Phát biểu thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết. Trong đó, dự thảo Nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019 – 2021 được các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi, kỹ càng.
Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh dự kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Ninh (kỳ họp chuyên đề) khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng 26/10. (Ảnh Đỗ Phương)
Các đại biểu đều cho rằng đây là chủ trương rất đúng, hợp lòng dân và đảm bảo các yếu tố về căn cứ chính trị cũng như căn cứ pháp lý. Đặc biệt, việc cử tri, đại biểu HĐND các cấp đồng thuận, bỏ phiếu tán thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa qua đạt tỷ lệ cao càng thể hiện sự đúng đắn của chủ trương cũng như sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tạo ra những lợi ích to lớn, hiệu quả và thiết thực.
Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu dự kỳ họp đã biểu quyết 100% thống nhất thông qua 9 Nghị quyết quan trọng.
Các đại biểu dự kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Ninh (kỳ họp chuyên đề) khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng 26/10, đã biểu quyết 100% thống nhất thông qua 9 Nghị quyết quan trọng, trong đó có việc sáp nhập TP.Hạ Long với huyện Hoành Bồ. (Ảnh Đỗ Phương)
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ là việc lớn, rất hệ trọng, mang tính lịch sử liên quan chặt chẽ đến sự ổn định và phát triển của tỉnh cũng như của 2 địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm, nghiên cứu đưa ra những chủ trương đúng đắn, lộ trình bài bản, từng bước chắc chắn và đã trải qua 3 lần điều chỉnh với các quy mô, mức độ khác nhau. Phương án lần này đặt ra theo hướng nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long là kết quả của cả quá trình chuẩn bị trong nhiều năm qua, là giải pháp đột phá có ý nghĩa chiến lược; xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan, yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh và của hai địa phương, phù hợp với các quy hoạch tổng thể, chiến lược của tỉnh, của vùng.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, phương án lần này đặt ra theo hướng nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long là kết quả của cả quá trình chuẩn bị trong nhiều năm qua, là giải pháp đột phá có ý nghĩa chiến lược; xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan, yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh và của hai địa phương, phù hợp với các quy hoạch tổng thể, chiến lược của tỉnh, của vùng. (Ảnh Đỗ Phương)
Việc sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 địa phương Uông Bí, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà cũng đã được Quảng Ninh nghiên cứu công phu phương án sắp xếp theo hướng tối ưu hóa lợi thế sau sắp xếp để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, có điều kiện tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng tiêu chí đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
“Ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sớm trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. Cả hệ thống chính trị toàn tỉnh cần tiếp tục quyết liệt tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoàn tất các phương án, các công việc liên quan, điều kiện đảm bảo đều phải được chuẩn bị công phu để có thể triển khai ngay được Đề án sắp xếp khi được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, ông Nguyễn Xuân Ký đề nghị.
UBND tỉnh Quảng Ninh khẩn trương rà soát, đánh giá đầy đủ các tiêu chí đô thị loại I sau sáp nhập, đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng thể của TP.Hạ Long mới cho phù hợp trên quan điểm kế thừa và phát triển, nhất là định hướng không gian phát triển tổng thể, không gian phát triển theo các khu vực phía Hoành Bồ. Các cấp chính quyền, địa phương, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác quản lý đối với đất đai, xây dựng, quản lý hiện trạng sử dụng đất, không để phát sinh các trường hợp vi phạm lấn chiếm, sang nhượng, sử dụng đất sai mục đích, lợi dụng quá trình sắp xếp để đầu cơ, trục lợi, thổi giá đất, gây sốt ảo làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cả trước mắt, cả lâu dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.