Vì sao Ngô Đình Diệm cho ném bom tàu chở tù ra Côn Đảo?

Thứ sáu, ngày 08/11/2019 06:30 AM (GMT+7)
Với phi vụ mật ném bom tàu chở tù nhân, Diệm sẽ xóa sổ được những kẻ dám chống lại mình. Lòng biển sâu sẽ nhấn chìm bí mật tội ác ấy.
Bình luận 0

Sau sự kiện ám sát hụt Ngô Đình Diệm tại Hội chợ Kinh tế Thương mại Cao nguyên diễn ra tại Buôn Ma Thuột vào ngày 22/2/1957 khiến dư luận thế giới xôn xao, ông Hà Minh Trí bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa di lý về Sài Gòn biệt giam, tra tấn, khảo cung suốt 3 năm liền. Năm 1960, ông bị chính quyền nhà Ngô đẩy ra một phiên tòa gọi là "tòa án binh" xét xử bí mật. Kết thúc phiên tòa không án văn, ông bị kết án miệng: Tử hình.

Dù mang án tử nhưng ông không có số hiệu tử tội và cũng không bị hành quyết. Chính quyền Ngô Đình Diệm bí mật đưa ông lên một chuyến tàu chở tù ra Côn Đảo cùng với những tù nhân chính trị khác. Ít ai ngờ, trong hải trình của chuyến tàu đó đã xảy ra một chi tiết lịch sử chứng minh sự tàn độc vô bờ bến của anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Chuyến tàu đó có phiên hiệu là Hàn Giang 401 thuộc lực lượng Hải vận hạm Việt Nam Cộng hòa I.

Phiên tòa bí mật trong Văn phòng Tổng nha Cảnh sát

Theo luật Việt Nam Cộng hòa, tất cả những người tù đều phải có số "phích". Tử tù cũng không ngoại lệ. Thời Ngô Đình Diệm, hầu hết tử tù đều được đẩy ra Côn Đảo thi hành án tử, trừ những trường hợp mang tính răn đe cộng đồng.

Tuy cũng bày biện nhiều bộ luật nhưng Ngô Đình Diệm vẫn tổ chức nhiều cơ quan phi luật, trong đó có cơ quan mật vụ và những phiên tòa quân sự được gọi là "tòa án binh". Tòa án binh là một công cụ xét xử những tội danh dành cho giới quân nhân của chế độ. Đa phần những phiên tòa này không dựa trên nền tảng luật pháp công bố mà chỉ dựa vào cảm tính của hội đồng xét xử và có quyền giữ bí mật hoàn toàn.

img

 Mười Thương bị bắt sau phát súng ám sát Ngô Đình Diệm.

Một ngày cuối năm 1960, khi đang bị biệt giam, ông Hà Minh Trí (tức Anh hùng LLVTND Đại tá Phan Văn Điền - Mười Thương) bị đám cảnh sát dẫn giải đến văn phòng của Nguyễn Văn Hay - Phó Giám đốc Tổng nha Cảnh sát, phụ trách chính trị, tư tưởng, tòa án. Ông nhớ lại: "Khi tôi đến thì thấy có mặt đầy đủ bộ sậu của Tổng nha Cảnh sát gồm Đại tá Nguyễn Văn Y - Giám đốc Tổng nha Cảnh sát kiêm Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo; Nguyễn Văn Hay; Bùi Văn Nhu - Phó giám đốc Tổng nha Cảnh sát phụ trách phản gián, ám sát tiêu diệt đối lập.

Ngoài ra còn có 2 người mặc sắc phục quân đội mà tôi không biết tên. Một người mang lon đại tá, một người mang lon thiếu tá. Viên đại tá cao ráo nhưng hói. Viên thiếu tá thì lùn tịt. Tất cả chúng đều mang gương mặt lạnh và khó hiểu. Cảnh sát áp giải đẩy tôi vào góc tường đứng đối diện dãy bàn chúng đang ngồi".

Sau này, ông Mười Thương mới biết viên đại tá tên là Khoa - Chánh án phiên tòa và viên thiếu tá lùn tên Đức - Công tố viên phiên tòa.

Ông vừa vào vị trí thì viên đại tá hỏi luôn:

- Tại sao anh giết Tổng thống?

- Ngô Đình Diệm là người tàn sát tôn giáo. Diệm bắt giáo chủ chúng tôi phải lưu vong ra nước ngoài. Diệm còn dụ dỗ tướng quân chúng tôi là Trình Minh Thế về với Quân đội quốc gia rồi ám sát. Vì vậy tôi phải "sát linh miêu cứu vạn thử".

- Sau khi hành động, biết Tổng thống không chết, anh có hối tiếc không?

 Nghe câu hỏi này, ông Mười Thương ngờ ngợ đó là cái bẫy để buộc tội, ông cẩn thận trả lời:

- Kể từ ngày bị bắt cho đến 1 tháng, 3 ngày sau tôi bị tra tấn liên tục suốt ngày lẫn đêm nên không còn tâm trí suy nghĩ điều đó.

Cách trả lời của ông còn mang hàm ý buộc tội tra tấn, bức cung tù nhân của chúng.

Viên đại tá lại hỏi:

- Anh có vợ con chưa?

Tiếng trả lời "chưa" của ông vừa thoát khỏi miệng thì viên đại tá ra lệnh đưa ông trở lại phòng giam.

Phiên tòa đặc biệt chỉ xảy ra nhanh gọn như thế. Chánh án hỏi 3 câu là kết thúc phiên tòa, không tranh luận, bào chữa hay tuyên án gì cả.

Tử tù không số và hành vi lạ của chiếc phản lực cơ

Đầu tháng 10/1960, bọn chúng đưa ông Mười Thương sang khám Chí Hòa giam ở khu A1 - Là nơi giam giữ tù nhân mang án đặc biệt từ chung thân đến tử hình. Ông bị giam ở dãy phòng tù nhân tử hình theo Luật 10/59 gồm 40 người và 1 tên cướp.

Ngày 5/10/1963, tù nhân Chí Hòa xôn xao vì có tin chuyển một số tù nhân "nguy hiểm đi đảo". Cai ngục tập hợp tù nhân ra sân điểm số những người đi đảo. Trong đó có đủ mặt 40 tù nhân tử hình theo Luật 10/59 và 1 tên cướp. Ông Mười Thương không có tên trong số này. Tuy vậy, chúng vẫn gọi ông ra.

Buổi chiều ngày đó, chiếc tàu vận tải hải quân mang mã hiệu Hàn Giang 401 rời bến Sài Gòn tiến ra biển Đông, nhắm hướng Côn Đảo trực chỉ. Trên chuyến tàu tù tội này có 400 tù nhân. Trong đó có 300 tù nhân Cộng sản. Tài liệu của Việt Nam Cộng hòa công bố có 216 người thuộc "phe Việt Nam Cộng hòa" đã từng tham gia đảo chính Diệm ngày 11/11/1960 và nhóm "nghị sĩ Caraven" như: Thiếu tá Phan Trọng Chinh, các nghị sĩ: Phan Khắc Sửu, bác sĩ Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh...

img

 Tàu Hàn Giang 401 - Chiếc tàu tử thần chở tù ra Côn Đảo ngày 5/10/1963.

Khi lên tàu, nhóm tù thuộc "phe Việt Nam Cộng hòa" được các sĩ quan hải quân áp giải trọng đãi, cho lên boong ngắm trời mây. Khi tàu rời bến vài giờ, đang ở giữa biển khơi, đột ngột "phe Việt Nam Cộng hòa" phát hiện một chiếc máy bay Skyraider Buno số hiệu U-34565 (loại khu trục ném bom) xuất hiện ngay trên đầu đảo một vòng. Mọi người nói vui: "Diệm cho máy bay hộ tống tù nhân ra Côn Đảo". Bỗng chiếc máy bay bật đèn tín hiệu. Trên tàu có nhiều sĩ quan cao cấp "phe Việt Nam Cộng hòa" nhận ra, đó là tín hiệu ném bom. Mọi người đang lo lắng thì chiếc máy bay đảo 3 vòng để  "chào" rồi chuyển hướng về phía Campuchia bay mất dạng.

Khi tàu đến Côn Đảo, viên giám thị ra điểm số đón nhận tù nhân. Những tù nhân lần lượt được kêu số rời tàu. Ông Mười Thương là người cuối cùng còn lại trên tàu. Viên giám thị ngạc nhiên: "Ủa. Sao anh không có tên trong danh sách này?". Hắn chạy vô văn phòng chúa đảo, lát sau trở ra nói: “Thì ra anh là người dám bắn Tổng thống. Anh được dẫn giải bằng công điện chứ không có lệnh. Thôi, vô chuồng cọp".

Ông Mười Thương và những tù nhân trên chuyến tàu hải vận đặc biệt đó thắc mắc hoài về chuyện chiếc máy bay ném bom chào mình trên không nhưng không ai có lời giải chính xác.

Sự thật khủng khiếp về chuyến hải trình tử thần

Hơn một tháng sau, ngày 1/11/1963, Ngô Đình Diệm bị các quân nhân của ông ta đảo chính và giết chết. Chế độ Ngô Đình Diệm bị xóa sổ. Lúc 15h35 ngày 16/11/1963, sân bay Tân Sơn Nhất đón một chiếc máy bay từ Campuchia sang. Đó là chuyến bay chở những sĩ quan đã từng bị Diệm truy sát đào thoát sang Campuchia trở về. Trong đó có Đại úy Huỳnh Minh Đường - viên phi công lái chiếc máy bay Skyraider Buno số hiệu U-34565 bay "chào" những tù nhân trên chuyến tàu ra Côn Đảo ngày 5/10/1963.

Chính viên phi công này đã kể lại sự thật khủng khiếp về nhiệm vụ chuyến phi hành đó cho báo giới Sài Gòn. Thời điểm đó, do Sài Gòn liên tục xảy ra biến động chính trị nên câu chuyện của Đại úy Huỳnh Minh Đường chìm lỉm dưới hàng trăm tin tức sôi động khác.

Đại úy Không quân Huỳnh Minh Đường trước khi đào thoát sang Campuchia thuộc đơn vị Phi đội 514, Phi đoàn 1 Khu trục cơ cho biết, chiều ngày 5/10/1963, ông bất ngờ nhận 2 phong bì có đóng dấu tuyệt mật của Phủ Tổng thống. Một phong bì chứa mật lệnh thực hiện một phi vụ đặc biệt có chữ ký của Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến - Giám đốc Cơ quan Mật vụ có tên gọi là Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Phủ Tổng thống và 1 sự vụ lệnh đặc biệt để lực lượng Không quân trang bị một cơ số bom và cấp lệnh phi trình bay về hướng biển Đông.

Phong bì thứ 2 được chỉ thị là sau khi máy bay cất cánh mới được mở. Sau khi máy bay mang bom rời đường băng Tân Sơn Nhất, ông Đường nhận được lệnh của hoa tiêu mặt đất điều khiển bay yêu cầu chuyển tần số liên lạc sang Phủ Tổng thống. Mã tần số nằm trong phong bì thứ 2.

Khi kết nối vào tần số liên lạc đặc biệt của Phủ Tổng thống, ông Đường nhận được một chỉ thị lạnh lùng: "Ném bom đánh đắm chiếc vận tải hạm hải quân mang mã hiệu Hàn Giang 401 đang trên hải trình chở tù nhân chính trị chống đối chế độ đi Côn Đảo. Nếu hoàn thành nhiệm vụ sẽ được thưởng 1 triệu đồng và thăng hàm thiếu tá".

Viên đại úy phi công lạnh gáy khi nhận được chỉ thị này. Thời điểm đó, 1 triệu đồng là rất lớn nhưng lương tri của ông mạnh mẽ hơn. Ông quyết định không ném bom, bay chào mọi người rồi đào thoát sang Campuchia. Đến Campuchia, ông xin được đáp khẩn cấp tị nạn tại sân bay Pochentong cách thủ phủ Phnôm Pênh 15 km. Ông đã hội ngộ cùng nhóm sĩ quan lưu vong Nguyễn Chánh Thi tại đó.

Đến thời Nguyễn Khánh làm "chỉnh lý" chính trị Sài Gòn, ông Huỳnh Minh Đường bị loại ngũ về nhà bán bánh mì nuôi vợ con tại nhà riêng ở Ngã Năm Bình Hòa. Năm 1966, ông bị một kẻ lạ mặt bắn chết bằng súng ngắn có nòng giảm thanh tại xe bánh mì của mình nhưng cảnh sát không điều tra.

img

 Anh hùng Mười Thương đang chăm sóc phu nhân bị bán thân bất toại.

Dư luận cho rằng, ông Đường bị mật vụ của Nguyễn Cao Kỳ ám sát để bịt kín một sự thật nào đó có liên quan đến chuyến phi hành ném bom chiếc tàu Hàn Giang 401.

Vì sao Diệm cho máy bay ném bom?

Ngay sau khi chế độ Diệm bị xóa sổ, nhiều chính trị gia Sài Gòn vẫn bán tín bán nghi về chuyện Ngô Đình Nhu ra lệnh ném bom chiếc hải vận hạm 401. Họ cho rằng, với quyền lực phi hiến, phi pháp, Nhu có quyền ban lệnh những phiên tòa chính trị tuyên án tử hình rồi đem nạn nhân ra bắn công khai chứ hà cớ chi phải ra lệnh ném bom bí mật?

Xét lại những "phần tử" trên nhiệm vụ chuyến tàu đặc biệt đó ngoài những người Cộng sản còn có những chính trị gia và sĩ quan của Việt Nam Cộng hòa chống đối Diệm.

Những sĩ quan tham gia đảo chính Diệm ngày 11/11-1960 bị tòa án quân sự đặc biệt của Diệm xét xử vào ngày 5/7/1963 và nhóm chính trị gia đối lập bị xét xử ngày 8/7/1963 đều có mặt trên chuyến tàu đày ải đó.

Trong 2 phiên tòa đó, Ngô Đình Diệm đã mời Trung tá Lê Nguyên Phu - Ủy viên Chính phủ ngồi ghế hội thẩm và Đại tá Nguyễn Văn Mầu - Giám đốc Nha Hiến binh, cũng là hội thẩm vào Phủ Tổng thống. Diệm giả nhân giả nghĩa một hồi rồi dặn: "Dù chúng (tức những người chống đối) đáng chết nhưng hãy tạo cơ hội cho chúng. Người nào trốn thoát ra nước ngoài thì kêu án tử hình. Còn người nào có mặt thì gia giảm tội. Tôi không muốn tử hình ai hết".

Quả thật 2 phiên tòa ấy, chỉ có những người vắng mặt do đào thoát ra nước ngoài mới bị kêu án tử hình. Số chủ mưu còn lại đều bị đày ra Côn Đảo. Diệm - Nhu đã đi một nước cờ nhân nghĩa khiến Trung tá Lê Nguyên Phu và Đại tá Nguyễn Văn Mầu cảm động đến rơi nước mắt. Họ đã công khai kể chi tiết "gởi gắm nhân nghĩa" của Diệm với báo chí. Một số người đã ngợi khen Diệm sống chính trực, không thù oán cá nhân.

Tuy nhiên, với phi vụ mật ném bom chiếc tàu chở tù nhân, Diệm sẽ xóa sổ được những kẻ dám chống lại ông ta. Lòng biển sâu sẽ giữ bí mật tội ác đáng kinh tởm ấy. May thay, Đại úy Huỳnh Minh Đường đã phá vỡ âm mưu thâm độc của Diệm - Nhu.

Ông Mười Thương, người dám bắn trực diện vào Ngô Đình Diệm cũng có mặt trên chuyến tàu tử hình ấy. Lúc đó, chính quyền Diệm không biết ông Mười Thương là người của phe cách mạng. Họ chỉ nghĩ ông thuộc quân đội Cao Đài. Ông không cần "phát số" tử tù vì Ngô Đình Nhu đã xếp cho ông đi trên chuyến tàu định mệnh.

PV (An ninh thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem