảng tạo lợi thế cho phong trào cách mạng, góp phần dẫn đến thắng lợi 1975, thống nhất đất nước".
(Còn tiếp)
Nông Huyền Sơn (An Ninh Thế Giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.