Sau khi hoàn tất chuyển tiền, ngày 6/11 vừa qua, Keb Hana (Hàn Quốc) đã chính thức trở thành cổ đông lớn của BIDV, chốt thương vụ kỷ lục trong ngành ngân hàng với giá trị hơn 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một thương vụ có giá trị cao không kém cũng đang được thị trường ngóng đợi, đó là thương vụ “đại gia” Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài, dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nếu tính theo giá thị trường của cổ phiếu Vietcombank hiện nay, 6,5% cổ phần của Vietcombank tương ứng khoảng 1 tỷ USD.
Đại diện Vietcombank cho hay, việc chào bán hiện nay khá thuận lợi vì có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm muốn mua. Bởi lẽ, Vietcombank là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam (Big 4), luôn dẫn đầu lợi nhuận với con số lên đến chục ngàn tỷ đồng và dự kiến trở thành ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên cán mốc lợi nhuận tỷ USD vào cuối năm nay.
M&A ngân hàng nóng trở lại
Ngoài thương vụ chờ đợi nêu trên, nguồn tin từ Bloomberg cho biết, MBBank đang làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc… để chào bán riêng lẻ 7,5% vốn, tham vọng thu về 240 triệu USD.
Với VietinBank, do room vốn ngoại không còn nhiều nên VietinBank đã đề xuất được thí điểm giảm sở hữu nhà nước xuống còn 51%, lộ trình sau năm 2020, để tăng vốn. Thời gian qua, cổ đông chiến lược của VietinBank là Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) cũng liên tục bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần mới, nhằm nâng tỷ lệ góp vốn vào VietinBank từ mức gần 20% hiện nay lên 50%.
Không chỉ các NHTM cổ phần nhà nước mà các NHTM tư nhân cũng hấp dẫn vốn ngoại không kém. NCB gần đây liên tục làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Singapore cho đợt phát hành tăng vốn điều lệ sắp tới.
Mới đây nhất, tờ Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin cho hay, Ngân hàng Phát triển Hà Lan FMO đang cân nhắc việc tài trợ 40 triệu USD vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Số vốn này sẽ giúp HDBank có thêm nguồn lực để phát triển mảng kinh doanh tài chính thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là khoản đầu tư tài chính xanh đầu tiên của ngân hàng.
"Với số vốn đề xuất trên, FMO kỳ vọng sẽ đáp ứng được tham vọng 'xanh' của ngân hàng, cũng như lấy lại chỗ đứng trên thị trường dịch vụ tài chính tại Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á".
gân hàng Phát triển Hà Lan FMO đang cân nhắc việc tài trợ 40 triệu USD vào HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Trước HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, FMO từng cam kết rót 15 triệu USD vào một quỹ ở Việt Nam do Excelsior Capital Asia kiểm soát. Ngoài ra, trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng Hà Lan cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á đầu tư 60 triệu USD vào dự án năng lượng tái tạo của tập đoàn Thành Thành Công.
Đối với HDBank, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định hướng tới mục tiêu ngân hàng xanh. Đặc biệt phát triển mảng tín dụng xanh, cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến ngày 30/09/2019, ngân hàng này đã dành khoảng 10.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án điện mặt trời thương mại và điện mặt trời áp mái tại Việt Nam với tổng quy mô dự án đạt 725 MWp.
Với tổng tài sản 9 tỷ USD tính đến tháng 6, HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện chiếm gần 2% thị phần ở Việt Nam xét về tài sản và tiền gửi. Ngân hàng này được niêm yết vào đầu năm 2018 và vốn hóa thị trường hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD.
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 3.448 tỷ đồng, tăng 20% so với 9 tháng đầu năm 2018 và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay trong 9 tháng hoạt động ở nhà băng này. Tổng thu nhập hoạt động vượt 8.044 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó thu nhập lãi thuần đóng góp 6.859 tỷ đồng, tăng 25%; Lãi thuần từ dịch vụ vượt 435 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2018.
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất, bao gồm mảng tài chính tiêu dùng là 1,5%.
Hiện tại, 13,34% cổ phần của HDBank thuộc sở hữu của CTCP Sovico Holdings, vốn là tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản; Thủy điện; Hàng không. Sovico thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.