Hành trình trở thành tỷ phú USD của “vua thép” Trần Đình Long

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 07/03/2018 16:10 PM (GMT+7)
Sau hơn 1/4 thế kỷ xuất hiện trên thương trường, 22 năm gia nhập ngành thép, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát do ông Trần Đình Long sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT đã nắm giữ khoảng 1/4 thị phần trên thị trường thép xây dựng Việt Nam. Còn vị doanh nhân 57 tuổi này mới đây đã được tạp chí Forbes xếp vào danh sách những tỷ phú USD của thế giới.
Bình luận 0

img

Gia nhập ngành thép năm 1996 với tư cách một người mới, sau 22 năm, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long đã sở hữu 1/4 thị phần trên thị trường thép Việt Nam (Ảnh: I.T)

Danh sách tỷ phú năm 2018 do Forbes công bố mới đây ghi nhận sự xuất hiện của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát ở vị trí 1.756 thế giới với khối tài sản 1,3 tỷ USD.

Trong phần mô tả của Forbes, ông Trần Đình Long là người thành lập Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, nhà phân phối phụ tùng và thiết bị máy móc thiết bị tại Hà Nội vào năm 1992. Hiện tại, Hòa Phát đang sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng và được xem là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Còn trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trần Đình Long đang nắm giữ khoảng 381,5 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,1% cổ phần Hòa Phát. Chỉ tính riêng số cổ phiếu tỷ phú này nắm giữ trên sàn chứng khoán đã có giá trị lên tới 26.800 tỷ đồng, xấp xỉ 1,18 tỷ USD.

Từ câu nói “Biết gì về thép mà làm” tới vị trí số 1 thị trường thép Việt Nam

Ông Trần Đình Long là một doanh nhân khá kín tiếng trên thương trường, người ta thường chỉ được gặp ông mỗi năm 1 lần vào mỗi dịp Đại hội cổ đông công ty.

Ngược về khoảng thời gian cách đây 26 năm, năm 1992, ông Trần Đình Long cùng người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương (hiện là TGĐ Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát) thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát, chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về.

Song chuyện thành lập công ty đầu tiên không hề dễ dàng, phải qua phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản rồi xin giấy phép xác định nhận thân từng người.

Công ty lúc đó phải mượn nhà ông Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký, vốn pháp định, phải chứng minh vốn bằng cách đóng tiền vào ngân hàng, thậm chí đi mượn tiền người khác để đóng vào làm vốn pháp định.

img

Ông Trần Đình Long đánh cồng, đánh dấu thời điểm cổ phiếu HPG của Hòa Phát chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán (Ảnh: I.T)

Tới năm 1996, Hòa Phát bắt đầu gia nhập ngành thép bằng việc thành lập Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát. Đó là giai đoạn mà theo ông Trần Đình Long kể lại tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 là hỏi 9 người thì 10 người cho rằng Hòa Phát sẽ thất bại.

Thậm chí, tới giờ ở Hòa Phát vẫn lưu truyền câu chuyện ông Long bước vào ngành thép từ câu nhận xét phũ phàng “biết gì về thép mà làm” của một trùm buôn thép thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ XX. Khi ấy, ông Long chỉ là người mới, còn những “ông trùm” trong giới buôn thép ngày ấy đều nằm tại đất Thái Nguyên.

Nhưng ông Long và các cộng sự càng làm càng mê, Hòa Phát từ chỗ không tên tuổi đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam nhờ lấy thép làm lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

img

Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát giai đoạn 2007 - 2017 (Ảnh: I.T)

Sau hơn 1/4 thế kỷ xuất hiện trên thương trường, 22 năm gia nhập ngành thép, Hòa Phát hiện nắm giữ khoảng 1/4 thị phần trên thị trường thép xây dựng tại Việt Nam. Năm 2017, tổng sản lượng của Hòa Phát đạt 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Trong đó, thép xây dựng chiếm 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm. Hai dòng sản phẩm chủ lực của Hòa Phát là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường, với thị phần lần lượt là gần 24% và 26,4%.

Tính riêng 10 năm qua, doanh thu Hòa Phát đã tăng trưởng hơn 9 lần. Nếu năm 2007, doanh thu của công ty ở mức 5.734 tỷ đồng thì tới năm 2017 công ty đạt doanh thu trên 46.000 tỷ đồng, lợi nhuận cao kỷ lục hơn 8.000 tỷ đồng.

Những năm trước đó, doanh thu của Hòa Phát đều đạt trên 20.000 tỷ đồng và lãi ròng đều trên 3.000 tỷ.

Bên cạnh đó, Hòa Phát đang tiến hành triển khai dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư 52.000 tỉ đồng, bao gồm cả hệ thống cảng biển nước sâu cho phép thả tàu trên 100.000 tấn cập bến, vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019 với công suất 4 triệu tấn/năm.

Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), trong vòng 3 năm nữa, tức năm 2020, Hòa Phát có kế hoạch nâng doanh thu lên con số 100.327 tỷ đồng – tăng gần 200% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu từ thép xây dựng khoảng 63.500 tỷ đồng – chiếm 63%.

Ngoài ra, doanh thu từ ống thép dự kiến khoảng 18.500 tỷ đồng và doanh thu từ nông nghiệp cũng vươn lên con số 13.600 tỷ đồng.

Kế hoạch này được đặt ra dựa trên mức sản lượng thép (thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép chất lượng cao) tiêu thụ dự kiến là 5,4 triệu. Sau năm này, Hòa Phát đặt mục tiêu tăng sản lượng thép tiêu thụ lên tới 6 triệu tấn.

Đầu tư nông nghiệp làm hướng đi lâu dài

Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, ông Trần Đình Long nói mình không quá am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp vì mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này. Song một bức tranh khá rõ nét về mảng nông nghiệp của Hoà Phát ở hiện tại và tương lai đã được phác họa.

img

Vị Chủ tịch Hòa Phát xác định đầu tư nông nghiệp về lâu dài sẽ giúp công ty phải triển ổn định, bền vững (Ảnh: I.T)

Từ số vốn đầu tư ban đầu cho nông nghiệp khoảng 300 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư của Hòa Phát vào lĩnh vực nông nghiệp sau đó đã lên tới 1.400 tỷ đồng với chuỗi 3 F (Feed, Farm, Food), 4 sản phẩm chiến lược gồm thức ăn chăn nuôi, lợn, bò, gà.

Năm 2016, Hòa Phát đã hoàn thành nhà máy thức ăn chăn nuổi ở Hưng Yên với công suất 300 nghìn tấn/năm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai và chuẩn bị mặt bằng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Phú Thọ.

Về chăn nuôi lợn, Hòa Phát nhập khẩu hai đợt gồm 1.400 lợn giống cụ kị từ Đan Mạch được nuôi ở các trang trại tại Yên Bái, Bình Phước. Về chăn nuôi bò, Hòa Phát nhập khẩu bò Úc về vỗ béo.

img

Cơ cấu lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Hòa Phát (Ảnh: I.T)

Thời điểm đó, dù thu về hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2016, song riêng mảng nông nghiệp của Hòa Phát lại chịu lỗ. Lý giải điều này, Chủ tịch Trần Đình Long đã cho biết: “Ta không đặt mục tiêu lợi nhuận trước mắt, nhưng mọi việc vẫn đang triển khai đúng kế hoạch. Mong các nhà đầu tư yên tâm, bình tĩnh vì mọi việc đã nằm trong định hướng, kế hoạch, chiến lược của tập đoàn.

Đầu tư vào nông nghiệp tuy rủi ro cao nhưng cũng đi kèm với cơ hội lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch chưa bao giờ lại cao như hiện nay. Chiến lược của Hoà Phát về nông nghiệp là không nhìn trong ngắn hạn, lấy lợi nhuận của ngành trước đầu tư ngành hàng sau.

Trong ngắn hạn khoảng 3 năm tới, cổ đông chưa thể trông mong lợi nhuận thu về từ các công ty nông nghiệp. Miễn sao là Hoà Phát vẫn có lợi nhuận tốt nhất, không ảnh hướng đến lợi nhuận của nhà đầu tư, cổ đông. Tuy nhiên, đầu tư nông nghiệp về lâu dài sẽ giúp công ty phải triển ổn định, bền vững”.

Theo kế hoạch, trong năm 2018, Hòa Phát sẽ cung cấp ra thị trường trên 20 triệu trứng gà thương phẩm, gia tăng sản lượng bò Úc. Quý I.2018, lứa heo 3 máu thương phẩm đầu tiên sẽ ra mắt thị trường, đồng thời sẽ chính thức cung cấp heo giống cho thị trường Việt Nam. Mục tiêu của Hòa Phát trong 5 năm tới là bán 300 triệu quả trứng gà mỗi năm, 75 nghìn con bò thịt, 650 nghìn lợn thương phẩm và 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem