Hậu Giang: Bắt đầu vận hành thử nhà máy điện than 43.000 tỷ đồng cạnh sông Hậu

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 28/07/2020 17:25 PM (GMT+7)
Hôm nay (28/7), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã tổ chức đốt lửa lần đầu lò hơi tổ máy số 1 Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
Bình luận 0

Theo ban tổ chức, đây là cột mốc để kiểm tra chất lượng thiết bị lò hơi và toàn bộ hệ thống phụ trợ kèm theo, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để triển khai, hoàn thành công tác chạy thử và các mốc quan trọng tiếp theo của dự án.

Bắt đầu vận hành thử ở nhà máy điện than 43.000 tỷ đồng tại Hậu Giang - Ảnh 1.

Tổ chức đốt lửa lần đầu lò hơi tổ máy số 1 Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1

Sau đốt lửa lò hơi lần đầu tổ máy số 1, quán trình đốt lửa bằng dầu sẽ kéo dài trong 3 tháng với mục đích thông thổi làm sạch các đường ống sinh hơi và dẫn hơi của lò hôi, cân chỉnh các thiết bị phụ trợ (quạt gió lò hơi, bơm cấp nước, hệ thống làm mát), sẵn sàng để hướng đến các mốc đốt lửa lò hơi bằng than vào tháng 11/2020.

Sau đó dự án sẽ phát điện và hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia vào cuối năm 2020 và kế hoạch đưa nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 đi vào vận hành thương mại trong năm 2021.

Theo ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng Công ty LILAMA, nhà máy nhiệt điện đốt than là nhà máy phức tạp, có nhiều hệ thống công nghệ khác nhau với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và tính chính xác.

Do vậy, trong mỗi giai đoạn của dự án, LILAMA luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và tuân thủ 1 cách nghiêm ngặt quy trình quản lý chất lượng theo đúng các quy định, thông tư của cơ quan chuyên môn nhà nước.

Bắt đầu vận hành thử ở nhà máy điện than 43.000 tỷ đồng tại Hậu Giang - Ảnh 2.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1

Tại sự kiện này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nhà máy nằm trong quy hoạch chung của Trung tâm điện lực sông Hậu do PVN là chủ đầu tư với quy mô công suất 1.200 MW.

"Dự án nằm ven bờ sông Hậu, cách TP.Cần Thơ khoảng 12 km, được xây dựng trên diện tích 115 ha với tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng" - ông Tuấn của UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.

Về công nghệ, báo cáo của Ban tổ chức cho thấy, lò hơi kiểu lò than phun thông số siêu tới hạn, trực lưu, đốt trực tiếp, quá nhiệt trung gian 1 lần.

Liên quan đến dự án trên, ông Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, rất khó đánh giá được chính xác nguy cơ của nhiệt điện than đối với môi trường xung quanh do không có hồ sơ dự báo phát thải.

Theo ông Tuấn, trường hợp dự án sử dụng công nghệ đốt tốt nhất hiện nay, nó sẽ giúp đốt than được triệt để và sẽ giúp hạn chế được lượng tro bay phát sinh ra môi trường. Tuy nhiên, sự phát thải khí Co2 vẫn gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, việc lấy nước làm mát cho quá trình vận hành của dự án nhiệt điện than, nếu xả ra môi trường chắc chắn có sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, sản xuất và sức khỏe người dân.

Bởi nước sau khi xả ra môi trường chắc chắn không phải là nước tốt cho các sinh vật vì nước qua đó rồi bởi gần như không còn gì trong đó, trong khi sinh vật sống cần chất phù sa lơ lửng.

Ở khía cạnh khác, chất lượng than nguyên liệu đầu vào tốt hay xấu cũng có ảnh hưởng khá lớn đến việc phát thải ô nhiễm ra môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem