Xưa nay, hạt gạo vẫn quyết định được vận mệnh cho các quốc gia. Thiếu ăn là tiêu tan hết. Vì vậy, vai trò của sản xuất nông nghiệp rất được đề cao. Tuy vậy, nếu nông dân không nhạy cảm và đổi mới thì rất có thể bà con mình sẽ rơi vào thế bị động, thế thua trên ván bài thương trường hiện nay.
Xung quanh ta, các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá vù vù. Thế bí, nếu nông dân cũng tăng giá thóc, giá gạo lên thì thành phố có chịu được không? Điều này hình như chưa ai nghĩ tới. Nếu thực sự lo cho nông dân thì chỉ có 2 cách, một là, giữ để nông dân không bị giá cao đè lên; hai là, cho nông dân tăng giá nông sản lên tương xứng! Tôi không phải là Thủ tướng nên tôi không thể can thiệp vào chuyện này. Vì vậy, xin mách cho bà con cách khác.
Tôi nhớ hôm Tết, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nêu ra một ý rất hay, đại khái là, bây giờ ta phải đưa ra các loại hàng hoá chất lượng cao để thu được nhiều tiền (chứ không sản xuất các loại hàng rẻ tiền nữa). Điều này, nông dân có làm được không? Theo tôi là được. Riêng về góc độ sinh học, chúng ta còn tiềm năng rất lớn. Hàng loạt các loại cây con có giá trị cao đang lần lượt được chúng ta đưa vào sản xuất. Các gia đình đi tiên phong trong lĩnh vực này đã chứng minh rằng, họ gồng mình được trong cơn bão giá.
Nếu bây giờ ta lại tích cực áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất thì sản phẩm của chúng ta đủ sức cạnh tranh trên thế giới. Cái gì mà xuất khẩu được thì đều ăn tiền! Sao bà con mình không nghĩ tới chặng đường này?!
Đã có rất nhiều tấm gương nông dân tự vươn lên, tự mày mò, tự tìm đến với khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất. Họ đã trở thành tỷ phú. Vì vậy, nên lúc này, từng gia đình cần bàn bạc với nhau để quyết tâm tìm thêm một nghề mới. Bộ sách “100 nghề cho nông dân” của chúng tôi có thể hỗ trợ phần nào cho bà con.
Hãy đọc sách để tìm ra lối thoát.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.