Sáp nhập Hạ Long và Hoành Bồ: Sẽ không phải bạt đồi, lấp biển

Hải Long Thứ tư, ngày 09/10/2019 16:15 PM (GMT+7)
TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là việc thiếu quỹ đất để xây dựng các dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, quá tải về hạ tầng kỹ thuật...
Bình luận 0

Trong những năm gần đây TP.Hạ Long đang có bước bứt phá mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ, với hàng loạt các dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Như dự án đô thị Hạ Long Xanh của Tập đoàn Vingroup, dự án đô thị, dịch vụ của Tập đoàn BIM, siêu dự án của Tập đoàn Sungroup, Vingroup, chuỗi các dự án đầu tư kết nối về du lịch, dịch vụ, thương mại, giáo dục của các tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC đã hết quỹ đất hiện có của thành phố. 

img

TP.Hạ Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó lớn nhất là việc thiếu quỹ đất để xây dựng các dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế, Hạ Long đang phát triển mạnh, song nguồn lực tự nhiên đã tới hạn, khó có đột phá căn bản. Về cơ bản Hạ Long không còn nhiều dư địa về không gian phát triển, quỹ đất khả dụng cho phát triển kinh tế - xã hội đã gần hết, không có vùng đệm về hậu cần, vệ tinh đủ lớn. Trong khi đó để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, Hạ Long cần hạn chế việc san đồi lấp biển để bảo vệ môi trường, giữ cảnh quan độc đáo.

Trong bối cảnh hiện nay thì thách thức lớn đối với phát triển bền vững của Hạ Long là bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long do chưa kiểm soát được tận nguồn ô nhiễm từ các dòng sông đổ về vịnh Cửa Lục chảy ra vịnh Hạ Long và kiểm soát ô nhiễm không khí từ nguồn khói bụi các nhà máy xi măng, nhiệt điện từ bên bờ vịnh Cửa Lục.

img

Huyện Hoành Bồ là địa phương có diện tích tự nhiên lớn của tỉnh Quảng Ninh (trên 850km2), đất đai rộng rãi, mật độ dân cư thấp, diện tích đất nông nghiệp hơn 70.000ha, diện tích đất rừng hơn 66.000ha, cảnh quan môi trường độc đáo, đặc sắc… 

Tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh mới đây, Đề án sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ đã được bàn thảo rất kỹ lưỡng với sự thống nhất, đồng thuận cao là mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP.Hạ Long với huyện Hoành Bồ theo hướng nhập nguyên trạng huyện Hoành Bồ và TP.Hạ Long thành TP.Hạ Long. Đó chính là mở ra không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của 1 đơn vị hành chính, tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng, đòn bẩy cho phát triển bền vững.

img

Sáp nhập TP.Hạ Long với huyện Hoành Bồ, Hạ Long sẽ có thêm quỹ đất để các nhà đầu tư thực hiện những dự án lớn.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào thời điểm này để tiếp tục tạo đột phá trong thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, tinh giản mạnh về số đầu mối, có điều kiện để tiếp tục lộ trình tinh giản một phần về biên chế. Đồng thời mở ra khả năng nâng cao đồng đều chất lượng đội ngũ cán bộ, thông qua luân chuyển, điều động, thử thách các mức độ nhiệm vụ khác nhau.

Tạo điều kiện cho một bộ phận cán bộ làm quen, rèn luyện trong môi trường làm việc sôi động, văn minh, đòi hỏi cao. Giảm bớt tính cục bộ trong công tác cán bộ, khắc phục “lối mòn”, tình trạng trì trệ kém động lực của một số cán bộ cơ sở.

img

Sáp nhập Hạ Long - Hoành Bồ, Hạ Long sẽ không còn phải san thêm đồi, lấp thêm biển để tạo quỹ đất như trước.

Riêng đối với việc sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ hoàn toàn phù hợp chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nên sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ, nhất là trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Đặc biệt Hạ Long và Hoành Bồ đang có những điều kiện về hạ tầng kết nối, khuynh hướng chuyển dịch đô thị, cửa ngõ giao thông về phía cầu Bang và lân cận rất rõ nét.

“Sáp nhập 2 địa phương vào với nhau là vấn đề rất lớn, hệ trọng, cùng với việc sẵn sàng đón nhận những cơ hội phát triển mới cũng cần nhìn rõ lường trước những trở ngại ban đầu về tư tưởng của một bộ phận cán bộ ngại đổi mới, e ngại của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính; năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý đối với một thành phố thuộc tỉnh lớn chưa từng có (về diện tích, số đơn vị trực thuộc), rất đa dạng về địa hình, mức độ phát triển; phải điều chỉnh một số quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, tính toán lại nguồn lực… cho phù hợp với quy mô mới của địa phương; sắp xếp tổ chức, cán bộ, khi số cấp trưởng nhìn chung giảm, số cấp phó thấy rõ lộ trình cắt giảm, một số vị trí việc làm dôi dư…”, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết.

img

Dự án san đồi tại phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nhiều năm qua.

Đề án sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ với kỳ vọng sẽ đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu. Hạ Long sẽ phát triển theo hình thái đa ngành, phù hợp với chủ trương của Trung ương và định hướng phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay nhằm đưa tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và của cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem