Hậu nhà máy thủy điện: ”Phố” định cư ngắc ngoải

Thứ sáu, ngày 04/11/2011 19:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôi đã nhiều lần đến Khu tái định cư Thủy điện Đồng Nai 3 (Đăk Plao, Đăk Glong, Đăk Nông) nhưng mỗi lần đến lại thấy nhiều sự thay đổi. Có điều sự thay đổi ấy là sự tụt hậu, là cái không gian ảm đạm ngày càng thêm ảm đạm...
Bình luận 0

Nhà “phố” bỏ hoang

Từ xa nhìn lại, Khu tái định cư Thủy điện Đồng Nai 3 như một khu phố sầm uất. Ở đó, nhà cửa san sát và dường như nó được “đặt” một cách ngẫu hứng ở bất kỳ chỗ nào có thể trên các ngọn đồi. Nhưng chỉ cần dừng lại, hỏi bất cứ ai cũng sẽ nhận được những lời than thở.

img
Hơn 40 ngôi nhà ở “phố” tái định cư bị bỏ hoang, và con số này có thể tăng thêm trong nay mai.

Mấy tháng nay, bà Triều Thị Liên, ở thôn 4, dẫn 2 đứa con lên hội trường thôn để ở. Bà đã gắng, đã cố kiên nhẫn nhưng cuối cùng cũng không thể không bỏ ngôi nhà tái định cư. Từ ngôi nhà cũ của bà nhìn lên đường nhựa cảm giác như đứng dưới đất nhìn lên trụ ăng ten của ngành viễn thông.

Cứ mỗi lần mưa xuống, đất đá, cùng hàng trăm thứ dơ bẩn khác của những nhà bên trên xối xuống ầm ầm, theo cửa sau trôi thẳng vào nhà. “Sợ nhất là mưa đêm, nước mưa giội ầm ầm như muốn dỡ nhà đi. Tôi đã phản ánh, họ hứa sẽ sửa nhưng chờ hoài chẳng thấy. Hết cách, tôi đánh liều dọn lên đây”.

Ông Hoàng Văn Lập cạnh nhà cũ của bà Liên, mấy tháng trước cũng phải ra huyện thuê nhà để “chạy lũ”. Hết mùa mưa, về lại, vợ chồng ông phải hì hục cả ngày mới dọn hết đống bùn đất trong nhà. Không chỉ ông Lập, bà Liên mà hàng chục ngôi nhà nằm dưới mặt đường đều chung hoàn cảnh như vậy. Người ta cũng thiết kế mương thoát, nhưng chỉ để… cho có chứ chẳng tác dụng mấy. Từ mùa mưa năm trước, tình trạng này đã xảy ra, dân đã rầm rộ phản ánh. Nghe đâu phía chủ đầu tư cũng có đến sửa, nhưng chỉ làm “lẹt quẹt” rồi đi, chẳng cải thiện được gì.

Ông Hà Xuân Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glong, thừa nhận sự cẩu thả của chủ đầu tư trong việc xây dựng nhà cửa. “Trước đây khi còn nằm trong tổ giám sát, tôi đã làm rất căng nên họ sửa chữa nhiều rồi đấy”- ông Hiệp nói.

Mưa uống giọt, nắng uống hố sình

Mới nắng có mấy hôm mà nhà bà HBoh (thôn 3) đã phải khốn cùng với cái nước. Chẳng biết nước tắc chỗ nào mà từ tháng 3 năm ngoái đến giờ, bà mở vòi nước máy cả ngày mà không hứng được lấy một giọt. Từ nhà bà HBoh xuống chỗ vũng sình nơi bà múc nước về dùng, nếu căng vuông góc thì chỉ cách vài trăm bước chân. Nhưng để tụt xuống đó rồi cõng nước lên bà phải mất hơn nửa ngày mới xách đủ nước dùng trong ngày.

“Ai cũng như mình thôi mà! Khổ cũng phải chịu chớ làm sao, chạy đi đâu được nữa”- bà HBoh xem cái khổ của mình như một chuyện đương nhiên. Nghe nói đến “chuyện khổ”, bà HLôi ghé lại phản ánh: “Nước dưới sình đục lắm, nhưng không dùng thì chết khát à?”. Chỗ bà HBoh, nhà nào có tiền thì mua nước về dùng. Mỗi bồn nước chừng 2m3 có giá 50.000 đồng.

Ông KTộc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, than vãn: “Thấy dân khổ mà mình chẳng biết làm sao. Đâu chỉ một hai hộ, mà cả xã có đến 80% dân thiếu nước sạch. Nước mưa còn tạm ổn, chứ nước dưới sình thì đủ thứ dơ bẩn dồn xuống đó. Dân đã đào, khoan giếng nhưng vô vọng. Nhà nào may mắn thì khoan trúng nước, không may thì khoan cả chục lần cũng chịu”.

Chỉ cần dạo xe trên đường cũng có thể dễ dàng cảm nhận sự xơ xác của “phố” định cư. Khắp nơi, tường rào, cổng ngõ gãy đổ ngả nghiêng. Cùng với cái không gian trơ trọi cây xanh, “phố” định cư “bụi bặm” đến…nao lòng.

Qua khảo sát, chúng tôi phát hiện rất nhiều nơi ống dẫn nước lộ thiên bị gãy vụn do sạt lở sau các trận mưa. Đây chỉ là một trong rất nhiều lý do khiến dân không được dùng nước sạch dù có công trình xây dựng rất “hoành tráng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, ông Lê Diễn cho biết, chuyện này tỉnh đã biết, đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục nhưng họ cứ lảng tránh. Vừa rồi tỉnh đã phải bỏ tiền ngân sách để đầu tư xây dựng thêm công trình nước sạch cho bà con. Nhiều cán bộ xã xác nhận chuyện này. Tuy nhiên theo họ, tác dụng của các công trình này chẳng đáng kể, dân vẫn “khát”, thậm chí còn “khát” nặng hơn.

Theo ông Hiệp - Phó Chủ tịch huyện Đăk GLong, thì huyện đang tính ngăn một cái đập cho bà con có nước để dùng… Nói chung, chính quyền khá lo lắng cho dân. Có điều chẳng biết đến bao giờ, dân mới hết ngắc ngoải.

Bài 3: Đợi chờ trong vô vọng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem