Trước khi đi làm nhiệm vụ tập kích, lính biệt kích Mỹ thể hiện quyết tâm chiến thắng.
Cuộc tập kích diễn ra gần đúng với kịch bản mà Lầu Năm Góc đã phê duyệt, song điều cay đắng là không giải cứu được bất cứ tù binh phi công nào.
Sai lầm của Nixon
Trong kế hoạch hiệp đồng thì vụ tập kích sẽ được triển khai vào cuối tháng 10.1970. Để thực hiện điều này, Nhà Trắng yêu cầu, trong thời gian diễn ra tập kích, lực lượng hải quân ở Vịnh Bắc Bộ phải đưa máy bay xâm nhập miền Bắc Việt Nam nhằm vu hồi, đánh lạc hướng, tạo cơ hội cho lực lượng tập kích đột phá, giải cứu tù binh.
Tuy nhiên, do bận thực hiện các kế hoạch ngoại giao, do nhìn thấy các tín hiệu tốt trong mối quan hệ với Trung Quốc, nên Nixon chưa quyết định. Kế hoạch tập kích bị hoãn lại khiến những thành viên được giao nhiệm vụ rất đau đầu, lo sợ vì phải giải quyết nhiều rắc rối phát sinh.
Theo kế hoạch, tháng 11.1970, Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ sẽ thay thế tàu sân bay America bằng tàu sân bay Ranger cho toán hành động 77 ở vịnh Bắc Bộ. Trong khi đó, các nhân viên phi hành trên tàu sân bay America đã được thực tập để đánh lạc hướng việc tập kích Sơn Tây. Việc thay phiên, tu bổ tàu sân bay là rất phức tạp, tốn thời gian nên khó có thể tổ chức thực tập lại được hơn nữa, do Nhà Trắng chưa phê chuẩn thời điểm tập kích nên rất khó để hoãn việc thay tàu.
Mặt khác, trong thời điểm này, CIA lại tung ra một điệp viên hoạt động ở Bắc Việt Nam. Lo sợ sẽ hỏng việc lớn nên những người xây dựng kế hoạch tập kích buộc phải liên hệ với hải quân và cả CIA để yêu cầu không thực hiện kế hoạch đổi tàu và rút điệp viên về nơi an toàn, ngừng các hoạt động.
Khi tập kích vào trại giam tù binh Sơn Tây, lính biệt kích Mỹ mang theo loa kêu bạn
Trong quá trình đợi phê duyệt kế hoạch tập kích, các thành viên của cơ quan chống phiến loạn và hoạt động đặc biệt của các tham mưu trưởng hỗn hợp (SACSA) phải nhiều phen “dựng tóc gáy”, lo sợ kế hoạch bị đổ bể. Điển hình là họ đã nhận được một tin tình báo, có một phi công bị giam giữ ở Bắc Việt Nam đã hé lộ một số ít tin tức nào đó nên kế hoạch thông báo trước nội dung tập kích cho các tù binh phải hủy bỏ.
Vào ngày 13.11.1970, SACSA nhận được tin 6 tù binh bị giam ở miền Bắc đã tử vong từ chi nhánh tổ chức ở Bắc Việt (Uỷ ban đoàn kết với nhân dân Hoa Kỳ), khiến những người được giao thực hiện kế hoạch càng cuống cuồng lo lắng. Sáng 14.11, SACSA lại tiếp nhận thêm một tin không tốt lành:
Các toán phản gián ở tổng đài điện thám tại Antonio, tiểu bang Texas đã phát giác được một sự việc không ổn qua các băng ghi âm đàm thoại giữa các máy điện thoại tại bãi tập số 3 ở căn cứ Eglin và tại văn phòng SACSA ở Lầu Năm Góc về một “cuộc hành quân lớn” sắp xảy ra.
Họ còn biết rõ là cuộc hành quân này sẽ được thực hiện ở Đông Nam Á; hải quân và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có liên hệ đến việc này, và việc này sẽ xảy ra chớp nhoáng vào ban đêm. Cũng trong thời điểm này, SACSA lại nhận được tin tình báo, tù binh phi công Mỹ tại trại tù ở Sơn Tây đã bị chuyển đi nơi khác, trại không còn hoạt động.
Tất cả những sự việc này khiến cho các cơ quan thực hiện kế hoạch vụ tập kích Sơn Tây của Nhà Trắng phải tăng cường bảo mật và tổ chức chụp ảnh trại tù Sơn Tây bằng máy bay trinh sát không người lái để phân tích. Tuy nhiên, vì lý do thời tiết, phần đa các bức ảnh thu được không có cơ sở để khẳng định trại tù ở Sơn Tây ngừng hoạt động.
Sáng 18.11.1970, Đô đốc Moorer đến Nhà Trắng để thuyết trình cho Tổng thống Nixon nghe về cuộc tập kích Sơn Tây với mật danh “Kingpin”, cùng dự có Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Laird, Giám đốc CIA Richard Helms và ngoại trưởng William Rogers. Sau khi nghe báo cáo của Moorer, Nixon thốt lên: “Thật là tuyệt diệu, đầy đủ chi tiết, không có gì thừa. À! Tôi biết là các anh đang chờ quyết định tối hậu càng sớm càng tốt, và tôi dự định sẽ quyết định sớm”.
Tổng thống Nixon hoan hỷ: “Tôi biết các anh đã làm việc này suốt mấy tháng qua. Cá nhân tôi cũng muốn thấy các tù binh được trở về. Lạy Chúa tôi, nếu thành công thì chúng ta có thể mời tất cả anh em tù binh đến đây liên hoan trong ngày lễ Tạ ơn, ngay tại tòa Nhà Trắng này. Nhưng tôi cũng không muốn thấy ai bị bắt giam thêm vào các trại tù đó”.
Tuy nhiên, ngay sau đó ông ta lại lo sợ và thổ lộ: “Lạy Chúa tôi, họ đã bao vây toà Nhà Trắng, các anh còn nhớ không? Lần này nếu xảy ra nữa thì có thể họ sẽ phá sập các cổng chính và sẽ có cả nghìn tên “hip-pi” xúm nhau lại đái ngay trên tấm thảm của văn phòng này. Đấy là việc họ sẽ làm”.
Lo sợ là thế, nhưng ngay chiều hôm ấy, Nixon đã ra lệnh cho Bộ trưởng Laird thi hành cuộc tập kích vào ngày 21.11.1970. Lập tức, mọi việc cần thiết được tiến hành để “cỗ máy” chiến dịch tập kích trại tù Sơn Tây khởi động.
Chiến dịch Kingpin thất bại
10 giờ 32 phút ngày 20.11.1970, lực lượng tập kích ở Mỹ được đưa đến sân bay Uđon (Thái Lan). Nhóm hành động lên máy bay HH-3 và hai chiếc HH-53 cùng một máy bay dự bị được máy bay tiếp dầu AC- 130P dẫn đường và đến trên bầu trời Lào vào lúc lúc 11 giờ 18 phút. Lúc 0 giờ 4 phút ngày 21.10, đội chi viện A-1 do máy bay C-130 dẫn đầu nhằm tập hợp lực lượng với nhóm hành động, cũng cất cánh lên từ căn cứ không quân Nakon Phanom (Thái Lan).
Trong khi đó, tại Vịnh Bắc Bộ, Trung tướng Badharc, chỉ huy tàu sân bay Oris Kany cũng lệnh cho các máy bay mang theo pháo sáng, không được gắn tên lửa, thực hiện các cuộc tấn công nghi binh nhằm chi viện cho lực lượng đặc biệt mà không biết lý do. 1h 23 phút ngày 21.11, sau khi chiếc máy bay A7 đầu tiên cất cánh, các tốp máy bay chiến đấu A-7, F-8 cũng bay lên từ các tàu sân bay Oris Kany, Hancok, Rangre.
2h ngày 21.11, nhóm hành động tập kích bay tới vùng trời Sơn Tây, lệch so thời gian hiệp đồng với lực lượng ở Vịnh Bắc Bộ hơn 50 phút. Chiếc HH-53 số 3 tách khỏi biên đội, bay vòng sang bên trái và hạ cánh. Chiếc C-130 dẫn đầu, chiếc HH-53 số 4 và số 5 cũng tách ra và bay đến vị trí chờ đợi trong không trung. Đội A-1 cũng lượn vòng trên vị trí đợi lệnh. Lúc này, chiếc C-130 thả pháo sáng, trại giam tù bình sáng rực. Trên chiếc HH-53, bỗng nhiên đèn vàng cảnh báo nhấp nháy, có trục trặc ở bộ phận biến tốc.
Thiếu tá Donohiu phát hiện máy bay đã bị lệch sang hướng Nam, cách trại giam 200m, nên vội vã cho trực thăng quay về vị trí đợi lệnh. Chiếc HH-3 hạ cánh xuống sân trại tù, nhưng cánh quạt gẫy do va vào cành cây, khiến người trên máy bay bị đập mạnh xuống đất. 2 giờ 17 phút, Trung uý Burneena là người đầu tiên nhảy ra ngoài máy bay gào lên: "Chúng tôi là người Mỹ, đừng ngẩng đầu lên" và cùng với viên chỉ huy Madews xông vào các phòng giam.
Lúc này, nhóm chi viện do Đại tá Simons chỉ huy đã hạ cánh xuống trường trung học cách trại tù 400m về phía Nam. Cơ trưởng của chiếc HH-53 nhầm mục tiêu, vội vàng cho máy bay vòng sang hướng Bắc nhằm thẳng hướng trại tù. Trung tá Saine, Chỉ huy của nhóm yểm trợ, ra lệnh chuyển sang kế hoạch "màu xanh" (kế hoạch dự phòng, chỉ có lực lượng yểm trợ và tập kích gồm 34 người tham chiến).
Nhóm của Đại tá Simons hạ cánh xuống khu vực trường trung học, tuy không đúng kế hoạch nhưng vẫn xông vào trong sân, dùng súng phun lửa cỡ nhỏ đốt cháy dữ dội. Phát hiện sai lầm, chúng gọi trực thăng quay lại và đưa lực lượng trở lại khu vực trại tù. Lúc này, trận chiến đã bắt đầu được 8 phút. Thượng uý Madews dẫn đầu nhóm tập kích xông vào các căn phòng, tỏa ra khắp các ngóc ngách của trại tù nhưng không tìm thấy bất cứ tù binh nào.
Lực lượng đối phương chống lại lẻ tẻ. Nhóm yểm hộ của Trung tá Saine hủy diệt toàn bộ những công trình xây dựng chủ yếu. Khi nhóm của Simons cũng cơ động đến thì phía Bắc Việt Nam không tăng viện binh.
Sau 16 phút từ khi bắt đầu, chiếc HH-53 số 1 chở 23 binh sĩ và 3 thành viên tổ lái chiếc HH-53 cất cánh bay về hướng Tây. Madews cài thuốc nổ vào chiếc HH-3 bị hỏng khi hạ cánh để phá hủy. Phút thứ 27, chậm hơn thời gian dự tính một phút, chiếc máy bay số 2 cũng cất cánh mang theo 23 binh sĩ. Khi kiểm điểm lại quân số, kết quả không có ai bị chết, cuộc rút lui an toàn. Sau khi chiếc máy bay số 2 cất cánh được 6 phút, chiếc HH-3 ở Sơn Tây phát nổ, bị phá hủy hoàn toàn.
Chuẩn tướng Mano ở bán đảo Sơn Trà, nhận được điện báo của Simons thì đã là 3 giờ 55 phút ngày 21.11, bức công điện nói: "Tập kích kết thúc, không tìm thấy tù binh". Lực lượng tập kích và chi viện quay về căn cứ. Máy bay trực thăng đáp xuống căn cứ không quân Uđon lúc 5 giờ 28 phút. Kế hoạch tập kích được thực hiện chặt chẽ nhưng lại không đạt được mục tiêu giải cứu tù binh….
Mạnh Thắng – Phúc Thanh (Pháp luật Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.