Ngay sau đó, phía Công ty Công viên Cây xanh đã cho báo chí “mục sở thị” kho tập kết gỗ và khẳng định: “Công ty không được phép bán bất kỳ cây nào ra ngoài khi chưa tổ chức đấu giá. Thông thường sau khi đưa gỗ về kho khoảng 3 tháng, Công ty sẽ báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu công ty đấu thầu, công ty này đứng ra thông báo đến các tổ chức, cá nhân muốn mua gỗ, củi đến đấu thầu. Tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách”.
Việc bán đấu giá gỗ và nộp vào ngân sách Nhà nước là thỏa đáng. Tuy nhiên những súc gỗ từ những cây bị chặt nếu được dùng vào một “dự án nghệ thuật” nó sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.
Hơn 500 cây xanh gắn bó với Hà Nội đã bị chặt bởi một đề án gây tranh cãi, vì người ta cho rằng, không đáng phải chặt nhiều đến thế. Tôi nghĩ rằng kể cả khi bán đấu giá công khai thì cũng không thể bù đắp được những mất mát cho Hà Nội.
Vì thế, ta hãy giữ nguyên những súc gỗ ấy, tổ chức các trại sáng tác điêu khắc để biến những thân cây ấy thành các tác phẩm nghệ thuật vì môi trường, vì Hà Nội…
Điêu khắc gỗ của chúng ta, cả dân gian lẫn hiện đại đều giàu bản sắc với nhiều nghệ sỹ tài ba. Ngoài việc sáng tác ra những tác phẩm lớn để trưng bày thành vườn tượng hoặc đặt ở các nơi trang trọng (trong đó có Bảo tàng Hà Nội), các nhà điêu khắc, các sinh viên mỹ thuật... có thể tận dụng thân, cành cây để đục đẽo thành những bức tượng nhỏ xinh làm quà tặng cho người Hà Nội, để ghi nhớ về những cây xanh đã toả bóng mát trên đầu mình một thời. Tôi tin rằng dòng sản phẩm này, cho dù chủng loại gỗ có thể không thực sự phù hợp với việc làm tượng, nhưng sẽ được công chúng đón nhận. Nó sẽ mang thông điệp về môi trường và về xã hội...
Bằng cách đó, những cây xanh Hà Nội bị đốn ngã hôm nay hoặc sau này bị đổ xuống do gió bão, sâu mục… sẽ không chết đi một cách vô ích sau khi đã tận tụy phục vụ cho môi trường Hà Nội. Nó được tái sinh trong nghệ thuật và nghệ thuật đó khắc sâu mãi vào lòng người.
(Theo Thể thao & Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.