Hậu nhà máy thủy điện: Đợi chờ trong vô vọng

Thứ bảy, ngày 05/11/2011 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều ý kiến cho rằng dân ở khu tái định cư Đăk Plao (Đăk GLong, Đăk Nông) vẫn sống ổn, vì có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu tiền đền bù, có hỗ trợ của chính quyền. Song dường như những ý kiến đó có phần chủ quan...
Bình luận 0

Cận kề cái đói

Còn hơn nửa ngày nữa chồng mới đi làm về, nhưng bà HLôi (thôn 3) cùng đứa con đã ra cửa ngồi ngóng. Chồng bà về sẽ có tiền mua cái gì đó cho cả nhà. Xô gạo nhà bà còn chừng hơn chục ký nữa và nó sẽ cạn trong vài ngày tới nếu chồng bà không kiếm được tiền.

img
Sau một năm, khu tái định cư Thủy điện Đồng Nai 3, màu xanh vẫn rất hiếm hoi.

Nhà bà có 1 sào lúa, xa tít trong chỗ ở cũ, nhưng chưa đến lúc gặt. Mà có gặt số lúa này về thì 6 miệng ăn trong nhà bà cũng chỉ cầm cự được vài bữa. Hồi lên đây, nhà bà được bồi thường 15 triệu đồng với ngôi nhà cùng một “cục” tiền hỗ trợ trong cả 3 năm. 6 tháng nay, số tiền đó đã cạn kiệt.

“Xin người ta đi làm thuê nhưng bữa trúng bữa trật, công xá cũng chẳng đáng là bao. Sống qua ngày vậy thôi”- bà HLôi than thở.

Gần nhà bà HLôi, nhà ông KChép - nhà ông KNgó, ông KLa, bà HBoh cũng chung hoàn cảnh. Bà HBoh kể, mấy tháng nay, ngày nào bà cũng vác cuốc ra sau vườn sạt cỏ. Làm cho đỡ buồn chân tay, chứ miếng đất bé tẹo như cái bàn tay… Nhà bà còn khoảng 5 kg gạo nữa, hết chỗ gạo này chưa biết phải làm sao.

Thông tin từ một số cán bộ xã cho hay, hiện có khoảng 50% dân trong xã đã cạn tiền. Trên thực tế, nếu biết cách chi tiêu thì không đến nỗi như thế. Cái quan trọng là suy nghĩ của người dân “cạn” lắm nên nhiều người sau khi nhận một cục tiền đã mua sắm nhiều thứ đắt tiền. Thêm vào đó, việc chậm được cấp đất, không có việc làm đã nảy sinh ra những cuộc nhậu triền miên.

“Miệng ăn núi lở, bao nhiêu mà chẳng hết”- ông KKlăm - Chủ tịch MTTQ xã cho biết. Cũng theo ông KKlăm, khi trả tiền cho dân, chính quyền cũng đã tuyên truyền, chỉ bảo cho người dân cách tiêu tiền hiệu quả.

Có điều tiêu như nào cho hiệu quả? Mua rẫy thì không đủ, gửi ngân hàng thì chẳng đáng là bao. Trong khi đó, nợ nần ai cũng đòi. Hồi ở chỗ cũ, nợ dăm bữa thậm chí cả năm, chẳng ai nói gì, chứ giờ có tiền gửi ngân hàng, đi mua nợ đâu có dễ? Mà đâu chỉ có ăn, còn bệnh tật, rồi hàng trăm thứ khác không thể không có tiền.

Ở khu tái định cư, hiện nay người dân tại các thôn 4,5 đã nhận được đất sản xuất. Chỗ ấy là những quả đồi cao chót vót. Ở đấy hiện người dân đã trồng mì, bo bo, và cả lúa. Tuy nhiên, theo ông KTộc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, mùa đầu đất còn có ít tro, cây mì còn phát triển, chứ mùa sau thì chẳng ăn thua. Đất ấy xấu lắm, lại dốc nên chẳng mấy chốc sẽ bạc màu.

Thông tin từ phía huyện, hiện nay đã quy hoạch được 4.905ha đất sản xuất cho dân. Hồ sơ thẩm định đất sẽ hoàn thành và trình HĐND tỉnh vào cuối tháng 12 năm nay. Số đất này nếu đem chia đều cho dân thì mỗi hộ có đến gần 10ha, sống ổn. Song xem ra, chuyện này cũng “dây dưa” lắm.

Trên thực tế diện tích này đã quy hoạch từ rất lâu rồi, nhưng vướng nhiều thứ, nên đến giờ vẫn đang còn là “kế hoạch”. Trong khi đó, chuyện dân thiếu đất sản xuất là không thể phủ nhận. Ông Lê Diễn - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, cũng thừa nhận với chúng tôi rằng, vấn đề căng nhất vẫn là đất sản xuất cho dân.

Món nợ xấu

Từ ngày Thủy điện Đồng Nai 3 đóng điện, việc liên lạc với ban quản lý khó khăn vô cùng. Ông Hiệp bức xúc, trong khi bao vấn đề chưa giải quyết xong, dân liên tục “làm khó” huyện thì phía chủ đầu tư lại cố tình lảng tránh. Nhiều lần huyện liên lạc để giải quyết dứt điểm 26 tỷ đồng mà họ nợ dân nhưng rất khó gặp.

Ông Hiệp cũng tiết lộ, ngay như Trung tâm Phát triển quỹ đất phải thuê người đi đo đạc cho họ, nhưng đến nay, 2 tỷ đồng tiền công vẫn không được trả, mà đi đòi thì chẳng biết tìm ở đâu.

Ở Đăk Plao, dân đi xe xịn đếm không xuể, có nhà bỏ hẳn 70 triệu đồng mua xe về để… ngắm. Hồi dân mới về đây, các cửa hàng xe máy, điện thoại… làm ăn rất khá giả. Nhưng sau một năm, thì bắt đầu đến thời của dịch vụ cầm đồ.

Ông Lê Diễn, cũng thừa nhận tình trạng “dây dưa”, của Ban 6 (đơn vị chủ đầu tư Thủy điện Đồng Nai 3). Trong khi đó, theo phản ánh của người dân, không hiểu lý do gì mà chủ đầu tư quay lại đòi tiền họ. Ông Trần Đức Tiến - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, khẳng định, chuyện này là thật hoàn toàn. Bởi ngay bản thân ông cũng mất 100 triệu đồng mà không rõ lý do.

Ông Hiệp tính, sắp tới, khi Ban 6 xin ngăn dòng Thủy điện Đồng Nai 4, sẽ đề xuất “giữ chân” họ lại. Bao giờ giải quyết xong các vấn đề ở Thủy điện Đồng Nai 3 mới cho làm tiếp Đồng Nai 4. Nhưng theo ông Đàm Quang Trung, thì việc này cũng khó, vì chủ trương của trên vẫn phải chấp hành, dù biết khi mọi việc xong xuôi, chủ đầu tư đã bỏ đi, sẽ rất khó gặp được.

Vậy là xem ra, “món nợ” của chủ đầu tư, không chỉ tiền mà hàng loạt thứ khác, sẽ rất khó đòi. “Tất cả hậu quả cuối cùng huyện phải gánh chịu”- ông Hiệp thở dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem