Hé lộ ông chủ Nguyễn Đỗ Lăng và Apec Group sau vụ thao túng chứng khoán ba cổ phiếu API, IDJ, APS

O.L Thứ bảy, ngày 24/06/2023 07:00 AM (GMT+7)
Dữ liệu của Dân Việt cho thấy, các công ty API, IDJ, APS đều là trụ cột trong hệ sinh thái CTCP Tập đoàn Apec Group (Apec Group) và ông chủ phía sau là Nguyễn Đỗ Lăng.
Bình luận 0

Ngày 23/6/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận được thông báo từ Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội. Theo đó, Cơ quan này đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (APS), Công ty cổ phần Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (API) và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Cũng theo thông tin từ UBCKNN, Ủy ban đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam và Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

"UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc" – Thông báo từ UBCKNN nêu.

Tiềm lực hệ sinh thái các công ty họ Apec

Theo tìm hiểu các vụ án xảy ra tại công ty nói trên đều nằm trong hệ sinh thái Công ty CP Tập đoàn Apec Group (Apec Group). Trước đó, hồi tháng 4/2023 ba cổ phiếu API, APS, IDJ đều cùng dắt nhau tăng phi mã khiến các cổ đông họ Apec tỏ ra phấn khích. Đơn cử chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 1/4 đến ngày 7/4 nhóm cổ phiếu này đều có mức tăng một mạch từ 34% đến gần 50%. Không ít các nhà đầu tư trên các fanpage Facebook khi đó đã tung hô cho rằng đây là các mã "cổ phiếu vua" thời gian tới. 

Được biết, cả 3 công ty này đều là những trụ cột nằm trong hệ sinh thái Apec Group và ông chủ phía sau là Nguyễn Đỗ Lăng.

Vụ thao túng chứng khoán tại API, IDJ và APS: Hé lộ tiềm lực hệ sinh thái Apec Group và ông chủ phía sau  - Ảnh 1.

Chân dung ông Nguyễn Đỗ Lăng

Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API)

Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương) thành lập ngày 31/07/2006 với vốn điều lệ ban đầu 22,95 tỷ đồng. Vốn điều lệ đến 31/12/2022 đạt 840,8 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chính là đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Năm 2009, công ty thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán UPCoM với mã API. Năm 2010, công ty chính thức niêm yết trên sàn HNX. Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương đang sở hữu 5 công ty con với tỷ lệ từ 51% - 100% và một công ty liên kết.

Theo Báo cáo quản trị năm 2022, gia đình ông Nguyễn Đỗ Lăng - thành viên HĐQT sở hữu 29,94%, trong đó, ông Lăng sở hữu 19,6%.

Đối với lĩnh vực bất động sản, chiến lược kinh doanh của API là tập trung, thâu tóm các quỹ đất tại các tỉnh lẻ giàu tiềm năng như Phú Yên, Huế, Bắc Giang Bắc Ninh...Theo đó, một số dự án tiêu biết của API được biết đến như: Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Royal Park Huế, Apec Aqua Park Bắc Giang, Khu Công nghiệp vừa và nhỏ Đa Hội, Apec Mandala Bắc Ninh, Apec Golden Palace Lạng Sơn, Dubai Tower Ninh Thuận.

Vụ thao túng chứng khoán tại API, IDJ và APS: Hé lộ tiềm lực hệ sinh thái Apec Group và ông chủ phía sau  - Ảnh 2.

Đối với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, API xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái của mình với việc phát triển thương hiệu khách sạn Mandala Hotel & Spa và hệ thống quản lý khách sạn Swiss Hopitality với các dự án như: Apec Mandala Bắc Ninh, Apec Golden Palace Lạng Sơn, Apec Dubai Tower Ninh Thuận…

Năm 2021 đánh dấu mức lịch sử của API với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với thực hiện năm trước đó, tổng tài sản đạt 2.850 tỷ đồng. Đây cũng là năm thăng hoa của cổ phiếu API khi bất ngờ tăng mạnh với độ dốc rất cao vào tháng 9/2021. Đỉnh cao nhất của cổ phiếu API ghi nhận mức 102.000 đồng/cp vào ngày 15/11/2021.

Đến năm 2022, API ghi nhận doanh thu giảm 33,5% xuống hơn 777 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán bất động sản ghi nhận 718,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 121 tỷ đồng, giảm 39,8% so với thực hiện năm trước đó.

Trong quý I/2023, API ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 62,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 4,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 79% và 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng tài sản tính tới 31/3/2023 của API ghi nhận 2.397,4 tỷ đồng giảm 5,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 74,6% xuống 17,3 tỷ đồng; trữ tiền giảm nhẹ còn 245,5 tỷ đồng; Phải trả người bán ngắn hạn không biến động so với đầu năm xuống 20,5 tỷ đồng;

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả giảm 9% xuống 1.407,8 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 1.153,6 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng nhẹ lên 529,7 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giảm nhẹ xuống 206,6 tỷ đồng.

Liên quan đến API, ngày 2/3/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố văn bản cập nhật tình hình chưa thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Trong danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu có Công ty CP Apec Land Huế. Đây là công ty con của API với tỷ lệ sở hữu góp vốn lên đến 99,99%. Lô trái phiếu được phát hành cuối năm 2019 với kỳ hạn 24 tháng và ngày đáo hạn là 19/12/2021.

Được biết, doanh nghiệp đã thanh toán 36,7 tỷ đồng tiền gốc và hơn 4,7 tỷ đồng tiền lãi cho các trái chủ. Đến nay vẫn còn 300 triệu tiền gốc và 68,4 triệu tiền lãi chưa được chi trả.

Công ty CP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS)

Về Công ty CP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS) thành lập vào năm 2006 với số vốn điều lệ là 60 tỷ đồng. Vốn điều lệ đến 31/3/2023 đạt 830 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh và hoạt động chính của APS là: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.

Vụ thao túng chứng khoán tại API, IDJ và APS: Hé lộ tiềm lực hệ sinh thái Apec Group và ông chủ phía sau  - Ảnh 3.

Năm 2021, APS đạt doanh thu 747 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 562 tỷ đồng. Đáng chú ý cổ phiếu APS đạt đỉnh tại ngày 19/11/2021 ở mức 63.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2022, APS ghi nhận doanh thu 421,4 tỷ đồng, giảm 43,6%; lợi nhuận sau thuế lỗ gần 450 tỷ đồng. Tổng tài sản APS đạt 975 tỷ đồng.

Tại APS, ông Nguyễn Đỗ Lăng là thành viên HĐQT, sở hữu 14,3%, vợ ông Lăng là bà Huỳnh Thị Mai Dung sở hữu 2,02%, con ruột Nguyễn Đỗ Hoàng Lan góp 0,96%.

Trong quý I/2023, APS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 126,9 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 30 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản tính tới cuối tháng 3/2023 của APS đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm.

Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ)

Về CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (JDJ) được thành lập vào năm 2007 với số vốn điều lệ là 149,6 tỷ đồng. Năm 2010, IDJ niêm yết trên sàn giao dịch HNX với mã IDJ.

Năm 2021, IDJ ghi nhận doanh thu đạt 893,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 254 tỷ đồng. Phần lớn tỷ trọng doanh thu đến từ hoạt động bán hàng dự án Apec Mandala Wyndham Hải Dương và Apec Diamond Park Lạng Sơn, phần còn lại đến từ mảng cho thuê TTTM, văn phòng, thi công xây dựng…

Vụ thao túng chứng khoán tại API, IDJ và APS: Hé lộ tiềm lực hệ sinh thái Apec Group và ông chủ phía sau  - Ảnh 4.

Năm 2022, IDJ ghi nhận doanh thu 816,8 tỷ đồng, và lợi nhuận đạt 147,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,5% và 27,3% so với thực hiện năm 2021. Tổng tài sản của IDJ tính đến 31/12/2022 đạt 4.729 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 1.743,9 tỷ đồng.

Tại IDJ, ông Nguyễn Đỗ Lăng là thành viên HĐQT và sở hữu 1,3%, vợ ông Huỳnh Thị Mai Dung sở hữu 3,42% và con trai Nguyễn Đỗ Đức Lâm 0,63%.

Trong I/2023, IDJ ghi nhận doanh thu thuần lên tới 245 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng hơn gấp đôi, tăng lên mức hơn 30 tỷ đồng. Tuy có tăng trưởng vượt trội với cùng kỳ nhưng so với kế hoạch mà IDJ đề ra thì Công ty mới chỉ thực hiện được 22% kế hoạch doanh thu và 15% kế hoạch lợi nhuận năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem