Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện trong nước có khoảng 5.000
khách sạn 3 - 5 sao nhưng hầu hết các khách sạn đình đám nhất, nằm ở vị
trí đẹp nhất đều phải thuê công ty nước ngoài quản lý.
Nhân sự ngoại hưởng lương cao
Hoạt động tích cực nhất ở thị trường VN là Tập đoàn quản lý khách sạn
Accor (Pháp) hiện quản lý gần 20 khách sạn cao cấp, với các thương hiệu
quen thuộc như Sofitel, Pullman, Novotel, Mercure... Đến từ Mỹ có Tập
đoàn Starwood nắm trong tay dòng thương hiệu cao cấp Sheraton, Le
Méridien; Tập đoàn IHG (Anh) sở hữu thương hiệu Crown Plaza và
InterContinental.
Ngoài ra, còn hàng loạt nhà quản lý ngoại khác như
Hyatt, Evason Ana Mandara (thương hiệu Six Senses), Marriot, Movenpick,
Best Western... Các thương hiệu châu Á cũng không hề chậm chân như
Centara (Thái Lan), Nikko (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)...
Dịch vụ quản lý khách sạn ở VN đang nằm trong tay doanh nghiệp ngoại - Ảnh minh họa
Tâm lý sính ngoại
Theo ông Tào Văn Nghệ, nguyên nhân khiến VN không có công ty quản lý
khách sạn chuyên nghiệp kiểu Centara của Thái Lan, là do những doanh
nghiệp có tiềm lực tài chính không quan tâm đến lĩnh vực này; không có
ai mạnh dạn đứng ra và cùng với những người có kinh nghiệm thành lập
công ty quản lý, dù việc này không quá khó khăn. Vấn đề quan trọng nhất
là xu hướng vọng ngoại khiến chủ đầu tư khách sạn trong nước tìm kiếm
quản lý nước ngoài.
Ông Tào Văn Nghệ, Tổng giám đốc khách sạn 5 sao
Rex kiêm Chủ tịch Hội Khách sạn TP.HCM, nhận xét sự hiện diện của các
thương hiệu khách sạn quốc tế tại thị trường nội địa là rất quan trọng,
khiến du khách tin tưởng hơn vào chất lượng dịch vụ VN. Tuy nhiên, việc
họ không địa phương hóa nhân sự cao cấp sau hàng chục năm có mặt tại thị
trường nội địa cũng là một vấn đề.
Theo ông Lê Đình Tuấn - người từng
làm việc cho một công ty quản lý khách sạn, các công ty quản lý nước
ngoài không có khuynh hướng đưa nhân sự địa phương vào vị trí quản lý
cấp cao, dù người Việt đủ sức làm được những công việc này. Mỗi khi mở
cửa một khách sạn cao cấp do nước ngoài quản lý, thì y như rằng, từ tổng
giám đốc đến các trưởng bộ phận đều từ nước ngoài sang. “Các công ty
này gần như đóng cửa tiềm năng phát triển của nhân sự địa phương trong
ngành khách sạn, dù có rất nhiều người VN du học từ nước ngoài về”, ông
Tuấn phát biểu.
Đảm nhận tất cả các vị trí cao cấp nên chênh lệch về thu nhập trong
các khách sạn hiện nay cực lớn. Trong khi nhân sự nước ngoài hưởng lương
cao chót vót thì nhân sự trong nước chỉ thu về mức lương rất thấp. Cụ
thể, lương tổng giám đốc người nước ngoài của một khách sạn cao cấp từ
10.000 - 15.000 USD/tháng (210 - 320 triệu đồng/tháng) tùy quy mô, không
tính thuế thu nhập (chủ đầu tư trả). Ngoài ra, họ còn được chi trả
nhiều chính sách khác như biệt thự hạng sang, ô tô riêng, tài xế riêng,
đi vé máy bay hạng thương gia... Các trưởng bộ phận cũng hưởng mức lương
không dưới 5.000 USD/tháng (hơn 100 triệu đồng/tháng) và bao chi phí
căn hộ. Ngược lại, thu nhập của nhân sự VN vẫn hết sức khiêm tốn, một
phục vụ phòng hay phục vụ bàn vào khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Các vị
trí có chuyên môn cao hơn cũng chỉ tương đương 1.000 USD/tháng (khoảng
21 triệu đồng).
Giá phòng bị đội
Ông Tào Văn Nghệ cho biết bất kỳ một hợp đồng quản lý khách sạn nào
giữa chủ đầu tư và nhà quản lý chuyên nghiệp cũng có 2 loại phí cơ bản.
Đó là phí quản lý, dao động từ 4 - 7%/doanh thu hằng năm, tùy theo quá
trình đàm phán; phí thưởng quản lý giỏi (lãi càng cao, thưởng càng lớn),
có khi lên tới 20 - 30%/tổng số tiền vượt chỉ tiêu đề ra. Ông Lê Đình
Tuấn cho rằng việc phải trả chi phí quá cao cho nhân sự cấp cao nước
ngoài cộng với suất đầu tư một khách sạn tương đối cao ở VN và nhiều chi
phí tăng do lạm phát đã khiến giá phòng VN cao hơn nhiều so với khách
sạn cùng đẳng cấp trong khu vực.
Khảo sát qua một trang mạng bán phòng trực tuyến cho thấy, giá phòng
của một khách sạn 5 sao ven biển Đà Nẵng và một khách sạn cùng loại,
cùng thời điểm, cùng thương hiệu (do Accor quản lý) ở ven biển Phuket
(Thái Lan) thì giá ở VN cao hơn 1 triệu đồng, cao hơn 2 triệu đồng/phòng
so với Bali (Indonesia), hơn 3 triệu đồng/phòng so với Pattaya (Thái
Lan), 1 triệu đồng/phòng so với ở Thượng Hải...
Theo các doanh nghiệp lữ
hành, điều này góp phần đẩy chi phí tour trọn gói ở VN cao hơn 20 - 30%
so với các nước trong khu vực. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty
du lịch Việt, nhận xét giá phòng khách sạn cao khiến du lịch VN kém hấp
dẫn không chỉ đối với khách du lịch nước ngoài vào VN mà còn cả khách
VN đi tour nội địa. Đây là một trong số các nguyên nhân khách du lịch VN
có xu hướng bỏ tour nội địa để chọn tour nước ngoài trong nhiều năm
qua.
Không chỉ tốn kém tiền công lao động cho nhân sự cao cấp nước ngoài,
ông Lê Đình Tuấn còn đánh giá thiệt hại lớn nhất đối với nền kinh tế VN
chính là nguồn thu rất lớn từ rất nhiều khoản phí mà các công ty quản lý
khách sạn chuyển ra nước ngoài hằng năm và lao động có trình độ trong
nước không được tạo cơ hội để phát huy năng lực chuyên môn, nắm bắt công
nghệ, tích lũy kinh nghiệm quản lý hiện đại. Nếu VN phát triển được các
công ty quản lý, cạnh tranh bình đẳng với nước ngoài, tình trạng này sẽ
được hạn chế.
Thanh Niên (Theo Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.